|
Ảnh : Xuất khẩu gạo |
Theo ông, sự có mặt của DN ngoại, sẽ giúp thị trường lúa gạo nước ta gạn đục, khơi trong hơn?
Rõ ràng, với các điều kiện trong Nghị định 109 đặt ra (có ít nhất một kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, một cơ sở xay xát thóc, gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ…), các DN nhỏ sẽ ít cơ hội tồn tại nếu không tự đổi mới.
Đây là quá trình sàng lọc, chỉ DN làm ăn đầu tư bài bản mới đủ sức tham gia sân chơi và cạnh tranh bình đẳng với DN nước ngoài. Muốn làm được điều này, đương nhiên DN phải xây dựng vùng nguyên liệu và coi nông dân là đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm gạo.
Mặt khác, DN nước ngoài với lợi thế về mạng lưới cung ứng toàn cầu sẽ phân phối hạt gạo Việt một cách hiệu quả hơn, khi đó cách điều hành truyền thống của VFA hiện nay sẽ phải thay đổi.
|
Ông Trịnh Văn Tiến |
Có thể, các hợp đồng Chính phủ tiếp tục duy trì trong một số năm tiếp theo, nhưng hợp đồng thương mại chắc chắn sẽ phải thay đổi để phù hợp với môi trường mới. Thế độc tôn trong việc quyết định giá, thời điểm thu mua của VFA hiện nay sẽ dần bị phá vỡ.
DN nước ngoài gia nhập vào thị trường sẽ làm tăng số lượng người mua; và càng nhiều người mua thì mức độ cạnh tranh càng cao, từ đó người nông dân sản xuất lúa, hay những người bán hàng càng có cơ hội lựa chọn và quyết định bán sản phẩm với giá cao hơn.
Có quá sớm lạc quan về sự cải thiện thu nhập cho nông dân, trong khi lâu nay, họ vẫn chịu phần thua thiệt trong chuỗi hình thành sản phẩm?
Thực tế, lâu nay nông dân vùng lúa đều sản xuất một cách tự phát, tự quyết định giống lúa, tự áp dụng biện pháp kỹ thuật sao cho chi phí sản xuất thấp nhất. Nhưng rồi, khi có sản phẩm, họ không biết ai sẽ mua và mua với mức giá nào?
Cơ quan chức năng có đưa ra khuyến cáo thị trường, nhưng không chỉ được ai sẽ mua, chỉ nói đến DN một cách chung chung. Trong khi đó, DN cũng chỉ lo kinh doanh, không tự tổ chức vùng sản xuất lúa nguyên liệu, khoán việc thu gom lúa cho thương lái.
Như vậy, giữa DN xuất khẩu gạo và nông dân có khoảng cách giá trị gia tăng khá lớn, tất nhiên phần lợi chủ yếu rơi vào túi DN và thương lái. Hệ quả của quá trình này là sản xuất không theo nhu cầu thị trường, chất lượng và thương hiệu hạt gạo Việt cũng khó được nâng lên.
Nghị định 109 tạo cho thị trường lúa gạo minh bạch hơn (ít nhất là so với hiện tại), khi loại dần những DN kinh doanh mùa vụ, chộp giật kiếm lợi trước mắt. DN buộc phải quan tâm đến nông dân và vùng nguyên liệu hơn.
Ông nhận định thế nào về thị trường gạo và khả năng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2011?
Thị trường lúa gạo thế giới có nhiều dấu hiệu chững lại trong niên vụ 2010-2011, khi tổng cung năm 2011 tăng nhưng với mức tăng thấp hơn tổng cầu. Đối với Việt Nam, hiện lượng gạo tồn kho ước đạt 1,4 triệu tấn và vụ thu hoạch lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đang đến gần, dự báo sản lượng trên 2 triệu tấn gạo. Trong khi đó, chúng ta phải thực hiện giao hàng với khối lượng 600.000 tấn ký hợp đồng từ năm cũ chuyển sang.
Tình hình xuất khẩu gạo trong quý I-2011 có thể sẽ chững lại và kịch bản rất có thể lặp lại giống như quý I-2010. Đó là đầu vụ giá cao nhưng DN không mua của nông dân, đến thời điểm thu hoạch, nông dân không có khả năng trữ lúa, bán ồ ạt nên giá xuống thấp và khi đó doanh nghiệp mới ký hợp đồng xuất khẩu kéo theo giá xuất khẩu thấp, nông dân tiếp tục là người chịu thiệt.
Agroinfo theo Tienphong-online