Cơ giới hóa đồng bộ, dịch vụ và liên kết trong sản xuất lúa

07/03/2011

Bên cạnh những mặt được của việc thực hiện những chính sách hỗ trợ cho công tác dồn điền, đổi thửa thì hiện nay đất sản xuất lúa của khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và ngoại thành Hà Nội nói riêng vẫn còn rất manh mún.

Về kỹ thuật vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống là chủ yếu. Do vậy tốn công lao động, chi phí nhiều mà hiệu quả không cao. Do áp lực đô thị hoá, sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn về nhân lực, đất đai… vì vậy việc cơ giới hóa trong sản xuất sẽ là hướng đi đúng và tất yếu đối với nông nghiệp đô thị.
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã không ngừng tăng cường xây dựng các mô hình áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cơ giới hoá đồng bộ từ khâu làm đất, gieo thẳng lúa cho đến khâu thu hoạch trên địa bàn ngoại thành Hà Nội. Qua 4 năm thực hiện gieo thẳng lúa theo hàng, diện tích không ngừng tăng lên, mỗi năm mở rộng thêm từ 3.000 - 5.000ha. Bên cạnh đó, trong những vụ gần đây, Trung tâm cũng đã triển khai đưa cơ giới hóa máy gặt đập liên hợp vào sản xuất lúa. Bước đầu việc sử dụng đã mang lại hiệu quả cao, được bà con đón nhận.
Để tiếp tục triển khai đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp mà cụ thể là đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất lúa, vụ xuân 2011, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình cơ giới hoá đồng bộ, dịch vụ và liên kết trong sản xuất lúa tại 4 xã của 4 huyện trên địa bàn Hà Nội với quy mô 380ha với 2.385 hộ nông dân tham gia, trong đó tại Thuỵ Hương - Chương Mỹ là 80ha, Phú Phương - Ba Vì, Đa Tốn - Gia Lâm, Mai Đình - Sóc Sơn, mỗi xã là 100ha.
Tổng dự toán kinh phí thiết bị, máy móc, giống, vật tư xây dựng mô hình là trên 9 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 37,3%, phần còn lại nông dân đóng góp. Theo tính toán, với quy mô 380ha cần 1 máy gieo sạ, 19 máy làm đất, 11 máy gặt đập, 3 loại máy này được hỗ trợ 75 triệu đồng/máy; 55 giàn gieo sạ, 19 máy phun thuốc được hỗ trợ 50% giá trị.
Các xã tham gia mô hình đã tiến hành khảo sát lập quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch hạ tầng kênh mương thuỷ lợi, đường nội đồng và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Tiến hành công tác tuyên truyền vận động tới toàn thể nhân dân trong các thôn tham gia mô hình với nhiều hình thức trong đó đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức các buổi họp dân để tuyên truyền về những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, hiệu quả mang lại của việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp để người dân hiểu và tự giác tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, các xã cũng đã tiến hành triển khai thi công xây dựng đường nội đồng, kênh tưới tiêu, cải tạo trạm bơm,... phục vụ sản xuất khu vực làm thí điểm mô hình cơ giới hoá đồng bộ. Tiến hành mua thóc giống, các loại vật tư nông nghiệp, xử lý giống, ngâm ủ giống tập trung. Ngoài ra, các xã đã thành lập các tổ, đội chuyên trách phục vụ sản xuất như: tổ dịch vụ ngâm ủ giống, tổ dịch vụ làm đất, gieo sạ, lấy nước, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch lúa,...
Tại xã Mai Đình - Sóc Sơn, mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ 100ha được thực hiện tại hai thôn Thái Phù và Đường 2 với tổng số hộ tham gia mô hình gần 1.000 hộ, mỗi hộ có từ 3-5 thước ruộng. Để triển khai mô hình, xã đã thành lập ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho lãnh đạo ban quản lý, ban chấp hành đảng ủy các ngành đoàn thể và đặc biệt giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp xã thường xuyên bám sát, chỉ đạo, tổ chức và triển khai các biện pháp kỹ thuật giúp đỡ bà con nhân dân trong sản xuất và canh tác.
Xã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cày, máy bơm nước,... với nguồn vốn hỗ trợ của thành phố là 50% và đang triển khai thi công 4 dự án xây dựng đường nội đồng, kênh tưới tiêu, cải tạo trạm bơm... Tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Tại xã Mai Đình việc thực hiện dồn các ô thửa nhỏ thành diện tích lớn bằng việc đưa cơ giới hóa phá các bờ thửa, các cọc tre được đóng để phân định ranh giới giữa các ô thửa.
Mai Đình là xã thực hiện mô hình sản xuất lúa đầu tiên "3 trong 1" có nghĩa rằng tại đây 3 việc: Thứ nhất: đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất từ làm đất đến gieo trồng và thu hoạch lúa. Thứ hai: việc liên kết giữa các hộ nông dân để cùng phá bờ thửa tạo vùng sản xuất lớn. Đồng thời cũng là liên kết để giảm chi phí trong sản xuất. Thứ ba: Dịch vụ - HTX thành lập tổ dịch vụ từ ngâm ủ, làm đất, gieo sạ, phun thuốc trừ sâu,... thu hoạch và như vậy người nông dân chỉ đảm nhận 2 khâu trong quá trình sản xuất lúa là bón phân, làm cỏ và vận chuyển thóc về phơi tại gia đình.
Tại Đa Tốn - Gia Lâm, cũng là 1 trong 4 điểm tham gia mô hình với diện tích lớn 100ha. Qua nhiều vụ áp dụng thành công việc đưa công cụ gieo thẳng lúa theo hàng, đến nay việc triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ được sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trong khu vực quy hoạch. Mô hình được triển khai tại hai thôn Khoan Tế và Ngọc Động với tổng số hộ tham gia mô hình 550 hộ. Đây là khu vực xã đã tiến hành quy hoạch, dồn điền đổi thửa ngay từ đầu năm 2010. Trong đó bình quân mỗi hộ tham gia mô hình có diện tích từ 4-5 sào, hộ có diện tích lớn nhất là 8 sào. Cho nên bước đầu đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ tại xã Đa Tốn.
Vừa qua, tại các điểm thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức những buổi trình diễn gieo sạ bằng máy, gieo sạ bằng công cụ kéo tay. Theo tính toán của các chuyên gia Viện cơ Điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch; sử dụng máy gieo sạ theo hàng năng suất lúa có thể tăng từ 15-20%, chi phí giảm từ 5-5,5 triệu đồng/ha. Còn với phương pháp gieo sạ bằng công cụ kéo tay thì hiệu quả của nó đã được khẳng định từ nhiều vụ nay là giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sinh trưởng, rất phù hợp với cơ cấu 3 vụ của thành phố, năng suất tăng trung bình từ 7-10% so với lúa cấy, 1ha gieo sạ bằng công cụ kéo tay cho lợi nhuận cao hơn so với phương pháp gieo cấy truyền thống bình quân 5 triệu đồng/ha. Các khâu dịch vụ kỹ thuật từ ngâm ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ đến tưới tiêu và thu hoạch… đều được HTX đứng ra đảm nhiệm.
Như vậy mô hình sẽ góp phần giảm đáng kể công lao động trong sản xuất lúa, giải quyết được vấn đề thiếu lao động nông nghiệp, tạo được vùng sản xuất tập trung theo từng giống lúa, phát triển thành vùng chuyên sản xuất lúa hàng hoá. Bên cạnh đó sẽ khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, thực hiện dồn điền đổi thửa bằng cách dùng các cọc tiêu để đóng nhằm phân định ranh giới ô thửa sau đó phá bờ thửa để thành một ruộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá đồng bộ như bơm nước đổ ải, đưa máy móc vào sản xuất tập trung.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cho biết: Trên một thửa ruộng lớn với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như nhau, được cơ giới hoá đồng bộ cùng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, chắc chắn năng suất và hiệu quả kinh tế sẽ tăng hơn so với những thửa ruộng manh mún, canh tác thủ công, thiếu đầu tư chăm sóc. Có sự đồng thuận của nông dân thì mô hình cơ giới hoá đồng bộ và liên kết dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất lúa sẽ thành công, góp phần xây dựng nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng tiên tiến hiện đại tiến tới sản xuất hàng hóa và liên kết dịch vụ trong sản xuất lúa.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác