Lương thực: bài toán mới cho 9 tỉ người

10/03/2011

Dân số thế giới dự kiến tăng từ 7 tỉ người hiện nay lên mức 9 tỉ vào năm 2050. Tạp chí Economist đã đặt vấn đề là khi đó liệu có đủ lương thực? Liệu sẽ tái diễn khủng hoảng lương thực và nạn đói lại hoành hành tại các nước đang phát triển? Cuộc khủng hoảng lương thực mới nếu xảy ra sẽ khiến lạm phát chất chồng gây bất ổn cho nhiều quốc gia.

Người dân nghèo Ai Cập đau đầu vì giá lương thực tăng mỗi ngày.
Theo thống kê của hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ, dân số châu Phi và các nước Nam Á được dự đoán sẽ tăng cao nhất trong thời gian tới. Sản lượng lương thực trong giai đoạn 40 năm tới phải tăng bằng với lượng được sản xuất ra trong 8.000 năm qua.
Nguy cơ thiếu lương thực
Sản lượng lúa mì tại nhiều quốc gia đang giảm rõ rệt. Biến đổi khí hậu đã và đang tàn phá vụ mùa lúa mì tại Úc và Bắc Mỹ. Cơn hạn kéo dài ở vành đai ngũ cốc của Trung Quốc có thể làm giảm sản lượng lúa mì ở châu Á. Gạo được xem là phong vũ biểu tại các nước đang phát triển vì đây là loại lương thực chủ yếu của hơn ba tỉ người, hơn phân nửa dân số toàn cầu. Khoảng 90% lượng lúa được trồng tại châu Á.
Số liệu từ tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy giá gạo trên toàn cầu đạt mức kỷ lục vào tháng 1.2011. Giá gạo tăng 33% trong năm 2007 và thêm 11% trong năm 2008 sau khi các nước Campuchia, Việt Nam, Ấn Độ và Ai Cập hạn chế xuất khẩu gạo để bảo đảm đủ lương thực tiêu thụ nội địa. Chính phủ các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đang đau đầu khi giá lương thực đang tăng vọt, gây bất ổn cho nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới đã dự đoán rằng, đã có thêm hàng trăm triệu người bị đẩy vào mức đói nghèo, dựa trên mức chi xài 1,25 USD/ngày. Đã có thêm nhiều cuộc hỗn loạn do thiếu lương thực xảy ra tại các nước đang phát triển. Khắp Trung Đông, người dân bất mãn vì giá bánh mì tăng vọt.
FAO nhận định rằng, việc những quốc gia thặng dư sản lượng lương thực đã làm trầm trọng thêm vấn đề, khi giới hạn xuất khẩu lương thực. Vì động thái này gây bất ổn và gián đoạn trên thị trường, khiến giá cả lương thực trên toàn cầu tăng 25%.
Thực tế, tỷ lệ tăng cường sản xuất gạo, lúa mì ở châu Á không bắt kịp tỷ lệ tăng trưởng dân số. Kết quả là giá cả tăng cao so với bình thường. Với giá bình quân 330 USD/tấn, giá chuẩn lúa mì của Mỹ tăng 50% so với một năm trước.
Thách thức lớn
Viện Lúa quốc tế (IRRI) đặt tại Philippines nhận định rằng cần giảm giá gạo xuống 300 USD/tấn. Con số này nhằm đảm bảo 200 triệu nông trường lúa của châu Á thu được lợi nhuận mà vẫn giữ giá gạo trong tầm tay người tiêu thụ nghèo. Nhưng muốn đạt mục tiêu này, cần phải sản xuất thêm 8 – 10 triệu tấn gạo/năm trong 20 năm tới. Đây quả là một thách thức lớn với các quốc gia sản xuất lúa gạo. Hiện bốn quốc gia châu Á – Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan – chiếm khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Mỹ chiếm 12%. Tại châu Á, chỉ có Campuchia và Myanmar đủ diện tích đất thích hợp để trở thành những nhà xuất khẩu gạo thặng dư.
Các nhà lãnh đạo nhóm G8 trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh năm 2009 đã cam kết sẽ huy động 20 tỉ USD giúp giải quyết tình trạng đói nghèo trên thế giới, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm đủ viện trợ lương thực khẩn cấp cho những quốc gia gặp khủng hoảng lương thực. Nhưng từ đó đến nay, tình hình chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Năm nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy – chủ tịch của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất, tiếp tục đặt vấn đề về “tính bất ổn quá mức” trong giá cả lương thực và năng lượng. Pháp đề xuất cơ chế ngăn cản việc đơn phương cấm xuất khẩu lương thực. Mỹ và ngân hàng Thế giới theo hướng hỗ trợ nông nghiệp phát triển, ngăn chặn giá cả leo thang.
Tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos lần 41 vào tháng 1.2011, Indonesia – quốc gia Đông Nam Á duy nhất là thành viên G20, cảnh báo nguy cơ xảy ra bùng nổ xã hội do nạn đói, xung đột kinh tế xảy ra do khan hiếm nguồn cung ứng, nếu cộng đồng quốc tế không quản lý tốt. Nhìn xa hơn, cuộc khủng hoảng lương thực không chỉ làm nảy sinh vấn đề với các nền kinh tế đang phát triển, mà còn dắt dây hệ luỵ đến các quốc gia khác.

 

AGROINFO - Theo Báo Sài Gòn Tiếp thị

Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp thị - số 23 thứ 2 ngày 07.03.2011


Tin khác