Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều địa phương, vẫn còn không ít những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện khiến kết quả phát triển sản xuất ở các xã còn hạn chế.
*Nhiều mô hình hiệu quả
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 3/2011, đã có 8/11 xã hoàn thiện quy hoạch chi tiết về nông nghiệp. Các địa phương cũng đã xây dựng được phương án phát triển sản xuất, tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn. Tổng Cục dạy nghề phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh mở được 100 lớp dạy nghề cho 7.200 lượt lao động; đồng thời các địa phương đã hình thành và củng cố được hơn 50 tổ hợp tác, phát triển 27 HTX và thành lập 54 câu lạc bộ khuyến nông và tín dụng.
Những nỗ lực nói trên đã góp phần tích cực vào sự chuyển biến trong phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Đến nay, xã nào cũng có 3 – 4 mô hình sản xuất có hiệu quả, một số xã đã hình thành được các sản phẩm hàng hóa lớn, tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, xã xây dựng được 3 dự án trồng hoa, cây ăn quả và rau an toàn phục vụ nhu cầu ở đô thị, bước đầu đã cho kết quả tốt, nhất là dự án trồng rau an toàn 79,5 ha tại xứ đồng Cầu Mới thôn Chúc Đồng. Đây là dự án xã phối hợp Công ty Tokin xuống giống cho 90/200 hộ xã viên diện tích trên 5ha với trên 20 chủng loại rau đã cho thu hoạch 160 tấn. Công ty Tokin định ra các giống rau, giá của từng loại rồi khoán cho các hộ xã viên trồng. “Ví dụ, khoán 1 sào cải chíp thu hoạch 2 tạ tương đương với 1,4 triệu đồng. Nếu xã viên thu hoạch được 3 tạ trên sào khoán đó thì 1 tạ chênh lệch công ty cũng bao tiêu luôn với giá hợp lí”, ông Học nói. Theo ông Nguyễn Đức Học, với sự kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã tạo được niềm tin cho người nông dân an tâm sản xuất.
Ở xã miền núi Thanh Chăn, tỉnh Điện Biên dù còn nhiều khó khăn nhưng do dựa trên lợi thế của địa phương đã xây dựng được 12 ha vùng sản xuất gạo đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu “gạo Điện Biên” đồng thời tạo được vùng sản xuất chuyên cây vụ đông mới trên 50 ha.
Một điểm sáng trong phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân là xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đã có hơn 57% lao động qua đào tạo nghề, có 10.000 lao động sau đào tạo đã có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp. Từ nguồn vốn của chương trình, xã đầu tư chủ yếu vào giao thông, thủy lợi, văn hóa giáo dục phục vụ nhu cầu sát thực với người nông dân. Thu nhập bình quân của người nông dân xã Tân Thông Hội ở thời điểm cuối năm 2010 qua khảo sát của Cục Thống kê thành phố HCM là 24,2 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với mức bình quân của huyện (18,6 triệu đồng/người/năm). “Huy động được sức dân, để nông dân thực sự vào cuộc xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng. Vốn huy động từ dân của xã đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã là hơn 103 tỷ đồng”, bà Phan Thị Cẩm Nhung cho biết.
* Xác định hướng đi đúng tiếp theo
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng nhận định, sau 2 năm làm điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả nhất định, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, những mặt hạn chế cũng còn không ít cần các địa phương nhanh chóng khắc phục. Ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, sự đồng thuận giữa các cấp ở các địa phương trong xây dựng nông thôn mới chưa ở mức cao nhất. Công tác quy hoạch là quan trọng số 1 nhưng chưa thực sự hiệu quả. Đội ngũ tư vấn quy hoạch nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Nhiều điểm mô hình chưa được nhân rộng, các hướng dẫn của các Bộ, ngành còn bất cập, ví dụ như: ách tắc về nguồn vốn hỗ trợ, cái này không thiếu nhưng việc bố trí đảm bảo nguồn vốn cho dân chưa kịp thời. “Để nông dân thực sự vào cuộc không phải là đơn giản, không phải nơi nào cũng làm được việc huy động sức dân tốt như xã Tân Thông Hội”, ông Hùng nói.
Theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, mấu chốt để tăng thu nhập cho dân là từng địa phương phải tìm ra được lợi thế của mình để từ đó phát huy. Ví dụ như: xã Hải Đường - Nam Định phát triển VAC gắn với ngành nghề nông thôn; xã Thụy Hương – Hà Nội trồng rau, hoa phục vụ cho đô thị là đúng hướng. Các địa phương cần tổ chức sản xuất theo hướng chất lượng cao. Đào tạo nghề cho lao động rất quan trọng nhưng phải gắn được với doanh nghiệp để tạo việc làm sau đó. Đào tạo nghề làm nông nghiệp thì theo hướng công nghệ cao hoặc thông qua doanh nghiệp đào tạo trực tiếp theo nhu cầu là phương án tốt và phát huy được hiệu quả lâu dài.
Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương cũng yêu cầu các xã chủ động rà soát lại, xác định rõ một số sản phẩm hàng hóa chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để quy hoạch sản xuất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của huyện, của tỉnh. Quy hoạch sản xuất gắn với dồn điền đổi thửa và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; tập trung đào tạo kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường cho người lao động theo cây, con đã lựa chọn.
Vốn cho sản xuất nông nghiệp là khâu thường bị ách tắc, người dân thiếu vốn sản xuất, do vậy Ban Chỉ đạo yêu cầu Ban Quản lý các xã phải dành ít nhất 20% số vốn Trung ương hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa cả xã, tăng cường vốn tín dụng cho người dân vay sản xuất thuận lợi. Ngoài ra, các xã cần tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, sớm hình thành các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tại các xã điểm./.
AGROINFO – Theo TTXVN
Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=450433