Dịch bệnh- thách thức lớn trong phát triển chăn nuôi
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, số lượng gia súc, gia cầm trong chăn nuôi giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đàn lợn ước tính tăng gần 3%; đàn gia cầm tăng 7-10%.
Tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển chăn nuôi và thú y mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, ngành Trồng trọt đang vươn lên đỉnh cao của thế giới, có 5 mặt hàng đứng ở top 10 của thế giới; ngành Thủy sản cũng là một trong 10 nước xuất khẩu lớn của thế giới; ngành Lâm nghiệp cũng đang trở thành xưởng mộc của thế giới, còn đối với ngành Chăn nuôi sẽ không thể phát triển được nếu để dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiếp diễn như vậy.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Muốn phát triển chăn nuôi thì cần kiềm chế dịch bệnh. Chúng ta phải chuyển từ thế bị động sang chủ động phòng tránh, công khai và không giấu dịch. Cục Thú y cần rà soát và giám sát chặt chẽ, xử lý kiên quyết những ổ dịch. Thà tiêu hủy và đền bù 1 ổ dịch còn hơn để nó lây lan ra diện rộng”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hy vọng đến năm 2015 đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành xuất khẩu, phát triển bền vững và có thể cạnh tranh với quốc tế.
Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết phải khống chế được dịch bệnh. Để khống chế dịch bệnh đã và đang lây lan nhanh, đặc biệt là dịch lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Cùng với các biện pháp về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được hướng dẫn. Được biết, để khống chế dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ kết quả phòng chống dịch.
Cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính cũng được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xuất dự trữ quốc gia vắc xin lở mồm long móng, thuốc sát trùng để hỗ trợ ngay cho các địa phương phòng, chống dịch khẩn cấp và bổ sung đủ cơ số theo quy định về dự trữ quốc gia. Đồng thời nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí phù hợp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Trong năm 2011, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đặt mục tiêu không để xảy ra ổ dịch lớn, lây lan diện rộng toàn địa bàn xã hoặc sang các xã, phường khác. Mong rằng với sự nỗ lực không ngừng, ngành chăn nuôi sẽ từng bước khống chế được dịch bệnh và phát triển chăn nuôi bền vững hơn.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=450580