Nông dân thời giá leo thang

29/03/2011

Chi phí đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm thấp, không bù được chi phí… đang là thực trạng mà nông dân ở nhiều vùng quê phải đối mặt. Tiếp tục hay ngừng sản xuất là câu hỏi khó mà bà con không thể tự trả lời.

Nghề làm tre của gia đình ông Bưởi liệu có đứng vững trong thời kỳ giá cả leo thang?
Rầu lòng vì giá tăng
Làng Xuân Lai, xã Xuân Thu (Sóc Sơn – Hà Nội) trước kia vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan. Những năm 1990, làng nghề hoạt động khá nhộn nhịp. Sản phẩm của làng được nhiều khách hàng ưa chuộng và mang lại cho người dân cuộc sống khấm khá hơn.
Thời huy hoàng đó có lẽ chỉ còn trong ký ức. “Bây giờ, mấy ai còn mặn mà với cái nghề mà sản phẩm bán không có người mua, còn làm ruộng ư, sao mà đủ sống?”, ông Nguyễn Văn Bưởi, chủ xưởng sản xuất đồ tre kiêm bán vòng hoa đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Ông Bưởi nói, vì tiếc nghề truyền thống nên ông thuê 3 công nhân làm, cũng để giữ một số khách hàng quen.
Ông Bưởi cho hay, bán hàng trước đây đã khó giờ càng khó thêm. Mọi chi phí từ nguyên vật liệu, tiền công, phí vận chuyển… đều tăng chóng mặt, trong khi hàng bán ra không nhiều. Nếu năm ngoái, 1 cây tre có giá 28.000 đồng thì nay lên 33.000 đồng; luồng từ 90.000 đồng/cây tăng vọt lên 130.000 đồng/cây; thù lao cho công nhân từ 100.000 đồng/người/ngày lên 150.000 đồng/người/ngày...
Theo ông Bưởi, một bộ bàn ghế tre sản xuất ra mất 10 công thợ, chi phí nhân công và vật liệu tăng 40% nhưng giá bán vẫn chỉ giữ ở mức 3,5 triệu đồng như cách đây 2 năm, nên không có lãi. Ông Nguyễn Văn Bảy, thợ làm công, tiếp lời: “Biết là chủ cơ sở đang gặp khó khăn nhưng bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, nếu không đề nghị tăng tiền công thì gia đình tôi không biết sống thế nào trong khi tôi còn phải nuôi 2 đứa con ăn học”.
Anh Nguyễn Văn Hiền, chủ trang trại ở thôn Xuân Lai cũng đang rầu lòng vì gà. Anh bảo: “Tôi đã nuôi gà 5-6 năm nay nhưng chưa lần nào thấy khốn khó như đợt này. Giá cám từ 190.000 – 235.000đồng/bao, nay nhảy vọt lên 250.000 đồng/bao, trong khi giá gà vẫn đứng yên tại chỗ, 48.000 đồng/kg. Hơn 500 con gà chuẩn bị xuất chuồng mà chẳng cảm thấy vui vì biết chắc lỗ”.
Anh Hiền tính toán, nuôi gà ta lai theo phương thức nửa công nghiệp nửa thả vườn mất 4 tháng mới được xuất bán. Nhưng lứa này chi phí sản xuất tăng 20%. Mỗi ngày đàn gà ăn hết 3 bao cám, vị chi mỗi lứa anh phải mất 35-36 triệu đồng tiền thức ăn cho gà, chưa kể công chăm sóc. “Hòa vốn là may lắm rồi”, anh Hiền than thở.
Ngừng sản xuất?
Nói chuyện với chúng tôi, anh Hiền thở dài: “Vất vả là vậy mà vẫn không đủ nuôi gia đình. Có lẽ bán xong lứa gà này tôi sẽ gác chuồng vì không còn vốn và sức lực để nuôi tiếp”. Trong khi đó, ông Bưởi cũng cho biết, với diễn biến giá cả như hiện nay, sau đợt này, ông cũng cho đóng cửa xưởng sản xuất.
Theo TS. Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Phó chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, ở điều kiện bình thường của thời tiết, dịch bệnh và thị trường, phần lãi trong sản xuất của nông dân vốn đã thấp, trong bối cảnh giá xăng, dầu, điện và nhiều mặt hàng thiết yếu khác đều tăng, phần lãi này càng khiêm tốn hơn. Vì vậy, nhiều hộ dân phải đối mặt với tình trạng sản xuất đình đốn, cầm chừng, không có lãi.
Do đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh khó khăn này cần tính đến khoản hỗ trợ cụ thể để khuyến khích nông dân sản xuất. Chính phủ cần hỗ trợ lãi suất, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho nông dân vay vốn ưu đãi để mua sắm vật tư, phân bón, nguyên liệu đầu vào nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ổn định thị trường nông sản.
 AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/3/27668.html


Tin khác