Ly nông không ly hương

31/03/2011

Tuy xã Ấm Hạ (Hạ Hoà, Phú Thọ) mới có 25 hộ mở xưởng sản xuất bóc ván gỗ công nghiệp, nhưng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Một trong yếu tố phát triển nghề là đồng vốn Ngân hàng CSXH.

Không phải ly hương
Xưởng bóc ván công nghiệp của gia đình anh Đoàn Trọng Tuyến, khu 5, có 14 công nhân vận hành máy cắt gỗ, máy bào và máy xoa mặt ván. Anh Lê Hải Đường - công nhân đứng máy cắt gỗ cho biết: “Công nhân đứng máy như em thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. So với ngày công của thợ xây không bằng, nhưng không phải xa nhà và công việc đều...”.
Tuy mới xây dựng hơn năm nay, nhưng xưởng bóc ván gỗ công nghiệp của gia đình anh Quách Đức Hiền cũng thu hút 18 lao động. Khác với nhiều xưởng, anh Hiền trả lương cho công nhân theo ngày, giờ làm việc. Bình quân, công nhân làm việc tại xưởng nhận 80.000 đồng/người/ngày.
“Trung bình mỗi ngày xưởng bóc tách 10m3 gỗ. Giá thu mua gỗ nguyên liệu từ 980.000-1,2 triệu đồng/m3, giá bán ván bóc thành phẩm hiện nay 1,8 triệu đồng/m3, trừ chi phí, mỗi m3 gỗ lãi gần 100.000 đồng. Sau hơn 2 năm sản xuất, gia đình tôi sẽ thu hồi vốn đầu tư”- anh Hiền tính toán.
Bà Đỗ Thị Sang-Chủ tịch Hội ND xã Ấm Hạ cho biết, nghề bóc ván công nghiệp không chỉ tạo việc làm cho công nhân đứng máy, mà còn tạo ra hàng trăm việc làm ở các dịch vụ, công đoạn khác nhau. Trên địa bàn xã đã hình thành dịch vụ vật tư, vận chuyển gỗ, ván dăm. Riêng công đoạn bóc vỏ gỗ, phơi ván dăm cũng tạo việc làm cho hàng trăm lao động với ngày công từ 50.000-60.000 đồng.
Mở rộng nghề
Mở rộng nghề bóc ván gỗ công nghiệp là hướng phát triển của Ấm Hạ. Để hỗ trợ các hộ làm nghề, bên cạnh chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn, tháng 11.2010 thông qua Hội ND xã, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hạ Hoà đã giải ngân cho vay “Dự án chế biến lâm sản” tại Ấm Hạ.
Bà Đỗ Thị Sang, cho biết: “Trong số 25 hộ mở xưởng, nhiều hộ do thiếu vốn, nên chưa khai thác hết công suất máy móc nên số lao động, số việc làm tạo thêm cũng chưa tương xứng. Nguồn vốn vay ưu đãi 250 triệu đồng của “Dự án chế biến lâm sản” đã giúp 13 hộ thêm vốn mua nguyên liệu, máy móc”.
Trước khi chưa được vay vốn của Dự án chế biến lâm sản, xưởng của anh Đoàn Trọng Tuyến chỉ có 5-6 công nhân. Từ khi vay vốn ưu đãi, anh Tuyến đã tìm kiếm nguồn gỗ nguyên liệu giá rẻ hơn ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Công suất hoạt động của máy tăng lên và anh thuê thêm 8 lao động. Số người, thời gian làm việc của nhân công bóc vỏ, phơi ván dăm cũng tăng lên.
Anh Quách Đức Hiền, cho biết: “Tổng số tiền đầu tư mua máy mở xưởng của gia đình tôi hơn 500 triệu đồng. Vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH cộng với vốn tự có tôi đã mua thêm máy xoa ván, đẩy nhanh tiến độ, công suất bóc ván...”.
Tổng dư nợ 8 chương trình vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Hạ Hoà hiện là 178 tỷ đồng, riêng xã Ấm Hạ trên 5,2 tỷ đồng.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Tin khác