Phát triển kinh tế , xóa đói giảm nghèo bền vững cho các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

08/04/2011

TS. Bùi Minh Đạo, Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, một số vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển dân tộc ở Tây Nguyên, là tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều buôn làng dân tộc tại chỗ .

Thách thức không nhỏ là không ít trường hợp dốc toàn bộ đất đai và vốn vào phát triển cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc theo quy mô hàng hóa, không may phải năm mất mùa do thiên tai hay nông sản mất giá do thị trường biến đổi dễ trở thành nghèo đói và trắng tay.
 
Để thúc đẩy kinh tế hàng hóa và xóa đói giảm nghèo bền vững, trong những năm tới, cần có chính sách giúp người dân tại chỗ Tây Nguyên yên tâm và ổn định phát triển chăn nuôi gia súc, công nghiệp. Trọng tâm và then chốt là một số chính sách như giải quyết thỏa đáng và hiệu quả vấn đề đất đai cho người dân Tây Nguyên, bao gồm đất sản xuất và đất ở, trên cơ sở xem xét truyền thống quản lý và sử dụng đất đai của các dân tộc theo 2 hướng: Tiếp tục thu hồi đất sử dụng không hợp lý và không hiệu quả của các nông lâm trường giao lại cho dân; mở rộng ngành nghề mới và đào tạo ngành nghề phù hợp với trình độ và kỹ năng lao động của người dân. Giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất đai còn tồn đọng theo nguyên tắc, xem xét và chiếu cố truyền thống quản lý và sử dụng đất rừng của người dân, tránh máy móc dập khuôn theo Luật Đất đai.
 
Các dự án phát triển kinh tế xã hội chú ý đầu tư cho phát triển sản xuất nhiều hơn là đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm khai hoang đồng ruộng, xây dựng công trình thủy lợi, khuyến nông khuyến lâm, nâng cao năng lực sản xuất và xóa đói giảm nghèo nội tại của chính người dân. Ở những vùng còn rừng, cố gắng gắn người dân đi vào phát triển rừng bằng các hình thức giao rừng khác nhau nhằm phát triển kinh tế và duy trì tâm thức và văn hóa rừng truyền thống, cũng là giảm áp lực thiếu đất sản xuất hiện nay.
 
Phát triển kinh tế hàng hóa và mở rộng thị trường kinh tế hàng hóa đến mọi vùng của Tây Nguyên để một mặt kích thích sản xuất phát triển, mặt khác khắc phục tình trạng chi tiêu thiếu kế hoạch vào mục đích phi sản xuất của người dân. Có chính sách giá cả và bảo hộ giá hợp lý để một mặt khắc phục tình trạng bị tư thương ép giá, mặt khác, hạn chế thiệt hại của người dân khi gặp thiên tai và giả cả không ổn định./.
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác