Năm 2009, Thanh Hoá đã triển khai thực hiện chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, hiệu quả cao, bước đầu đạt được kết quả khá cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
12 huyện của Thanh Hóa tham gia xây dựng vùng thâm canh lúa với tổng diện tích 30.100,4 ha, tăng 7.600,4 ha so với kế hoạch. Năng suất năm 2010, đạt 64 tạ/ha, tăng 4,6 tạ/ha so với bình quân chung của toàn vùng và tăng 9,3 tạ/ha so với bình quân chung của cả tỉnh. Sản lượng lúa đạt 405.805,2 tấn, chiếm 26% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh, trong khi diện tích gieo cấy chiếm 18% diện tích lúa toàn tỉnh. Về giống, diện tích gieo cấy các giống lúa lai tăng nhanh, đạt 36.185,3 ha năm 2010, chiếm 30% diện tích gieo cấy lúa lai toàn tỉnh. Toàn vùng đã kiên cố hóa 346,97 km kênh mương và 468,04 km giao thông nội đồng; đã đầu tư mua sắm 157 máy gặt đập liên hợp. Công tác tập huấn kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được tăng cường.
UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã đề ra mục tiêu trong năm 2011, đó là: Phấn đấu mở rộng diện tích vùng thâm canh lúa lên 11.400 ha, nâng diện tích toàn vùng lên 44.100,4 ha; năng suất bình quân cả năm đạt 66 tạ/ha trở lên, trong đó năng suất lúa lai đạt 70 tạ/ha trở lên; lúa chất lượng đạt 61 tạ/ha trở lên; kiên cố hóa 220 km kênh mương, 280 km giao thông nội đồng, mua 120 máy thu hoạch.
Việc xây dựng vùng thâm canh lúa đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập của nghề trồng lúa, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an ninh lương thực. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của chương trình xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, UBND tỉnh yêu cầu các huyện rà soát, quy hoạch vùng thâm canh lúa của địa phương mình đến năm 2013, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, rà soát đánh giá lại hệ thống thủy lợi, giao thông, đầu tư nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống kênh mương nội đồng để có điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất; tập trung chỉ đạo cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, bảo đảm phù hợp với từng chân đất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trước mắt thực hiện cơ giới hóa các khâu gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản chế biến lúa gạo; quan tâm, tạo điều kiện phát triển các tổ hợp tác, HTX dịch vụ nông nghiệp, các công ty sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ lúa gạo./.
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản