Trăn trở giữ nghề truyền thống

13/04/2011

Nghề làm bánh tráng truyền thống ở xãThiệu Châu (huyện Thiệu Hoá, Thanh Hóa) góp phần không nhỏ giúp miền quê này thay da đổi thịt. Song để giữ nghề đang là trăn trở của chính quyền địa phương.

Từ lâu lắm rồi, nghề làm bánh tráng đã trở thành “cần câu cơm” của người dân Thiệu Châu.
 
Ba đời làm nghề
 
Nguyễn Công Nghĩa - cán bộ xã Thiệu Châu, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 8. Chị Hoa kể, chị cũng nhớ không rõ nghề làm bánh tráng có từ khi nào, chỉ biết gia đình chị có tới 3 thế hệ làm bánh đa, từ đời ông, bà, cha mẹ, và giờ đến vợ chồng chị đang tiếp tục theo nghề này.
 
Chị Nguyễn Thị Hoa vẫn bám trụ với nghề làm bánh tráng truyền thống.
 
 
 
Ở thôn 8, nhà nào cũng làm bánh tráng và đó là nghề mưu sinh chính của người dân trong làng. Trung bình mỗi ngày vợ chồng chị Hoa tráng 1.000 chiếc bánh, trừ chi phí, mỗi chiếc lãi 200 đồng, mỗi ngày lãi 200.000 đồng, bình quân mỗi tháng nhà chị bỏ túi 6 triệu đồng. Nhờ nghề làm bánh tráng, số hộ nghèo trong thôn hiện chỉ còn 4%, hộ cận nghèo 1,5%.
 
Chị Hoa cho hay: “Để có được những chiếc bánh tráng thơm ngon, giòn tan, vợ chồng tôi bắt đầu làm từ 3 giờ sáng và kết thúc vào tầm trưa. Nếu ngày nào có nắng đều thì đỡ vất vả. Hôm nào trời âm u, có mưa, thì “chạy bánh” tránh mưa cũng bở hơi tai. Được cái, nghề này bây giờ ổn định. Bánh làng tôi theo các thương lái ra tận Quảng Ninh, Hải Phòng”.
 
Giữ nghề cho làng
 
Mặc dù nghề làm bánh tráng đã giúp cho người dân thôn 8 thực sự “thay da đổi thịt”, nhưng để giữ được nghề vẫn là trăn trở của chính quyền địa phương.
 
Ông Lê Đức Thước - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Châu cho biết: Toàn xã có 1.100 hộ, với 5.300 nhân khẩu. Hầu như năm nào xã cũng có người đi làm ăn xa, đặc biệt là số lượng người đi miền Nam tăng đột biến. Hiện có 45 hộ đã chuyển khẩu vào miền Nam, số người đi làm ăn lâu dài lên tới 1.200 người, đó là chưa kể rất nhiều người đi làm theo thời vụ. Thống kê của xã, hiện Thiệu Châu có 2.300 người rời quê hương đi làm ăn xa.
 
Ông Thước trăn trở: “Địa phương chúng tôi, ngoài nghề làm bánh tráng, bánh đa nem, miến gạo... còn có nghề làm đậu phụ, đan cót, nhưng giờ đây nhiều người không tha thiết với những nghề truyền thống”.
 
Để giữ nghề, xã đang quy hoạch làng nghề truyền thống, để thu hút lao động và tạo việc làm tại chỗ cho nông dân trong xã. “Hướng của địa phương là phát triển bảo tồn, xây dựng thương hiệu cho làng nghề bánh tráng. Xã chính sách khuyến khích người dân tham gia làm nghề truyền thống, kết hợp chăn nuôi, đẩy mạnh kinh tế trang trại... tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhân dân. Chắc chắn, nghề bánh tráng và các nghề truyền thống ở Thiệu Châu sẽ có thương hiệu trên thị trường”- ông Thước tâm sự.
 
AGROINFO - Theo Báo Nông thôn ngày nay
 
 
 
 
 

Tin khác