Nông sản tăng giá: ai được lợi?

26/04/2011

Bước sang năm 2011, chỉ số giá lương thực trên thế giới đã tăng 28,3% so với giữa năm 2010. Nhiều mặt hàng đang thiết lập mức giá kỷ lục từ trước tới nay như: tiêu, cà phê, thủy sản, cao su. Hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác cũng đều đang tăng giá mạnh mẽ.

Việt Nam là nước xuất khẩu mạnh nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản, nên việc giá tăng sẽ giúp xuất khẩu nông sản sẽ đem về một nguồn tiền lớn, Bộ NN-PTNT đang kỳ vọng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay có thể hướng đến mốc 23 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với năm trước. Đây là cơ hội tốt để tăng thu nhập cho nông dân và tái phân phối phúc lợi xã hội. Theo các chuyên gia, hiện đang thực sự là thời điểm ổn định và thuận lợi cho những nhà làm chính sách hướng tới mục tiêu xa hơn, có cái nhìn dài hạn hơn trong phát triển sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh sự mừng vui vì giá tăng thì cũng vẫn còn nhiều băn khoăn trăn trở: nông dân được hưởng lợi quá ít trong chuỗi giá trị nông sản; giá thực phẩm trong nước tăng cao đang ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu nông dân nghèo khó; giá cao đôi khi lại là hậu quả của sự mất mùa, thiên tai, dịch bệnh hoành hành… Bởi vậy, bên cạnh việc các ngành hàng phải biết tận dụng cơ hội giá bán cao để tăng tốc thu ngoại tệ về cho đất nước, thì từng lĩnh vực sản xuất cũng cần xem lại những mặt yếu kém trong chỉ đạo điều hành để có giải pháp khắc phục để làm chăn nuôi, trồng trọt phát triển bền vững.
                        
Tận dụng thời cơ giá cao để thúc đẩy sản xuất (Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt)
 
Giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm hiện nay đã vượt cao hơn hẳn so với thời điểm được coi là “nóng” nhất hồi tháng 6/2008 của cơn khủng hoảng lương thực thế giới. Nguồn cung lương thực thiếu hụt đang đe doạ tới an ninh lương thực ở nhiều quốc gia. Theo dự báo, xuất khẩu gạo thế giới năm nay sẽ tăng hơn 15% so với năm trước và Việt Nam được dự báo sẽ chỉ xếp sau Ấn Độ với mức tăng gần 38% so với năm 2010. Mặc dù trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng, nhưng nước ta không những vẫn chưa phải lo lắng nhiều về vấn đề an ninh lương thực, mà đây lại đang là cơ hội cho nước ta thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ nông sản. Hiện đang thực sự là thời điểm ổn định và thuận lợi cho những nhà làm chính sách hướng tới mục tiêu xa hơn, có cái nhìn dài hạn hơn. Việt Nam cần tập trung vào xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển máy móc công nghệ phục vụ nông nghiệp, phải hướng đến một chiến lược nông nghiệp có chất lượng nhất.
 
Phải tận dụng thời cơ giá lương thực tăng cao để thúc đẩy sản xuất là mục tiêu quan trọng trong năm nay. Dự báo khối lượng gạo xuất khẩu của năm 2011 có thể tiếp tục lập kỷ lục mới với 7,1-7,4 triệu tấn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT phải tăng thêm được 1 triệu tấn lúa trong năm 2011, đưa tổng sản lượng lúa thu hoạch lên hơn 40 triệu tấn để vừa tăng xuất khẩu, vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Để thực hiện chỉ đạo này, các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ sẽ phấn đấu xuống giống lúa cả năm 2011 đạt hơn 4,47 triệu ha, ước tính năng suất bình quân toàn vùng đạt 54,5 tạ/ha, sản lượng đạt 24,38 triệu tấn, tăng 869.332 tấn so với năm 2010. Các vùng trồng lúa khác như đồng bằng sông Hồng và Trung bộ cần tăng khoảng 131.000 tấn. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, ở Nam bộ, chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long tập trung mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, đặc biệt chú ý tăng sử dụng giống xác nhận và tăng diện tích thu hoạch bằng máy, tăng lò sấy lúa. Vùng này triển khai thực hiện phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật (theo tiêu chuẩn VietGAP) và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Các địa phương chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa và chủ động đối phó hiệu quả với hạn, lũ, xâm nhập mặn.

Vụ lúa Hè Thu 2011 tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long tập trung chuyển đổi thời vụ xuống giống lúa, ngoài diện tích đã xuống giống trong tháng 3 (khoảng 150.000 ha), các địa phương vùng ảnh hưởng lũ phía Bắc quốc lộ 1, vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hầu tập trung xuống giống trong tháng 4, với diện tích chiếm khoảng 950.000 ha, bằng 70% kế hoạch. Số còn lại xuống giống trong tháng 5, với một số vùng sử dụng nước trời xuống giống kết thúc vào 10 ngày đầu tháng 6. Việc chuyển đổi thời vụ này giúp tăng sản lượng thu hoạch lúa Hè Thu trong tháng 7, đây là thời điểm ít mưa hơn tháng 8, chất lượng lúa tốt hơn, phơi sấy thuận lợi và hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Cùng với đó, các địa phương sẽ có thời gian chuẩn bị, giãn cách và điều chỉnh quy hoạch tăng diện tích lúa Thu Đông. Sau khi rà soát điều kiện sản xuất lúa Thu Đông ở các địa phương, Bộ Nông nghiệp nhận định có thể tăng thêm 94.000 ha lúa, nâng tổng diện tích xuống giống tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long lên hơn 600.372 ha. Các địa phương cần củng cố đê bao, hệ thống bơm điện và khai thác khả năng tăng diện tích lúa Thu Đông trong hệ thống sản xuất tôm – lúa ở các tỉnh ven biển như: Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ xem xét hỗ trợ gần 200 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để gia cố bờ bao, bơm tát, lúa giống... đối với diện tích lúa Thu Đông tăng thêm. Đối với các vùng trồng lúa khác, giải pháp tăng sản lượng chủ yếu bằng tăng năng suất, nhất là không để thiệt hại do dịch bệnh và tích cực phòng chống hạn. Trước mắt, các tỉnh phía Bắc tập trung chỉ đạo làm tốt vụ Đông Xuân 2010 – 2011.

 
“Chết” vì chủ quan đầu ra (Ông Hà Hữu Phái – Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường)
 
Từ giữa tháng 3/2011 đến nay giá đường đã giảm liên tục, nay chỉ còn 17.000-18.000 đ/kg. Đường bán giá thấp mà vẫn khó tiêu thụ, khiến các nhà máy (NM) đường trong nước đang tồn kho, ứ đọng hơn 400.000 tấn đường. Tuy chưa kết thúc niên vụ sản xuất, nhưng tính đến giữa tháng 4/2011, các NM đường trên cả nước đã sản xuất được gần 900 nghìn tấn đường, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 70 nghìn tấn. Nếu trừ đi số lượng theo hợp đồng (thực tế tiêu thụ có thể ít hơn) thì lượng tồn kho tại các nhà maý hiện nay khoảng 430.000 tấn. Trong đó: NM đường Hiệp Hòa (Long An) ứ đọng gần 8 nghìn tấn; NM đường Bourbon Tây Ninh tồn kho trên 50.000 tấn; NM đường Khánh Hòa tồn kho 29.000 tấn; NM đường Ninh Hòa tồn kho đến 15.000 tấn; NM đường Việt - Đài tồn kho 30.500 tấn; NM đường Lam Sơn tồn kho trên 51.000 tấn... Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao, vốn vay lãi suất cao mà vay cũng không phải dễ, mía của dân đến kỳ thu hoạch không thể chần chừ đã khiến hầu hết các nhà máy đường đang lâm vào tình cảnh khốn đốn. Nguyên nhân khiến giá đường giảm là do dự báo sai về sản lượng đường trong nước và đã cho nhập khẩu ngay từ thời điểm các NM đang sản xuất tập trung, cộng với lãi suất tiền vay quá cao đã làm cho các DN không dám mua vào. Các NM đường thì không đủ lực để ôm hàng nên buộc phải bán ra. Bên cạnh đó lại thêm đường Thái Lan nhập lậu vẫn “vô tư” tràn qua biên giới Tây Nam, “đè bẹp” đường nội địa về giá và cách thanh toán. Lượng đường nhập lậu qua biên giới với Campuchia hiện này lên tới 700-1.000 tấn/ngày. Sự nguy hiểm của đường nhập lậu ở chỗ đây là sản phẩm thặng dư, có giá thành thấp, lại trốn được 2 sắc thuế (nhập khẩu và GTGT) tới 10% - tức thấp hơn gần 2.000đ/kg - nên “chốt” giá mức nào họ cũng nắm chắc lãi.
 
Sự khốn đốn hiện nay của các NM đường nước ta chính là hậu quả của chiến lược sai lầm của họ trong thời gian qua: không lo đầu ra, chỉ lo tranh mua nguyên liệu đầu vào. Suốt hai năm qua, giá đường trên thế giới tăng cao, và các NM đường trong nước luôn được hưởng lợi, bán với giá cao, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Chưa có bất kỳ NM đường nào tự xây dựng được hệ thống đại lý tiêu thụ riêng, càng không thể đưa được sản phẩm đến các cửa hàng bán lẻ. Từ lâu đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên bao thầu đầu ra cho tất cả mọi NM đường, đồng thời thâu tóm toàn bộ hệ thống tiêu thụ đường trong nước. Các NM đường buộc phải tuân thủ những quy định do hệ thống đại lý đưa ra, chỉ được bán hàng cho các đại lý này, không được phép bán bất kỳ nhà bán lẻ nào. Nếu NM nào vi phạm sẽ bị tẩy chay và sẽ không thể tiêu thụ được sản phẩm. Đổi lại, dựa vào hệ thống đại lý, các NM luôn yên tâm về đầu ra, toàn bộ sản lượng xuất xưởng đều được đại lý tiêu thụ hết, với mức giá không thua thiệt cho nhà máy. Hệ thống đại lý tiêu thụ đường cũng biết phân chia quyền lợi đồng đều cho tất cả các NM cùng tồn tại. Từng có một số NM đường của nước ngoài đầu tư xây dựng công suất lớn, ban đầu tự tin rằng lực mạnh, công nghệ cao, giá thành thấp nên không muốn lệ thuộc vào hệ thống đại lý ngành đường. Sau một thời gian “điêu đứng” vì bị đại lý đường chèn ép thị trường, rốt cuộc họ cũng đã phải chấp nhận đứng trong hệ thống này mới “sống” được. Giữa các NM chế biến đường trong nước thường ít có sự cạnh tranh về đầu ra, mà chỉ cạnh tranh khốc liệt ở đầu vào. Tổng nguồn nguyên liệu mía chỉ đáp ứng chưa được một nửa công suất thiết kế của các nhà máy, nên doanh nghiệp nào mua được nhiều nguyên liệu thì doanh nghiệp đó sẽ thắng.
 
Vì không lo đầu ra, nên chẳng mấy doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trước đây, các NM đều đầu tư cho nông dân trồng mía: từ khâu chọn giống mía năng suất chất lượng cao, phân bón, máy nông nghiệp. Thế nhưng những năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện tư tưởng “ăn xổi ở thì”, tức là không đầu tư cho vùng mía nguyên liệu, mà thực thi các chiến lược tranh thu mua mía nguyên liệu của nhau. Nhiều NM đầu tư cho nông dân trồng mía, nhưng khi thu hoạch lại bị công ty khác thu mua cướp mía nguyên liệu, nên càng nản trong việc đầu tư. Hậu quả là, năng suất và chất lượng mía ở nước ta hầu như không được cải thiện, thậm chí còn giảm sút. Trước đây, năng suất mía bình quân ở nước ta đạt 55 tấn/ha, thế nhưng hiện tại chỉ đạt đạt 51,7 tấn/ha (số liệu do Bộ NN-PTNT tổng kết năm 2010). Trong khi các nước trong khu vực đều đạt năng suất từ 65-70 tấn/ha, thậm chí có nơi đạt tới 80 tấn/ha. Không chỉ vì giống kém, ít đầu tư canh tác, mà việc các NM đường thu mua mía không căn cứ vào chữ đường, khiến nhiều nông dân bán mía non, dẫn đến năng suất thu hoạch mía càng thấp.
 
Khi lượng đường trên thế giới cung không đủ cầu, thì các nhà máy đường nước ta cứ việc “rung đùi” hưởng lợi. Nhưng, đến lúc cung vượt cầu như hiện nay, chất lượng và giá thành chính là yếu tố quyết định việc tiêu thụ, thì ngành đường sẽ lao đao, việc tồn kho hàng trăm nghìn tấn đường là hậu quả tất yếu.
 
Lợi nhuận nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài   (Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao)
 
Năm 2011 chứng kiến giá cà phê Robusta đã đạt cao nhất trong 13 năm và cà phê Arabica đạt mức giá cao nhất trong hơn 30 năm qua. Hiện giá cà phê xuất khẩu vẫn đang đứng ở mức rất cao, hơn 2.430 USD/tấn, tức là cao gấp gần 2 lần so với thời điểm này năm trước. Riêng quí I, xuất khẩu cà phê đã đem lại 1 tỷ USD. So với năm 2010 lợi nhuận từ cà phê rất lớn. Nhưng thực chất số tiền ấy nằm trong túi các công ty nước ngoài ở Việt Nam. Họ có rất nhiều vốn nên đã bỏ ra gom hàng lúc giá thấp và tổ chức thu mua đến tận người nông dân. Các DN Việt Nam biết là giá sẽ tăng, muốn mua lắm nhưng chỉ đứng nhìn không biết làm gì hơn. Từ năm 2009 đến 2011 các doanh nghiệp cà phê nước ngoài do có tài chính mạnh đã nâng tổng lượng cà phê thu mua trực tiếp tại VN từ 16% lên tới 50%. Hiện nay, DN nước ngoài mua tới 60-70% lượng cà phê trên thị trường Việt Nam. Họ cũng mua gom được phần lớn cà phê vào thời điểm giá rẻ (khoảng trên 30.000 đồng/kg) nên lợi nhuận có được nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao hiện nay hầu hết rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
 
Nông sản được coi là một trong những ngành trọng điểm của sự phát triển kinh tế năm nay. Nó không chỉ mang đến nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp (DN) mà còn giúp tăng thu nhập của nông dân và thu về một lượng lớn USD từ xuất khẩu để ổn định cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, thực tế nguồn lợi từ xuất khẩu nông sản lại không nằm trong tay những đối tượng mà chúng ta mong đợi. Các DN FDI trong lĩnh vực nông sản sẵn sàng đẩy vốn vào thu mua nguyên liệu để sau này ăn chênh lệch giá. Nhưng nguy cơ là, một ngày nào đó, DN trong nước thấy chán quá bỏ cuộc hàng loạt không tham gia thu mua và xuâts khẩu cà phê nữa. Khi ấy, DN nước ngoài sẽ điều khiển thị trường lên xuống thì tùy thích. Hiện nay, cà phê trong dân không còn bao nhiêu. Nhu cầu cà phê trên thế giới hiện tăng cao nhưng giá cà phê trong tháng 4/2011 đã có những dấu hiệu giảm, đơn giản vì các công ty nước ngoài đã điều khiển giá thị trường London rồi.
 
Lợi ích đang nằm trong túi các DN có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn về vốn, trong khi các doanh nghiệp trong nước đều biết mà không làm gì được, chỉ vì thiếu vốn thu mua nên lực bất tòng tâm. Giải quyết bài toán này không phải quá khó. Chính phủ đã qui định hạn mức cụ thể cho từng ngành hàng nông sản. DN Việt Nam không quá cần lãi suất thấp, chỉ cần khi mua hàng thì tập trung được vốn để mua. Chính phủ cần giao cho một số ngân hàng tổng hạn mức cho cà phê, thuỷ sản, tiêu, điều.... Sau đó, ngân hàng đó có nghĩa vụ phải tìm DN làm ăn tốt thì cho vay. Nếu ngân hàng nào cho vay hết hạn mức mà Chính phủ giao mà không xảy ra sự cố thì tạo điều kiện, tiếp tục ủng hộ ngân hàng đó. Ngân hàng nào không làm được thì chuyển sang ngân hàng khác. DN nào khó khăn thì dùng cơ quan thứ 3 để kiểm tra hàng hóa, tình trạng DN. Làm như vậy thì chúng ta giúp được DN khó khăn vẫn tiếp cận được vốn.
 
Chúng ta cần phải học tập kinh nghiệm của nước xuất khẩu cà phê đứng đầu thế giới là Brazil. Ở Brazil, không có chuyện người nước ngoài vào được thị trường của họ. Họ không cấm người nước ngoài mà áp dụng chính sách cấp  quota xuất khẩu tự động 3 tháng/1 lần. Các DN phải đăng ký đúng năng lực của mình, khi sử dụng hết  quota đó thì mới cấp tiếp. Điều đó có nghĩa DN phải làm, phải xuất khẩu chứ không biến đất nước Brazil thành nơi chứa cà phê cho DN nước ngoài kiếm lời.
 
 
Giá thịt cao không ai được lợi ( Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi )
 
Chưa bao giờ giá thịt lợn cao khủng khiếp như hiện nay: thịt lợn hơi xuất chuồng 55-60 nghìn đồng/kg. Trong khi cách đây 5 năm, giá thịt lợn hơi chỉ 15 nghìn đồng/kg, giá xuất chuồng thời điểm này năm ngoái cũng chỉ mới trên dưới 30 nghìn đồng/kg. Với giá cao như vậy, đáng lẽ người chăn nuôi phải hết sức vui sướng, thế nhưng hiện nay hầu hết người chăn nuôi lại ngán ngẩm, không muốn đầu tư tiếp vào đàn lợn của mình. Từ 2 tháng nay, nhiều chủ trang trại đã phải giảm đàn, thậm chí tạm bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang các loại vật nuôi khác. Vậy giá thịt lợn cao lúc này thì ai được lợi? Người tiêu dùng phải mua đắt. Giới thương lái,  kinh doanh thịt lợn cũng đang gặp khó đầu ra, giá đắt nên người tiêu dùng cắt giảm thịt lợn. Trong khi đầu vào càng khó, thịt lợn quá khan hiếm mà giá lại quá cao.
 
Nghịch lý hiện nay đang tồn tại trong ngành chăn nuôi là giá thịt lợn lên cao, nhưng người chăn nuôi lại thua lỗ. Những người bán thức ăn gia súc thì không dám cho nợ. Nhiều ngân hàng không dám cho người chăn nuôi tiếp tục vay vốn… Bấy lâu nay, cứ mỗi khi nông dân chăn nuôi thua lỗ, là người ta lại đổ tại thức ăn chăn nuôi quá đắt. Mặc dù từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi có tăng 3-4 đợt, nhưng hạch tóan với giá bán thức ăn như hiện nay, thì người chăn nuôi vẫn có lãi từ 18.000 đồng – 25.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Rõ ràng, nông dân chán chăn nuôi, bỏ trống chuồng nguyên nhân cơ bản nhất xuất phát từ ngành thú y đã không khống chế được dịch, phương châm chống dịch sai. Tại sao cứ mãi để cho dịch xảy ra, rồi hễ thấy có dịch là tiêu diệt, đền bù. Khi tôi xuống hỏi một ngân hàng ở cấp huyện, cô nhân viên nói rằng, có hộ chăn nuôi bị thú y xuống diệt hết lợn nên 4 năm liền hộ này không trả tiền ngân hàng vì thế nhân viên ngân hàng bị treo lương. Vì vậy, ngân hàng bây giờ không dám cho người chăn nuôi vay vốn.
 
Công tác thú y phải phòng dịch là chính, làm sao đừng để cho dịch bệnh xảy ra. Lực lượng cán bộ thú y cơ sở hiện quá ít: 1 người thú y xã phải phụ trách tới 10.000 dân, không thể làm hết việc, trong khi tiền công họ được nhận không đủ mua xăng đi hàng ngày. Có lần về quê, tôi hỏi ông thôn trưởng về dịch bệnh và được biết, ông này luôn để thuốc tiêm phòng ở bờ chuối. Chờ cho qua đợt tiêm phòng thì mới mang ra bởi không có thú y viên đi tiêm phòng. Ngoài ra, cơ quan quản lý thú y phải xem lại hiệu lực, hiệu giá của những loại vacxin mình cho mua về. Chứ giao hết cho công ty nhập khẩu thì không thể yên tâm về chất lượng. Tôi từng có kiến nghị với lãnh đạo ngành Nông nghiệp rằng, phải quán triệt việc phòng chống dịch gia súc, gia cầm từ cơ sở. Vì mỗi thôn, xã đều có chi bộ. Mỗi đảng viên có thể phụ trách 15 gia đình và chịu trách nhiệm phải giáo dục tư tưởng cho người dân ý thức phòng chống dịch. Từng làng, từng bản phải tổ chức màng lưới thú y cơ sở thật tốt, thật chặt từ người bán thuốc, thú y chuyên ngành đến người chăn nuôi. Đây sẽ là những mắt xích chặt, sẵn sàng “ra quân” thật nhanh khi có thông tin về 1 ổ dịch bệnh.
 
Dịch bệnh triền miên, người dân cảm thấy thất bại nhiều hơn thành công, thậm chí thua lỗ đến cùng đường. Hễ nói đến chăn nuôi là ai cũng oải bởi việc phòng chống dịch ngành thú y gần như bất lực. Cũng cần nói thêm rằng, bây giờ dịch bệnh nặng hơn nhiều năm về trước (hiện có tới 39 tỉnh có dịch heo tai xanh). Vì vậy theo tôi, muốn người dân tiếp tục chăn nuôi để cung cấp thịt cho thị trường không bị khan hiếm, ngoài việc phải chấn chỉnh công tác thú y, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các DN chăn nuôi vừa và nhỏ. Riêng với mức đền bù cũng xem lại bởi mức giá đó chưa bằng 1/2 so với giá bán thịt hơi trên thị trường. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, người chăn nuôi phải mềm dẻo, thay đổi vật nuôi như chuyển đổi sang gia cầm nhiều hơn nữa. Cơ cấu sản phẩm chăn nuôi và tiêu dùng thịt ở nước ta quá thiên lệch: thịt lợn chiếm tới 70%, trong khi thịt gà chỉ chiếm 20%, thịt trâu bò chiếm 7-8%. Trong khi trên thế giới, thịt gà chiếm 40% trong cơ cấu thịt, thịt lợn chỉ chiếm 30-40%. Bởi vậy, phải giảm chăn nuôi lợn, tăng chăn nuôi gia cầm là xu thế tất yếu.
 
 
 
Cá tra đắt vì thiếu nguyên liệu (Ông Võ Văn Trác – Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá)
 

Hiện giá cá tra trong nước đã lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, với 28.000-28.500 đồng/kg. Giá cá tra phi mã không phải vì thị trường rộng mở mà do nguồn cá tra nguyên liệu từ ao nuôi đang khan hiếm, các doanh nghiệp phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Thời gian qua, giá cá tra, basa giảm mạnh, người nuôi không tiêu thụ được cá nên nhiều hộ không còn mặn mà với con cá này nữa. Năm 2010, diện tích mặt nước nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL khoảng 6.000 ha, nhưng năm nay có tới khoảng 30% diện tích đã không được thả nuôi do chủ ao liên tiếp thua lỗ trong 2 - 3 năm vừa qua.
 
Hiện nay, giá đầu ra tăng cao, giúp người nuôi trồng có thể đạt lợi nhuận 10-12 nghìn đ/kg cá thu hoạch, đã và đang là tạo niềm tin để người dân tiếp tục đầu tư nuôi cá tra. Tuy nhiên, rất nhiều nông dân không có vốn để tái nuôi trồng do đã thua lỗ hết vốn trước đó. Mỗi hecta nuôi cần đầu tư 6 tỉ đồng/vụ. Việc hỗ trợ các hộ nuôi trồng như vay vốn ngân hàng, dãn nợ hiện vẫn chưa thể giải quyết được do mức lãi suất còn quá cao, điều kiện vay bị trục trặc do ngân hàng không cho vay đối với những dự án nuôi trồng đang bị thua lỗ. Nguy cơ thiếu cá tra nguyên liệu từ nay đến cuối năm càng lớn. Để khuyến khích người nuôi đầu tư tiếp cho mặt hàng này thì phải dãn nợ cho họ, tiếp tục cho vay vốn. Việc hỗ trợ vốn cần phải có hợp đồng giữa người nuôi và DN chế biến xuất khẩu để tránh thua thiệt cho người nuôi. Các tỉnh thành có vùng nuôi cá tra, basa cũng phải có quy hoạch chi tiết, gắn kết các vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn, điều kiện nuôi...
 
Thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần liên kết lại để thương hiệu cá tra Việt Nam tiếp tục đứng vững trên thị trường, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cá tra… Đặc biệt mô hình liên kết doanh nghiệp nông dân càng phải thúc đẩy. Nghề nuôi cá tra, chi phí thức ăn chiếm trên 70%, khi hợp tác với DN thì nông dân được cung ứng thức ăn chăn nuôi nên mức đầu tư đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 25%. Liên kết với doanh nghiệp, thì lượng thức ăn này không phải cộng thêm các khoản phí, thuế VAT, chiết khấu... từ đó giảm giá thành cá nguyên liệu. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình này giúp DN kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Qua đó sản phẩm đáp ứng và thâm nhập được các thị trường xuất khẩu vốn khó tính.  
 
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản đạt nhiều thành tựu, nhưng cũng còn không ít khó khăn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2006 mới chỉ có 1,7 triệu tấn, thì đến năm 2010, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đã được nâng lên mốc 2,8 triệu tấn. Trong số hơn 4,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản, thì nuôi trồng có đóng góp chủ lực. Mục tiêu năm 2011 đạt sản lượng nuôi trồng 3 triệu tấn; đến năm 2015 đưa lên 3,4 triệu tấn; năm 2020 đưa lên 4 triệu tấn. Từ nay trở đi, chúng ta không nên tăng diện tích nuôi trồng, mà phải giữ ổn định diện tích ở mức 1,1 -1,2 triệu ha. Nhưng để tăng sản lượng thêm 1,2 triệu tấn trong vòng 10 năm tới, chúng ta chỉ có cách là phải tăng năng suất bằng thúc đẩy nuôi công nghiệp. Năng suất tăng cao, sản lượng tăng cao, nhưng phải đảm bảo giá bán cao, muốn vậy phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Nuôi trồng thủy sản hiện nay vẫn còn 3 vấn đề lớn tồn tại cần phải giải quyết: chất lượng sản phẩm thấp; tác động ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến môi trường; dịch bệnh xảy ra nhiều. Bởi vậy, quản lý và giám sát họat động nuôi trồng cần phải thay đổi một cách quy củ, không thể mãi quản lý theo kiểu “tùy cơ ứng biến” như hiện nay.
 
 
Nông dân vẫn khốn khó  (Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam)
 
Giá lúa gạo xuất khẩu tăng cao, cứ tưởng rằng nông dân sẽ giàu to, nhưng thực tế nông dân là thành phần hưởng lợi ít nhất trong cả chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu gạo nói riêng, nông sản nói chung. Người trồng lúa luôn chịu thiệt thòi lớn trên nhiều mặt. Các công ty xuất khẩu làm giàu trên hạt gạo, trong khi hiếm có nông dân giàu nhờ lúa. Chính phủ giao cho VFA điều hành xuất khẩu gạo, nhưng VFA gần như độc quyền trong thu mua, xuất khẩu gạo. Có doanh nghiệp quan tâm đến nông dân nhưng cũng có những doanh nghiệp, thương lái chỉ chăm chăm cho lợi ích của mình mà bỏ quên nông dân. Trong tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ hiện nay không có thành viên là Hội Nông dân, nên chẳng ai bênh vực nông dân.  
 
Cứ mỗi khi nông dân khóc ròng vì lúa tồn, gạo thì VFA lại đổ lỗi do thị trường thế giới ảm đạm, do chất lượng lúa hè thu thấp... rồi xin Chính phủ hỗ trợ DN bằng phương pháp: DN bỏ tiền mua lúa tạm trữ để cứu dân, nhưng Chính phủ phải hỗ trợ lãi suất. Nói cách khác, DN đã “mượn” tiền ngân sách không lãi để kinh doanh. Tất nhiên, DN lời ăn, lỗ chịu, nhưng thực tế nhiều năm được hưởng ưu đãi này, chưa thấy “đại gia” nào của VFA thua lỗ cả.
 
Hệ thống ngân hàng và VFA cần thể hiện vai trò “bà đỡ” như hỗ trợ nông dân ngay từ đầu mùa vụ để họ có vốn sản xuất, thu mua lại nông phẩm sau thu hoạch... Những năm qua, Hội Nông dân VN đã chỉ đạo các tỉnh hội, huyện hội, chi hội quan tâm, động viên nông dân duy trì sản xuất lúa để phục vụ mục tiêu an ninh lương thực, xuất khẩu gạo... Tình hình đã có cải thiện nhưng chưa nhiều, chưa trúng. Chỉ một mình hội thì không đủ sức vì thực tế nhiều hộ nông dân hiện không còn muốn trồng lúa mà chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy hải sản, có lãi nhiều hơn. Giá nông sản tăng cao nhưng lợi nhuận tăng thêm ấy không bù đắp lại được so với sự phi mã của giá vật tư nông nghiệp và các chi phí đầu vào. Ở điều kiện bình thường của thời tiết, dịch bệnh và thị trường, phần lãi trong sản xuất của ND cũng chưa phải là nhiều. Trong bối cảnh giá xăng, dầu, điện và nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng, người ND phải đối mặt với nguy cơ bỏ nghề, chán ruộng, sản xuất đình trệ... Xăng, dầu, điện đều tăng giá kéo theo các mặt hàng thiết yếu, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng theo. Giá tăng đồng nghĩa với chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng, giá thành nông sản theo đó sẽ tăng cao, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Trong bối cảnh đó, nhiều hộ nông dân sẽ phải đối mặt tình trạng sản xuất đình đốn, sản xuất cầm chừng không có lãi, người chăn nuôi bỏ chuồng không, ngư dân bỏ biển, người trồng cây công nghiệp, trồng lúa không có đủ vốn để đầu tư cho tưới tiêu, vận chuyển. Hàng vạn trang trại nuôi gia súc, gia cầm cũng không tránh khỏi nguy cơ bỏ không. Tóm lại, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu tăng, người ND nếu cứ sản xuất với chi phí cao thì sẽ lỗ, nếu không sản xuất thì rơi vào cảnh thất nghiệp.
 
Ở miền Bắc, rất ít nhà nông thừa gạo để bán, mà trồng lúa chủ yếu chỉ để tự cung cấp lương thực cho gia đình, bởi diện tích canh tác bình quân đầu người quá thấp. Thậm chí, rất nhiều nông dân phải mua gạo. Cũng như mọi người tiêu dùng, nông dân cũng phải mua thịt, cá và các thực phẩm khác. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao, nông dân mừng thì ít, trái lại càng lâm vào cảnh khốn khó. Bởi vậy, nhà nước cần có giải pháp ổn định giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong thị trường nội địa không nên để phi mã làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
 
 
AGROINFO - Theo Nhà báo Chu Khôi

 


Tin khác