Giải pháp giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập: Cấp đất, cho vay vốn và nâng kỹ năng sản xuất

13/05/2011

Đất đai vừa là đối tượng lao động vừa là tư liệu sản xuất quan trọng nhất của nhà nông. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không có đất sản xuất. Không có đất sản xuất, đời sống của bà con dân tộc thiểu số nghèo đã khó càng thêm khó. Thấu hiểu khó khăn của bà con dân tộc thiểu số nghèo, ngày 20 tháng 7 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc về thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn 2006 – 2010, việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được các bộ, ngành và 43 tỉnh chủ động, tích cực triển khai; đã cấp 27.763ha cho 85.563 hộ. Việc thực hiện có hiệu quả Chương trình này đã góp phần cùng các chương trình, dự án khác tạo nên sự thay đổi tích cực nhiều mặt của đồng bào, nhất là tạo điều kiện để bà con có thu nhập ổn định, điều kiện tiên quyết trong xoá đói, giảm nghèo bền vững.
Kiểm tra thực tế mô hình hộ gia đình vay vốn trồng lúa năng suất cao ở xã Cao Thượng (Ba Bể-Bắc Kạn)
 
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, do việc phân bổ vốn chậm nên việc cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể: vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ hoàn thành cao nhất so với kế hoạch cũng mới đạt 98% số hộ và 88% diện tích; tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ (61% số hộ và 54% diện tích); thấp nhất là vùng Đông Bắc, mới đạt 34% số hộ và 38% diện tích.
Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 9 tháng 6 năm 2008, Thủ tướng ban hành Quyết định 74/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn giai đoạn 2008 – 2010. Theo đó, việc hỗ trợ đất sản xuất được thực hiện bằng các giải pháp: hỗ trợ trực tiếp bằng đất, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm hoặc đi xuất khẩu lao động. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đã có 72.742 hộ được thụ hưởng chính sách, trong đó 27.521 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.
Thực hiện Dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo tỉnh Trà Vinh thuộc Chương trình 135, người dân ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc (Duyên Hải)  đã triển khai mô hình trồng bắp lai, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Cùng với chính sách hỗ trợ đất sản xuất, Chính phủ còn ban hành khá đồng bộ hệ thống chính sách tạo điều kiện để bà con có thể tự vươn lên, như Chương trình 135 với các dự án: hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ định canh định cư, trợ cước trợ giá các mặt hàng thiết yếu, xây dựng trung tâm cụm xã, cấp báo không thu tiền...
Theo ý kiến của bà con, tất cả các chương trình, dự án của Chính phủ giúp bà con vươn lên đều cần thiết nhưng việc hỗ trợ đất sản xuất, cho vay vốn phát triển sản xuất và nâng kỹ năng sản xuất (hướng dẫn cách làm ăn, giới thiệu điển hình làm tốt thông qua khuyến nông và thông tin báo chí) là đặc biệt quan trọng vì trực tiếp giúp bà con nâng cao thu nhập, biết cách khai thác lợi thế đất đai, khí hậu có hiệu quả.
Thực tế cho thấy, có đất, có vốn, được xem, được nghe, được nhìn thấy các mô hình có điều kiện như mình làm ăn có thu nhập cao, làm giàu; lại được hướng dẫn cách làm tỷ mỷ, nhiều gia đình, nhiều địa phương đã vượt qua nghèo khó. Những điển hình như vậy không thể kể hết, địa phương nào cũng có, dân tộc nào cũng có.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:  http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/tieudiem/2011/5/28186.html


Tin khác