2020, giảm 20% lượng khí phát thải từ nông nghiệp

17/05/2011

Hôm qua (16/5), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị đánh giá kết quả công tác năm 2010, triển khai kế hoạch, chương trình hành động thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) 2011.

Theo Văn phòng thường trực BCĐ Chương trình, ngày 23/3/2011, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của ngành NN-PTNT giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2050, đề xuất kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia BĐKH từ 2011 gửi Bộ TN-MT. BCĐ đã lồng ghép vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án, đề án phát triển ngành NN-PTNT giai đoạn 2011-2015. Năm 2010 Bộ NN-PTNT được giao kinh phí trên 5,4 tỷ đồng để triển khai 11 nhiệm vụ ứng phó BĐKH. BCĐ Chương trình đã chỉ đạo Văn phòng thường trực BCĐ thực hiện nhiều nội dung liên quan đến thích ứng BĐKH của ngành, nâng cao vị thế, vai trò của NN-PTNT trong việc giảm thiểu và thích ứng BĐKH ở trong nước và các tổ chức quốc tế…
Năm 2011, BCĐ Chương trình tiếp tục làm nhiệm vụ đầu mối, thường trực, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ NN-PTNT trong chỉ đạo và quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực BĐKH, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ; chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế phát triển xanh, bền vững, thích ứng và giảm phát thải trong SXNN, hướng tới nền nông nghiệp cac-bon thấp. Từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức, phổ biến về ứng phó BĐKH trong toàn ngành…Triển khai các hoạt động cụ thể như xây dựng đề án giảm phát thải trong nông nghiệp VN đến 2020 với mục tiêu giảm 20% lượng khí phát thải trong 10 năm tới, hoàn chỉnh đề án xây dựng kế hoạch phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó giảm nhẹ tác động tiêu cực do BĐKH, nước biển dâng, triển khai dự án về BĐKH như UN-REDD, REDD+… Xây dựng dự án thí điểm về đo và giảm phát thải khí nhà kính trong nông lâm nghiệp tại các tỉnh, TP Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ.
“Tôi đề nghị các đơn vị liên quan phải hoàn thành xong đề án giảm phát thải trong nông nghiệp trước ngày 30/6/2011. Trong chương trình khuyến nông phải đưa vào mô hình giảm khí phát thải để nhân ra diện rộng. Về thích ứng BĐKH, ngoài việc quy hoạch thủy lợi, cần tiếp tục triển khai chiến lược phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, lập website về BĐKH nhằm phổ biến rộng rãi…”,Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng trong ứng phó BĐKH thì việc quan trọng là giảm phát thải. Ngành lâm nghiệp triển khai chương trình giảm phát thải rất tốt, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên trong giảm phát thải nông nghiệp và thủy sản VN chưa làm được nhiều. “Chỉ tính trong trồng lúa thì ruộng lúa phát sinh khí CH4 rất lớn, gấp tới 14 lần CO2, trong chăn nuôi mỗi năm sử dụng khoảng 20 triệu tấn thức ăn, chất thải CO2 là rất lớn. Trong thủy sản, cứ 3 triệu tấn cá “xài” 6-7 triệu tấn thức ăn thủy sản, lượng lớn thức ăn hữu cơ lắng đọng đã phân hủy trong môi trường nước gây ô nhiễm. Thủy sản cũng đang bị ảnh hưởng BĐKH với diễn biến thời tiết bất thường. Trước đây có người nói BĐKH sẽ nóng lên nhưng thực tế không như thế. Thời tiết ngày càng cực đoan nhiều hơn, nóng rất nóng, lạnh rất lạnh”, Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cho biết, trong ứng phó BĐKH, nước biển dâng cần có tầm nhìn và đầu tư dài hạn hơn, chứ không thể đến 50 hay 100 năm nữa vẫn còn khái niệm “sống chung với lũ”. Nếu cứ xác định “sống chung” như thế thì nước ta còn lạc hậu, làm sao phát triển được? “Hiện cả 5 thành phố dự báo nước biển dâng đều kè, đắp đê xung quanh. Đắp đê theo kiểu vụn vặt, khi không chịu được bão lũ lại phá đi rồi làm lại. Nếu không đầu tư dài hơi thì không thể ứng phó BĐKH, lại lãng phí tiền của Nhà nước”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT nhìn nhận vấn đề BĐKH từ rất sớm và đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia BĐKH, đồng thời Bộ triển khai rất tích cực. Thông qua các chương trình hành động, Bộ NN-PTNT đã góp phần làm rõ nhận thức về BĐKH trong nước. Bộ đã lồng ghép chương trình BĐKH vào quy hoạch thủy lợi ĐBSCL (đến nay cơ bản đã hoàn thành). Hiện tiếp tục hoàn thành quy hoạch thủy lợi ĐBSH và miền Trung. “Chúng ta bắt đầu nghiên cứu và tiếp cận công nghệ giảm phát thải và thích ứng BĐKH như giảm phát thải trong ruộng lúa, triển khai GMP trong chăn nuôi, lồng ghép các mô hình giảm khí phát thải…Tất cả mới chỉ là khởi động, phải đẩy mạnh triển khai tích cực”, Bộ trưởng chỉ đạo.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/78348/Default.aspx


Tin khác