Khi nông sản thô thích... “xuất ngoại”

24/05/2011

Ngoài những mặt hàng xuất khẩu (XK) chiến lược làm nên tên tuổi VN trên thị trường nông sản thế giới như lúa gạo, cá tra, hồ tiêu..., con đường “xuất ngoại” xem ra còn hấp dẫn nhiều sản phẩm thông thường khác.

Bán được giá cho nước ngoài khiến bà con phấn khởi là một nhẽ, đằng này lại bán kiểu quá trớn và vô tôi vạ khiến sân nhà méo mặt đi tìm nguyên liệu sản xuất, thì đây lại là một câu chuyện khác.


Vừa được giá, vừa an toàn

Thời gian gần đây, thị trường caosu đang có sự biến động đáng kể về nguồn nguyên liệu. Mặc dù không phải là nước thiếu vùng nguyên liệu về mặt hàng này, song giá caosu thế giới tăng cao nên các nhà máy thiếu mặn mà hẳn với sân nhà, quay sang “toàn tâm toàn ý” cho việc XK. Theo Hiệp hội Caosu VN (VRA), là nước xếp thứ tư thế giới về XK mủ caosu, song hiện nay phần lớn DN trong nước thiếu nguyên liệu sản xuất. 

Ngay cả các DN nước ngoài vào sản xuất tại VN cũng không ngoại lệ khi không tìm được nguồn nguyên liệu, lại phải nhập khẩu nước ngoài. Mỗi năm, lượng mủ caosu phục vụ sản xuất nội địa khoảng 140.000 tấn. Luôn có chủ trương ưu tiên bán cho DN trong nước, song do giá cả bấp bênh, cách làm việc manh mún, chụp giật, khiến nguồn cung mủ caosu lúc thiếu, khi lại thừa. Lý do này khiến các đại lý nản lòng, chỉ muốn XK cho ổn định và an toàn.

Không chỉ với caosu, nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang có xu hướng chuộng “xuất ngoại” bởi cách làm ăn chuyên nghiệp của DN nước ngoài. Càphê là mặt hàng nông sản XK chiến lược, song thời gian qua không ít DN trong nước phải kêu trời vì nguồn cung ổn định cho sản xuất trong nước bấy lâu nay đang thiếu hụt trầm trọng. Bằng chứng là hàng loạt DN nước ngoài trực tiếp vào tận vườn, sân kho của nông dân, trả tiền trực tiếp cho bà con với giá cao ngất ngưởng và ôm nguyên liệu về, bỏ mặc DN trong nước khóc dở, mếu dở vì thiếu càphê sản xuất. 

Ngay cả nhiều nông sản nhỏ lẻ khác như vải thiều, dứa, khoai mì... cũng đều có sự “nhúng tay” của DN nước ngoài. Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) luôn được thương lái Trung Quốc săn đón gắt gao mỗi chính vụ, sẵn sàng trả giá cao gấp đôi giá thu mua trong nước để được nguồn nguyên liệu ngon. Hàng trăm mối buôn từ các tỉnh, thành trong nước chỉ cần chậm chân là không tài nào tìm được vải ngon mang về tiêu thụ. 

Thiếu là lẽ đương nhiên!

Về vấn đề này, Chủ tịch VRA Lê Quang Thung thừa nhận: “Hợp đồng mua bán với DN nước ngoài luôn được ký từ đầu mùa vụ, đảm bảo bao tiêu thị phần đến chính vụ dù trượt giá hay phát sinh chi phí. Chính vì thế, các nhà máy caosu cảm thấy yên tâm và an toàn khi xuất hàng đi nước ngoài. Còn việc bán cho DN trong nước nay ít, mai nhiều, thậm chí bị hủy hợp đồng do làm ăn gian lận là lẽ thường tình”. 

Theo ông Thung, chính cách làm việc thiếu uy tín và chuyên nghiệp của DN trong nước mới khiến nước ngoài “nhảy” vào lấn sân bao tiêu thị phần, khống chế nguồn nguyên liệu. Ngoài việc DN trong nước làm ăn manh mún, chụp giật gây thiếu uy tín với nhà sản xuất, lý do khiến sản xuất nội địa vẫn lẹt đẹt là do công nghệ sản xuất thủ công, thô sơ. Các mặt hàng trái cây tươi luôn được nhà sản xuất nước ép ngoài nước săn đón nhiệt tình bởi nguồn cung dồi dào, chất lượng tốt, sau đó nhập ngược trở lại VN, nghiễm nhiên cạnh tranh thị phần. 

Sự có mặt ngày càng đông đảo của DN nước ngoài tại nước ta, xét về khía cạnh nào đó mang lại nguồn lợi nhất định cho nông dân khi mức giá thu mua cao hơn, tránh tình trạng bị ép giá từ trước đến nay. Với cách làm của DN trong nước hiện nay, việc XK nông sản thô ồ ạt, gây thiếu nguồn cung trong nước cũng là điều dễ lý giải. 

Theo ông Lê Quang Thung, DN nội địa cần nhìn nhận lại cách thức và phong thái làm ăn của mình để giành lại nguồn nguyên liệu vốn dĩ đã thiếu. “Bản thân họ cần thay đổi cách làm ăn, nhằm đảm bảo cả hai bên cùng có lợi, ổn định và chuyên nghiệp hơn thì sẽ giảm thiểu chi phí nhập khẩu ngay chính... nguyên liệu của nước mình với giá trên trời” – ông Thung khẳng định.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/5/28429.html


Tin khác