Giải cứu vùng tôm

27/05/2011

Những ngày này dịch bệnh thủy sản đang gây thiệt hại nặng nề cho vùng nuôi tôm sú các tỉnh ĐBSCL. Bi đát nhất là ở Sóc Trăng. Từ xã lên huyện, tới tỉnh đi đâu cũng nghe dân nuôi tôm than dài, chờ giải cứu.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu và đoàn công tác khảo sát nuôi tôm khỏe của Cty Vĩnh Thuận.
Hoang mang cực độ
Sau chuyến đi thực địa về các tỉnh ven biển Bến Tre, Kiên Giang, đoàn công tác của các cơ quan chuyên ngành do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu tiếp tục tới khắp các ao tôm lạnh lẽo ở vùng ven biển Sóc Trăng. Trong đoàn, các cán bộ chuyên môn thủy sản muốn “tai nghe, mắt thấy” cơ sự nào tôm chết hàng loạt? Nhưng câu trả lời quá khó, tôm bất ngờ đổ bệnh nặng, ai cũng kê ra vô số nguyên nhân.
Ghé nhà ông Nguyễn Văn Yên, gia đình có vỏn vẹn một ao tôm 2.000 m2, ở ấp Huỳnh Thu, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Nhưng ao tôm đìu hiu, bị chết sạch sau 15 ngày thả giống. Ông và đứa con trai Nguyễn Thanh Tuấn mặt buồn rười rượi ngồi nhìn ao tôm vắng lặng. Tuấn xót xa: “Tôi làm như cách đã từng làm mấy mùa tôm qua, phơi ao, xử lý ao, bón vôi, diệt cua, còng… nhưng vụ này tôm chết hết, chẳng biết vì sao”. 
Hồi giữa năm ngoái ở Sóc Trăng cũng đã xảy ra dịch tôm chết, lứa tôm vào khoảng 2 tháng tuổi. Năm nay lạ ở chỗ tôm chết rất sớm, trong vòng từ 20 ngày tuổi đến một tháng; chết hàng loạt, lây lan nhanh trên diện rộng. Tôm sú chết chiếm tới 70- 80%, còn tôm thẻ chết chỉ 20%. Hơn nữa tôm chết gần như không chừa nhà ai, từ dân nuôi tôm nhỏ lẻ một hai ao cho đến người dày dặn kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp qui mô trang trại như ông Bảy Nhiệm, ông Tám Tiền, ông Hai Hoàng…của Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh, từng thắng liên tiếp nhiều năm qua nhờ tuân thủ qui trình nuôi thâm canh thì nay cũng thất bại ê chề. 
Sóc Trăng có 20.970 hộ thả nuôi 2,986 tỉ con giống tôm sú trên 25.066 ha đạt 52% kế hoạch. Đến ngày 23/5/2011 có 19.233 ha có tôm bị chết, tổn thất 2,644 tỉ con giống của 15.640 hộ, chiếm 76% diện tích thiệt hại, gấp 30 lần so với năm 2010.
Chỉ khác biệt ở chỗ, dân nuôi tôm công nghiệp thấy tôm chết, họ dừng ngay, chạy cầu cứu chuyên gia các viện, trường về lấy mẫu, chẩn đoán bệnh mong tìm cách cứu vãn. Trong khi dân nuôi tôm quảng canh cải tiến, vì nóng lòng vội vàng cải tạo ao rồi thả giống tiếp tục, tôm vẫn chết như thường. Càng nuôi càng chết, dân nuôi tôm như đánh bạc càng thua càng cay đánh lớn.
Đi vòng qua các vùng nuôi tôm từ Trần Đề sang Vĩnh Châu, tới khu nuôi tôm công nghiệp bên chân cầu Mỹ Thanh 2, bây giờ không còn thấy chút sinh khí của ngày nào vào vụ nuôi tôm luôn rộn ràng. Đa phần ao tôm nay đã trút nước cạn đáy nằm phơi mình trong nắng. Hàng loạt khung trục, cánh quạt nước được tháo dỡ, phơi mình chỏng gọng khắp bờ ao. Độ tầm xế chiều, cảnh vùng nuôi tôm buồn hiu, lặng lẽ.
Ông Bảy Nhiệm (Nguyễn Văn Nhiệm), Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), giọng bi quan: “Từ tháng 3 đầu vụ nuôi tôm tới giờ này, Mỹ Thanh có 2.600 ha, nhưng tôm chết thiệt hại đến 99% tính ra mất hơn 1.000 tỉ đồng. Nói trắng ra vùng nuôi tôm Mỹ Thanh vụ này không còn hy vọng”.
Lóe lên điểm sáng
Cách Mỹ Thanh khoảng 20km, trong lúc nuôi tôm sú đang gặp lúc khó khăn nhất vẫn có người có cách kìm giữ, giảm thấp mức độ thiệt hại. Đó là cách làm của khu nuôi tôm công nghiệp của Công ty Vĩnh Thuận, tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng), thực hiện công nghệ vi sinh, xử lý ao đúng cách và ứng dụng qui trình nuôi tôm an toàn sinh học. Ông Trần Bình Trọng, Phó Giám đốc Công ty Vĩnh Thuận cho biết kết quả trong số 96 ao tôm thả nuôi, chỉ bị thiệt hại 30%. Đến nay phần lớn ao nuôi còn lại tôm đã qua 97 ngày, đạt cỡ 60 con/kg, xem như vượt qua giai đoạn nguy nan.
TS Lý Thị Thanh Loan – Giám đốc Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản Nam bộ:
“Qua khảo sát và kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm nhận thấy tôm sú chết khoảng sau 30 ngày tuổi, cá biệt sau 7 ngày tuổi, chủ yếu ở các mô hình thâm canh, bán thâm canh. Bệnh tích: hoại tử gan tụy. Nguyên nhân: bắt buộc có mầm bệnh nội tại; thời tiết không thuận lợi; do cùng một ao nuôi nhiều năm liền. Tuy nhiên về kết quả quan trắc môi trường vào tháng 4/2011, mẫu nước thu tại môi trường nước sông bên ngoài vùng có tôm chết cho thấy dưới ngưỡng và không phải là tác nhân làm cho tôm chết”.
 
Một diễn biến khác, trong lúc người nuôi tôm sú gần như bó tay chưa khắc phục được tình trạng tôm chết thì ngay tại Vĩnh Châu vẫn có lác đác những ao tôm đầy nước, quạt nước trắng xóa liên hồi. Đó là ao nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT). Nằm kề bên lộ nhựa chạy về chợ huyện Vĩnh Châu, anh Hồng Lân nuôi ao tôm TCT được 97 ngày, nếu xổ bán lúc này cũng có giá 137.000-140.000 đồng/kg. Anh Lân nói, từ năm 2008 đến nay khi thấy tôm sú lẫn TCT có giá cao, anh đã chuyển sang nuôi luân canh 1 vụ tôm sú và 1 vụ TCT cho hiệu quả khá.
Gặp một chủ nuôi TCT khác là ông Trần Văn Lâm, ở ấp Kinh Ven, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, cũng làm theo mô hình luân canh giống như anh Lân. Ông Lâm cho biết: Ông thả TCT trong 6 ao đến nay tôm qua 45 ngày tuổi và đang phát triển tốt, chỉ xui có 1 ao bị thiệt hại 50% vì cúp điện, thiếu ôxy.
Mặc dù còn một số địa phương chưa thôi cấm, phạt nuôi TCT thì vẫn có người lén nuôi như ông Lân, ông Lâm. Chung qui chỉ vì tôm đang có giá, ai có tôm lúc này như trúng số. Vì vậy, ông Bảy Nhiệm bày tỏ ý định cải tạo lại ao và trong 1 tháng tới sẽ thả lại tôm giống, nhưng đề xuất với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cho thả TCT và Tổng cục Thủy sản giúp cho qui trình kỹ thuật nuôi.
Giải cứu cách nào?
Dân nuôi tôm bị thiệt hại ở Sóc Trăng đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, đứng ngồi không yên nhìn thời vụ đi qua. Ai muốn nuôi tôm sú hay chuyển hướng tôm TCT đều cần vốn. Nhưng sức đã kiệt, nợ vay ngân hàng còn đó. Hoặc nếu có tháo gỡ đồng vốn được thì vấn đề dự báo không đủ con giống chất lượng đáp ứng cùng một lúc cho nhu cầu quá lớn. Đó là chưa nói tới qui trình kỹ thuật, điều kiện cơ sở hạ tầng có đảm bảo phù hợp chuyển sang thả nuôi TCT hay những đối tượng thủy sản khác.
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu băn khoăn: “Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm thiệt hại lớn nhất vùng ĐBSCL. Bộ NN-PTNT rất quan tâm công tác phòng chống dịch cũng như làm thế nào tổ chức sản xuất tiếp tục trên vùng nuôi tôm bị thiệt hại. Tuy nhiên tôi nhận thấy môi trường ở vùng nuôi tôm rất xấu. Điều kiện cơ sở hạ tầng, thủy lợi rất nhiều nơi chỉ có một con kênh chạy dài cấp và thoát nước, không có ao xử lý lắng lọc. Tỉnh cần đề xuất hỗ trợ đầu tư thủy lợi cho vùng nuôi tôm, thực hiện tốt công tác quản lý giám sát môi trường thường xuyên, xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững”.
 
 
 

 

AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78827/Default.aspx


Tin khác