Tín dụng cho khu vực sản xuất, đặc biệt là cho vay nông nghiệp - nông thôn và xuất khẩu đạt 22,2%, cao hơn 3,5 lần so với mức tăng chung.
Trước thực trạng các ngân hàng lách luật, đua nhau huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm. Nhiều ngân hàng thậm chí còn huy động vốn lên tới 17-18%/năm. Trong buổi gặp gỡ báo chí cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thông báo sẽ xử lý thật nghiêm các trường hợp vượt trần sai quy định này.
|
Mức vốn dành cho khu vực sản xuất |
Mạnh tay xử lý vi phạm lãi suất
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, NHNN đang tập trung xử lý một vụ việc xé rào lãi suất tại TP HCM và sẽ có công bố công khai trường hợp này.
Trả lời câu hỏi về hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm vượt trần lãi suất huy động 14%/năm, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định sẽ xử lý thật nghiêm. Nếu NHNN phát hiện được chi nhánh NHTM nào vi phạm thì giám đốc chi nhánh đó sẽ bị kỷ luật, thậm chí, NHNN có thể xem xét tới việc dừng hoạt động của chi nhánh đó.
Quan điểm của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng thể hiện rõ, trong thời điểm kinh tế đang gặp khó khăn, các NH nên giảm bớt lợi nhuận, thậm chí phải “đồng cam cộng khổ”. Các NH không nên vin vào cớ lạm phát cao để “làm loạn” thị trường và gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, trong thời gian tới, NHNN sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí để phát hiện, điều tra cũng như xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm nói trên.
Tăng trưởng tín dụng: Hai trường hợp vượt 20%
Theo số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 24/5 vẫn còn 2 trường hợp có tăng trưởng tín dụng trên 20%. Đó là là NHTM Cổ phần Phương Tây (24%) và NHTM Cổ phần Việt Nam Thương tín (26%). Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết đã chỉ đạo thanh tra cụ thể hai trường hợp này.
Có một số NH nước ngoài cũng có mức tăng tín dụng vượt quá 20%. Nhiều trường hợp các chi nhánh NH nước ngoài đề nghị NHNN cho phép vượt chỉ tiêu với lý do là có quy mô nhỏ và mức tăng của họ không ảnh hưởng đến thị trường. Đối với các trường hợp này, Thống đốc khẳng định, NHNN kiên quyết không đồng ý. Bởi chính sách ban hành là áp dụng cho tất cả các trường hợp, không có sự phân biệt.
Theo con số do NHNN cung cấp, so với cuối 2010, tính đến 23/5/2011, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 6,2%. Trong đó, tín dụng VND tăng 2,59%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,9%. Khối lượng tín dụng tăng ròng cho nền kinh tế đạt 135.800 tỷ đồng. Như vậy, sau gần 5 tháng, mức tăng này đạt khoảng 33% so với dự kiến khối lượng tín dụng cả năm 2011. “Mức tăng này hoàn toàn an toàn và nằm trong tầm kiểm soát”, ông Giàu khẳng định.
Tín dụng cho khu vực sản xuất, đặc biệt là cho vay nông nghiệp - nông thôn và xuất khẩu cũng đạt 22,2%, cao hơn 3,5 lần so với mức tăng chung. Trong khi đó, tỷ trọng vốn cho khu vực phi sản xuất giảm 1,92% nếu xét về cơ cấu tín dụng (chỉ còn 16,95%). Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, từ nay đến cuối năm, toàn ngành có thể đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về mục tiêu 16% như mong muốn của Chính phủ.
Huy động VND từ tổ chức giảm mạnh
Tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống từ cuối năm 2010 tới ngày 23/5/2011 tăng 1,48%. Về tăng trưởng huy động vốn VND, các NH huy động từ khối dân cư tăng tới 11,39% (tương đương con số tuyệt đối là 107.300 tỷ đồng). Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng VND nói chung thì lại giảm 2,75%. Điều này là do sự giảm mạnh tốc độ huy động vốn VND từ các tổ chức.
Theo NHNN, các doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất tăng cao nên đã rút vốn về cho sản xuất kinh doanh. Thống kê con số tuyệt đối khối này rút về là 156.700 tỉ đồng. “Điều này là hoàn toàn lành mạnh”, ông Giàu nói. Vì nhờ đó, giá thành sản xuất giảm, thanh khoản nền kinh tế được cải thiện và góp phần làm giảm hệ số nở tiền trong nền kinh tế.
Đối với huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống NH, thời gian qua tăng tới 18,84%. Trong đó, tiền gửi ngoại tệ của dân cư tăng 8,63%. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn từ ngày 30/4/2011 đến ngày 25/5/2011, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư lại giảm 2,89%. Điều đó cho thấy, một bộ phận lớn dân chúng đã bán mạnh ngoại tệ cho NH để lấy VND gửi tiết kiệm. Đây được coi là tín hiệu hết sức tích cực./.
AGROINFO – Theo VOVNEWS
Nguồn:http://vov.vn/Home/Von-dang-don-cho-san-xuat/20116/176619.vov