Đồng mẫu tại Tây Ninh: Cánh đồng lớn không tích tụ đất đai

02/06/2011

Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP là ý tưởng đã được Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT nhen nhóm từ khi có Quyết định 80 của Chính phủ năm 2002 nhưng chưa thực hiện được do chưa tìm được một “nhà” thật tâm huyết làm trọng tâm cho chương trình.

NHỮNG CỘT MỐC
Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP là ý tưởng đã được Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT nhen nhóm từ khi có Quyết định 80 của Chính phủ năm 2002 nhưng chưa thực hiện được do chưa tìm được một “nhà” thật tâm huyết làm trọng tâm cho chương trình. Năm 2008, khi Công ty Phân bón Bình Điền tham gia, thì cũng là lúc rầy nâu và bệnh VL, LXL ở Nam bộ nói chung và Tây Ninh có những diễn biến phức tạp và “Mô hình liên kết 4 nhà quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho lúa thâm canh” đã được các nhà tổ chức nhất trí xây dựng thí điểm trên địa bàn 2 xã thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, với diện tích 160,5 ha,130 hộ nông dân tham gia.
Mô hình thí điểm thành công tốt đẹp, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng, đã dẫn tới quyết định của tỉnh Tây Ninh mở rộng quy mô của mô hình lên 593 ha trên lúa ĐX 2009/2010 và HT năm 2010 ở 4 xã thuộc 4 huyện: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu và Châu Thành với 455 hộ nông dân tham gia. Kết quả, nông dân trong mô hình thu được lợi nhuận cao hơn nông dân ngoài mô hình 2.765.597 đồng/ha/vụ.
“Thừa thắng xông lên”, vụ đông xuân năm 2011, mô hình được nhân lên với tên gọi mới “Mô hình liên kết 4 nhà, thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng VietGAP” trên địa bàn 11 xã, thuộc 6 huyện, với 920,75 ha, 653 hộ nông dân tham gia. Nông dân trong mô hình được Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cung ứng đủ 100% phân bón, trả chậm 100% sau thu hoạch không tính lãi.
Vụ ĐX trên “cánh đồng mẫu lớn” này vừa kết thúc, tổng lợi nhuận trên 1 ha của nông dân trong mô hình là 17,9 triệu đồng, tăng hơn 3,4 triệu đồng so với các hộ nông dân ngoài mô hình.
PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO, CHUYỂN GIAO TBKT HIỆU QUẢ
Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Tây Ninh phát biểu: “Mặc dù mô hình được triển khai trên diện tích lớn (gần 1.000 ha), trải rộng trên 6 huyện có sự khác nhau về nhiều mặt nhưng toàn bộ nông dân trong mô hình đều sử dụng lúa giống cấp xác nhận, nông dân đã quen dần với biện pháp kỹ thuật sạ thưa, sạ hàng; gieo sạ tập trung né rầy; xử lý giống bằng dung dịch muối và thuốc trước khi gieo nên hạn chế được rầy nâu và các loại côn trùng phá hoại khác; áp dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, bón phân cân đối, hợp lý; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, hướng đến sản xuất theo 1 phải, 5 giảm; tạo thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng cho nông dân. Đây là tiền đề để xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng VietGAP".
Từ đây người nông dân đã bắt đầu làm quen với việc viết nhật ký canh tác như việc sử dụng giống gì, mua ở đâu, sạ ngày nào, bón phân, xịt thuốc loại gì, lúc nào… và tự hạch toán được lời lỗ một cách chính xác. Để có kết quả này nếu làm theo kiểu cũ thì tốn rất nhiều nhân lực và thời gian nhưng hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân vẫn không cao.
Tiếp xúc với nông dân tham gia mô hình, chúng tôi thấy bà con nông dân không những đã có hiểu biết khá tốt về các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa mà còn mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác mà rõ nhất là đi mua lúa giống xác nhận để gieo sạ mà không phải lấy từ bồ lúa thóc thịt của nhà. Cộng thêm các hiểu biết về dinh dưỡng, chăm sóc cây lúa khỏe do các kỹ sư Bình Điền tận tâm hướng dẫn nên ruộng của họ vẫn đạt năng suất cao nhưng lại giảm được 12 kg N/ha/vụ (tương đương 26 kg urea) tiết kiệm được chi phí phân bón; và nhờ sử dụng phân bón đúng, cân đối, lúa cứng cây ít sâu bệnh nên giảm được chi phí thuốc BVTV 780 ngàn/ha. Việc giảm số lượng phân bón hóa học còn có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường.
CÁNH ĐỒNG LỚN MÀ KHÔNG TÍCH TỤ ĐẤT ĐAI
Là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và giúp đỡ tỉnh Tây Ninh thí điểm mô hình, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: “Ngoài ý nghĩa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, có cách tiếp cận mới với hệ thống phân phối vật tư nông nghiệp, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà nông thì cái được lớn hơn đấy là đã đột phá việc tổ chức sản xuất hàng hóa. Từ trước tới nay cái khó nhất để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao, hiện đại, giảm giá thành tăng lợi nhuận cho nông dân chính là quy mô ruộng đất của nông dân quá bé. Ruộng đất quá bé nên rất khó trong việc xây dựng hạ tầng và cơ giới hóa.
 Tuy nhiên từ thực tế ở Tây Ninh đã có quyền mơ tới những cánh đồng thẳng cánh cò bay không phải của một nhà, mà của nhiều nhà nông gộp lại, như lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng trong buổi phát động phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phong trào áp dụng sổ tay ghi chép sản xuất lúa theo VietGAP tại Cần Thơ vào ngày 26/3/2011 vừa qua: "Sẽ có nhiều nông dân nhỏ trong cánh đồng mẫu lớn”. Từng bước sẽ xóa dần bờ vùng, bờ thửa, người nông dân không phải lo tới chuyện phải sạ giống gì, bón phân gì, phun xịt thuốc gì mà cuối vụ vẫn biết được mình có bao nhiêu lúa, thu được bao nhiêu lợi nhuận”.
Tôi tán đồng với sự chia sẻ của ông Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Mong sao niềm mơ ước của ông sớm thành hiện thực trên đồng ruộng khắp mọi miền đất nước, như kỹ sư Lê Quốc Phong, TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền mơ có những “cánh đồng mẫu lớn” và đang xung phong đi đầu để liên kết 4 nhà thực hiện tại Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… và nhiều vùng miền trên cả nước trong thời gian rất gần, tới đây.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78822/Default.aspx


Tin khác