Để thanh long tăng thị trường xuất khẩu

07/06/2011

Sản xuất trái cây ngày nay phải đạt tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, có giá trị toàn cầu như GlobalGAP, VietGAP, EuroGAP … mới có giấy thông hành để đi vào thị trường thế giới. Với trái thanh long, do đã được triển khai trồng theo các tiêu chí quốc tế nên đã nâng được giá trị, đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh theo chuẩn thế giới, vì thế đã xuất được sang được nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước khó tính.

Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước với gần 10.000 ha, sản lượng bình quân hàng năm trên 200.000 tấn, trong đó có 5 trang trại và doanh nghiệp lớn trồng thanh long với diện tích khoảng 3.000 ha. Thanh Long Bình Thuận đã được Cục Bảo vệ thực vật chứng nhận sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, phía Mỹ cũng công nhận cấp mã số truy suất nguồn gốc. Công ty Hoàng Hậu tại Bình Thuận là công ty đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thanh long theo qui mô thương mại và xuất khẩu với qui mô lớn. Hoàng Hậu có gần 300 ha thanh long hữu cơ (organic) sản xuất theo tiêu chuẩn EuroGAP và tiêu chuẩn thị trường Mỹ. Thanh long Hoàng Hậu đang có mặt ở phần lớn thị trường các nước châu Á, châu Âu.
Tiền Giang và Long An cũng là hai địa phương trồng nhiều thanh long ở hai huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành. Huyện Chợ Gạo có  hơn 2000 ha thanh long, huyện đã thành lập Hợp tác xã Thanh Long Chợ Gạo để hỗ trợ người trồng. Thanh long Chợ Gạo được Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, Hội Làm vườn Việt Nam tích cực hỗ trợ chăm sóc theo tiêu chuẩn GAP, hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu thanh long Chợ Gạo và lập dự án phát triển thêm 1000 ha.
Thanh long Việt Nam cũng đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai chương trình hỗ trợ người trồng tiếp cận thị trường tiêu thụ Mỹ qua việc tổ chức các lớp tập huấn sản xuất theo qui trình khép kín. Năm 2008, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cùng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng đã ký kết văn bản thực hiện biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, trong đó có thanh long.
Nhờ đạt các tiêu chí GlobalGAP, VietGAP… năm 2010 có thêm Công ty Rồng Đỏ (TP HCM) xuất khẩu được thanh long sang Mỹ, khoảng 86 tấn mỗi tháng. Theo Công ty Rồng Đỏ, thị trường Mỹ có nhu cầu nhập nhiều trái cây tươi, chỉ yêu cầu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn. Rồng Đỏ đang tăng cường hợp tác với các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai trồng thanh long ruột trắng và ruột đỏ sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP....Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka tại Bình Dương cũng vừa xuất được thanh long sang thị trường Hàn Quốc và đang đàm phán với các đối tác Hàn Quốc để mở rộng kênh phân phối tại thị trường này.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thanh long sang thị trường Mỹ và Nhật năm 2010 đạt 1.276 tấn; trong đó xuất khẩu vào Mỹ đạt 856 tấn, xuất khẩu vào Nhật đạt 420 tấn. Ngoài các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng bắt đầu nhập thanh long Việt Nam. Tiến Sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, hiện một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật đang tăng nhu cầu tiêu thụ một số loại trái cây tươi Việt Nam như thanh long, bưởi...
Tuy nhiên, để thanh long tăng được thị trường xuất khẩu và vào được các thị trường khó tính không đơn giản. Ông Trần Ngọc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết, thanh long phải nằm trong vùng sản xuất sạch được công nhận, tất cả các lô hàng phải qua khâu chiếu xạ trước khi xuất, nhất là ở thị trường Mỹ. Vì thế muốn có chỗ đứng vững chắc ở thị trường các nước, DN  phải hoàn thiện qui trình sản xuất sạch qua việc đạt các chứng chỉ EuroGAP, GlobalGAP …Sau đó chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng theo các tiêu chuẩn trên và mở rộng dần diện tích. Để có được sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, người trồng cũng gặp không ít khó khăn khi phải thực hiện các tiêu chí này vì phải tuân thủ nghiêm ngặt trong suốt quá trình gieo trồng, từ khâu làm đất, xuống giống đến bón phân, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và bảo quản. …Trong khi không phải người trồng nào cũng có đủ năng lực thực hiện các quy trình trên.
Để phát triển bền vững, theo TS Nguyễn Minh Châu, các chủng loại trái cây, trong đó có thanh long, nên có quy hoạch vùng trồng và triển khai quy hoạch nhằm có diện tích lớn cho một loại trái cây. Vùng chuyên canh lớn sẽ thuận tiện cho việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đưa được khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ đó sản phẩm có chất lượng đồng đều về kích cỡ, màu sắc, hương vị…Cũng có thể phát triển vùng có diện tích nhỏ, song nên trồng cùng một thứ trái cây trong một vùng đặc sản để khi gom lại thành số lượng lớn.
Vai trò của chính quyền địa phương trong việc hình thành những vùng chuyên canh lớn cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong việc tổ chức giúp nhà vườn liên kết với nhà khoa học, doanh nghiệp. Đặc biệt phải tăng cường giúp nông dân nhận thức tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trái cây. /.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Nguồn:http://ven.vn/de-thanh-long-tang-thi-truong-xuat-khau_t77c63n21872tn.aspx


Tin khác