Cà Mau thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư

15/06/2011

Quý I-2011, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh Cà Mau tiếp tục đạt khá, nhất là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thu ngân sách... đều tăng từ 15 đến 40% so cùng kỳ năm 2010. Ðây cũng là yếu tố cơ bản để Cà Mau vượt lên khó khăn, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

 
Công ty Thủy Sản Minh Phú (Cà Mau) tăng cường sản xuất, chế biến hàng chất lượng cao, tăng giá trị xuất khẩu. 
 
Ðẩy mạnh sản xuất kinh doanh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng cho biết: Cùng với việc tổ chức thực hiện các giải pháp lớn của Chính phủ và của tỉnh về cắt giảm đầu tư công; giảm chi ngân sách và triệt để thực hành tiết kiệm, từng sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu; tiết kiệm điện... Trong đó, mục tiêu lớn vẫn là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là phát huy tiềm năng sẵn có của tỉnh về nuôi trồng thủy sản; mở rộng nuôi tôm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản. Từ đầu năm đến nay, ngành sản xuất này gặp khá nhiều thuận lợi, trong đó giá tôm xuất khẩu,  nguyên liệu tăng cao, giúp cho hơn 160 nghìn hộ nuôi tôm phấn khởi, yên tâm đầu tư thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện toàn tỉnh có gần ba nghìn ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, trong đó hơn 1,5 nghìn ha được đầu tư mới trong ba tháng đầu năm nay. Từ đó, sản lượng đạt gần 100 nghìn tấn; chế biến thủy sản đạt hơn 16,2 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 168 triệu USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2010. Bước đầu triển khai một số cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã đầu tư mới hoặc nạo vét các kênh trục cấp và thoát nước, đầu tư hệ thống lưới điện ba pha, đầu tư đấu nối giao thông đường bộ; người dân được nhận hỗ trợ như: Ðào tạo về quản lý, nguồn lao động; nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ; điều trị dịch bệnh... đã giúp người dân tháo gỡ khó khăn, yên tâm phát triển sản xuất.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Mai Hữu Chinh, cùng với đẩy mạnh sản xuất, Cà Mau tăng cường thực hiện các giải pháp về quản lý thuế; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách. Trong đó, coi trọng các biện pháp rà soát, thanh tra, kiểm tra; thu hồi nợ thuế và hạn chế nợ phát sinh nhằm bảo đảm tăng nguồn thu ngân sách; thực hành tiết kiệm chi thường xuyên; giảm đến mức thấp nhất việc chi ngân sách. Về tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của những tháng còn lại năm 2011, đến nay toàn tỉnh xác định số tiền tiết kiệm chi là 41,3 tỷ đồng; trong đó cấp huyện  tiết kiệm được hơn 23,5 tỷ đồng. Ðối với việc cắt giảm đầu tư công, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tất cả các công trình xây dựng cơ bản; thực hiện dừng khởi công mới; giãn tiến độ và bố trí, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư theo các nhóm dự án năm 2011, đã cắt giảm tiết kiệm được hơn 31 tỷ đồng. Việc tạm dừng hoặc giãn tiến độ hàng loạt dự án là bài toán khó, đã được cân nhắc, tính toán kỹ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nhất là các công trình xây dựng dở dang không để xuống cấp, nhằm bảo đảm khi xây dựng lại không phát sinh thêm vốn, gây tốn kém, lãng phí. Hiện nay tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công 11 dự án chuyển tiếp sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, phấn đấu hoàn thành dứt điểm năm 2011. Ðã giải ngân gần 283 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch vốn. Ðây là những dự án thật sự cấp thiết để bảo đảm an sinh xã hội như hỗ trợ sản xuất, xây dựng thủy lợi, giao thông, y tế, giáo dục... tại các địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh. Hiện nay, Cà Mau rất mong được Chính phủ hỗ trợ, bổ sung, điều chuyển vốn để tỉnh thực hiện dự án nâng cấp công trình đê biển tây. Công trình này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, cần nâng cấp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho hàng chục nghìn hộ dân đang sinh sống tại các huyện ven biển của tỉnh như Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh...
Tăng cường thu hút đầu tư
Cùng với cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư xây dựng đã và đang hoạt động đạt hiệu quả cao, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành ba khu công nghiệp (KCN) Hòa Trung, Năm Căn và Sông Ðốc với tổng diện tích quy hoạch là 1.477 ha, đồng thời Chính phủ chấp nhận chủ trương quy hoạch đầu tư khu kinh tế mở Năm Căn (huyện Năm Căn) là 11 nghìn ha. Ðây là điều kiện thuận lợi để Cà Mau tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Tuy các KCN này đang trong giai đoạn triển khai xây dựng, nhưng bước đầu đã thu hút 24 dự án của  các nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 4,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, KCN Hòa Trung, Sông Ðốc đã có hơn mười nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; xây dựng nhà máy chế biến bột cá và trại sản xuất tôm giống chất lượng cao. Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi mà môi trường đầu tư của Cà Mau có bước cải thiện đáng kể, số lượng các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong, ngoài nước đến Cà Mau tìm hiểu cơ hội đầu tư ngày càng nhiều. Hơn nữa, lợi thế của Cà Mau là có cảng hàng không, có tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường thủy phía nam đi xuyên qua địa bàn nên thu hút các nhà đầu tư. Ðến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 103 dự án trong và ngoài các KCN, tổng số vốn gần 44 nghìn tỷ đồng.
Theo Phó Ban quản lý các khu công nghiệp Nguyễn Việt Lập, sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư của Cà Mau so với các tỉnh trong khu vực còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là kết cấu hạ tầng kinh tế còn yếu kém, chưa thỏa mãn các yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các KCN chưa được đầu tư đồng bộ; các hạ tầng tiện ích như: điện, nước, thông tin liên lạc, nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư xây dựng. Trong đó, 'đất sạch' và các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư còn vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng và cơ chế thủ tục hành chính, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài ra, nguồn lao động ở Cà Mau chưa được đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ của các nhà đầu tư, điều kiện môi trường chung quanh chưa thỏa mãn yêu cầu các nhà đầu tư. Ðây chính là lực cản lớn đối với Cà Mau hiện nay.
Ðể giải bài toán này, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh, biện pháp hữu hiệu nhất là tăng tốc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các khu dịch vụ dân cư, các tuyến đường vào KCN. Theo đó, tỉnh phải cụ thể chính sách khuyến khích ưu đãi và tạo điều kiện hỗ trợ chủ đầu tư triển khai kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình tiện ích để phục vụ tốt cho các nhà đầu tư triển khai các dự án đã đăng ký và thu hút các dự án mới. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết vùng, xúc tiến  mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư hạ tầng KCN. Nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, xuất khẩu có giá trị gia tăng lớn; dự án sử dụng nhiều lao động tại địa phương để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nhất là lợi thế, tiềm năng về sản xuất nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, từng bước tiến đến cơ chế 'một cửa liên thông' trong tiếp nhận đầu tư; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực... Nếu lực cản này sớm được khắc phục, tháo gỡ sẽ tạo điều kiện tốt hơn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN tại Cà Mau.
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

Nguồn: http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/ca-mau-thuc-y-s-n-xu-t-thu-hut-u-t-1.300165#V6DTyRILot1p


Tin khác