Ở huyện miền núi Hoành Bồ (Quảng Ninh) ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nuôi con “đặc sản” nhím, lợn rừng... Hầu hết các hộ này đều được vay vốn Ngân hàng CSXH.
Nuôi nhím, lợn rừng luôn được bàn luận sôi nổi trong các câu chuyện làm giàu của người dân xã Quảng La, huyện Hoành Bồ.
Thu lời nhanh, ít rủi ro
|
Bà Dương Thị Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoành Bồ (phải) kiểm tra mô hình nuôi nhím của hộ chị Vũ Thị Mận, xã Bằng Cả.
|
Gia đình chị Tiêu Thị Thu ở thôn 5 là một trong những hộ đầu tiên trong xã Quảng La sử dụng vốn vay ưu đãi nuôi lợn rừng. Đầu năm 2008, chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoành Bồ cho vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ SXKD vùng khó khăn.
Với số tiền này, chị mua 2 con lợn giống. Nhờ cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật, mấy tháng sau, lợn nái đẻ. Lứa lợn đó, chị bán được hơn 40 triệu đồng. Sang năm 2009, sau khi chị trả nợ gốc 30 triệu đồng, Ngân hàng CSXH tiếp tục cho chị vay 100 triệu đồng phát triển trang trại. Với số vốn này, chị tăng số lượng lợn nái. Cuối năm 2010, riêng tiền bán lợn giống mang về cho gia đình chị hơn 130 triệu đồng.
Giờ đây, trang trại của chị là nơi cung cấp lợn rừng giống, lợn thịt thương phẩm cho bà con trên địa bàn trong và ngoài huyện. “Nuôi lợn rừng không khó, thu lời nhanh, ít rủi ro. Từ thu nhập của gia đình tôi, có thể khẳng định, nếu được nhà nước trợ vốn, chắc chắn hộ nghèo nuôi lợn rừng sẽ thoát nghèo nhanh...”- chị Thu chia sẻ.
Thực tế, đồng vốn ưu đãi đầu tư vào mô hình nuôi lợn rừng, nhím trong 3 năm qua đã giúp khá nhiều hộ trên địa bàn huyện Hoành Bồ thoát nghèo. Gia đình chị Vũ Thị Mận (thôn 1, xóm Bằng Cả) là một ví dụ. Năm 2009, vợ chồng chị Mận được vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo. Chị mua 2 đôi nhím giống về nuôi.
Từ 2 đôi nhím giống này, đến nay trừ số đã bán, vợ chồng chị đang duy trì 24 con nhím sinh sản. Năm 2010, riêng tiền bán nhím giống, vợ chồng chị đã thu về 70 triệu đồng. Số tiền này, chị đầu tư nuôi 6 con lợn rừng giống, hiện đã có 2 con nái đẻ lứa đầu tiên. Ông Nguyễn Xuân Quý-Chủ tịch Hội ND xã Bằng Cả thông tin: “Ba năm trước, vợ chồng chị Mận còn chịu tiếng là hộ nghèo. Giờ thì chẳng ai bảo chị nghèo nữa...”.
Tiềm năng được đánh thức
Tổng dư nợ 7 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Hoành Bồ hiện đạt gần 100 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2010, vốn ưu đãi đã giúp 136/507 hộ nghèo của huyện Hoành Bồ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.
|
Phát triển trang trại chăn nuôi con đặc sản là chủ trương của UBND huyện Hoành Bồ từ năm 2008 nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh đồi rừng, lao động của địa phương. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã góp phần đưa nhanh chủ trương của huyện vào cuộc sống.
Tính riêng trên địa bàn xã Quảng La hiện có 23 hộ nuôi nhím; 11 hộ có trang trại nuôi lợn rừng. Năm 2010 đánh dấu sự phát triển mô hình nuôi nhím của hộ Lý Tài Báo, Lý Tào Hào, Đinh Thị Huyền, Hoàng Thị Tô, Bàn Thị Xoan (xã Tân Dân); Lý Văn Phương, Vũ Thị Mận (xã Bằng Cả); Nguyễn Thị Minh, Hoàng Văn Thiện, Triệu Thị Thư, Bàn Thị Lê (xã Đồng Lâm)...
Hỗ trợ ND, hộ nghèo vốn đầu tư nuôi nhím, lợn rừng là mô hình mang lại chất lượng tín dụng rất tốt và có hiệu ứng kinh tế - xã hội tích cực. Bà Dương Thị Lý - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoành Bồ chia sẻ như vậy trên đường đưa chúng tôi tới thăm một số mô hình nuôi lợn rừng, nhím.
Bên cạnh mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hoành Bồ đã giải ngân cho 8 hộ vay chương trình SXKD vùng khó khăn với mức 100 triệu đồng/hộ để nuôi nhím, lợn rừng. Theo bà Lý, đây chính là các mô hình điểm, là nơi tham quan, học hỏi của ND trong vùng...
Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/48173p1c34/danh-thuc-doi-rung.htm