Kỳ vọng lớn vào ngành nông nghiệp

29/06/2011

Sáu tháng đầu năm 2011, dù có nhiều khó khăn với những điểm khác biệt so với các năm trước như thời tiết khắc nghiệt, biến động của nền kinh tế, Chính phủ thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những thành tích đáng kể. Các lĩnh vực đều tăng trưởng khá, xuất khẩu tăng mạnh, trong đó duy trì xuất siêu được 4,3 tỷ USD. Ngành nông nghiệp được kỳ vọng lớn sẽ góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

* Nhiều lĩnh vực đạt chỉ tiêu
Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 28/6, tại Hà Nội, ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: ước tính giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đạt hơn 107.000 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các giải pháp về thời vụ, kỹ thuật và cung ứng giống đủ nên sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Sản xuất lúa Đông Xuân cả nước đạt hơn 3 triệu ha, với năng suất bình quân đạt hơn 63 tạ/ha, với sản lượng gần 19,5 triệu tấn, tăng 26 vạn tấn so với vụ năm trước. Cùng với trồng trọt, các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản cũng duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần vào ổn định thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Theo ông Trang Hiếu Dũng, xuất khẩu vẫn là điểm sáng của ngành trong 6 tháng đầu năm. Với việc tranh thủ được cơ hội thuận lợi của thị trường nông sản thế giới và nguồn hàng dồi dào trong nước, các doanh nghiệp đã tăng cường xuất khẩu và đạt được thành tích khá ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản 6 tháng đầu năm tăng mạnh, ước đạt 12 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ; trong đó nhiều mặt hàng có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng cao như cà phê, cao su, gạo, sắn, thủy sản, đồ gỗ và lâm sản. Nhờ đó thặng dư thương mại của ngành đạt 4,3 tỷ USD, góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu cho cả nước.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ như: phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, công tác đổi mới tổ chức quản lý sản xuất còn chậm. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: tồn tại lớn nhất cần khắc phục ngay là tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành còn thấp, mới đạt 1,9%, trong khi kế hoạch đề ra là 2,6%. “Có tăng trưởng thì mới tăng được thu nhập cho bà con nông dân”, Bộ trưởng nói.
* Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các đơn vị trong ngành cần nỗ lực cao mới hoàn thành được kế hoạch năm 2011, đồng thời chuẩn bị kế hoạch cho năm 2012 và kế hoạch 5 năm. Các đơn vị cần rà soát, tính toán những lĩnh vực nào còn có thể thúc đẩy tăng trưởng để nâng cao giá trị gia tăng của toàn ngành. Trước hết, các đơn vị chức năng bám sát diễn biến thị trường, chỉ đạo cơ cấu sản xuất phù hợp, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt khoảng 8,5 triệu ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt gần 7,4 triệu ha. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mở rộng diện tích sản xuất vụ Thu Đông khoảng 100.000 ha để thực hiện chủ trương sản xuất thêm 1 triệu tấn lúa trong năm 2011. Đối với các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 2 vừa qua, Bộ cũng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả và hỗ trợ 900 tấn lúa giống ngắn ngày cho hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, kiềm chế dịch bệnh là điều quan trọng để phục hồi và phát triển. Các địa phương tập trung chỉ đạo khôi phục ổn định sản xuất ở những nơi đã hết dịch, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và người dân chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp và nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh. Đối với nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn nông dân nuôi trồng đúng kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất tốt và theo dõi sát thị trường, đấu tranh kiên quyết với những sự cạnh tranh không lành mạnh, nhất là với cá tra, phải giữ và phát triển được thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết đảm bảo phát triển bền vững, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đơn vị xây dựng và thực hiện các giải pháp nâng cao công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thông qua việc hoàn thiện hệ thống quy định, quy chuẩn chuyên ngành. 

Trong việc chuẩn bị kế hoạch cho các năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ chuyển mạnh sang ưu tiên chất lượng và hiệu quả, thúc đẩy tăng nhanh hơn giá trị gia tăng. Các đơn vị đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao. Đặc biệt, Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng tích cực và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hưởng ứng cùng thế giới về “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” với mục tiêu "mỗi thập kỷ trong tương lai sẽ tăng sản lượng nông nghiệp, giảm đói nghèo và giảm phát thải khí các bon được 20%"./.
Theo TTXVN

Tin khác