Vải thiều là cây ăn quả có sản lượng hàng hóa lớn của tỉnh Bắc Giang. Mỗi năm, đến vụ thu hoạch vải, người nông dân luôn trong tình trạng phấp phỏng lo lắng trước những biến động khôn lường của thị trường. Ðược mùa mừng đấy, nhưng bán ở đâu, giá cả thế nào mới là điều người trồng vải quan tâm.
|
Vụ vải năm nay, Bắc Giang có hơn 30 nghìn ha vải thiều cho thu hoạch, sản lượng ước tính khoảng 200 nghìn tấn quả. Vải thiều là loại hàng hóa tươi, khó bảo quản, thời gian thu hoạch chỉ trong vòng một tháng. Với sản lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thời gian ngắn nên vấn đề tìm thị trường tiêu thụ là việc cấp thiết của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang. Ðặc biệt là vùng vải thiều Lục Ngạn, nơi vải thiều có tiếng thơm ngon, vụ này sản lượng vải hàng hóa không dưới 100 nghìn tấn, chiếm tới 70% sản lượng vải thiều của tỉnh. Ngay từ đầu năm, khi vải thiều ra hoa, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích canh tác vải thiều theo quy trình VIETGAP từ 2.000 ha năm 2010 lên hơn 5.000 ha với hơn 8.000 hộ sản xuất vải thiều sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðây là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng vải thiều đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VIETGAP ở 20 xã vùng Hồng Giang, Giáp Sơn, Biên Sơn, Quý Sơn... huyện Lục Ngạn đã thu hút đông thương lái đến tận vườn đặt mỏ cân thu mua. Huyện Lục Ngạn triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông tới các ngành, các cấp chính quyền cơ sở, tạo thuận lợi, thông thoáng cho thương nhân đến thu mua vải thiều. Sở Công thương phối hợp huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều có sự tham gia của lãnh đạo hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh là nơi có cửa khẩu xuất vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Sở Công thương hỗ trợ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều ở địa phương tổ chức đoàn tìm hiểu, khai mở thị trường tại Lào và Cam-pu-chia. Cùng với việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, Sở Công thương tổ chức cho các doanh nghiệp quảng bá, đặt đầu mối tiêu thụ vải thiều ở các tỉnh, thành phố miền trung và thành phố Hồ Chí Minh, ký kết hợp đồng đưa vải thiều sạch, chất lượng cao vào các siêu thị. Ði đôi với phương thức tiêu thụ vải thiều tươi, năm cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu vải đóng hộp sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu với sản lượng chế biến hàng chục nghìn tấn quả tươi mỗi vụ.
Ðối với các doanh nghiệp thu mua vải thiều trên địa bàn, cái khó hiện nay là vốn. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến tiêu thụ vải trên địa bàn hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, muốn thu mua vải trong thời gian ngắn phải huy động nguồn vốn lớn. Nếu ngân hàng thương mại trên địa bàn không tạo điều kiện, doanh nghiệp khó bề kinh doanh. UBND tỉnh Bắc Giang đã có ý kiến với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp thu mua tiêu thụ vải thiều cho người dân. Ðể vải thiều vận chuyển đến những thị trường xa, kỹ thuật bảo quản rất quan trọng, Sở Khoa học - Công nghệ cần sớm vào cuộc, hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật bảo quản vải thiều để đến nơi tiêu thụ vẫn giữ được mầu sắc, chất lượng tốt.
VỤ thu hoạch vải chính vụ đang đến, ngoài chợ những xe ô-tô thu mua vải sớm đã tấp nập. Những mỏ cân mọc lên ở khắp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Vải đầu vụ giá bán ngoài chợ đã 20 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/kg. Nông dân vùng vải thiều Bắc Giang hy vọng với sự vào cuộc của bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) vụ vải năm nay sẽ được cả năng suất, sản lượng, được cả giá, góp phần nâng cao đời sống cho hàng vạn hộ nông dân vùng vải thiều./.
Theo Báo Nhân dân
Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=466358