Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù giá trị xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến nay tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại giảm, bởi giá nguyên vật liệu đầu tăng, đặc biệt là bông. Việc giá bông tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may khó dự báo được khả năng nguyên liệu đầu vào, cũng như đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Nhận thấy sự cần thiết của cây bông và việc phát triển ngành bông trong bối cảnh giá bông nguyên liệu liên tục tăng trong thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 3/8/2011 về việc xuất hạt giống bông dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.
Dựa trên lợi thế nhờ quy mô, 6 địa phương được nhận hỗ trợ hạt giống bông cho nông dân niên vụ 2011 - 2012 bao gồm: Đắc Nông, Đắc Lăk, Phú Yên, Bình Thuận, Gia Lai, Ninh Thuận. Ngoài ra, việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hạt giống bông nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.
Để nâng cao giá gia tăng trên một đơn vị sản phẩm, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã xây dựng mục tiêu phát triển ngành bông với sản lượng 40 nghìn tấn bông xơ vào năm 2015 và 60 nghìn tấn vào năm 2020. Các mục tiêu này nhằm đảm bảo an ninh nguyên liệu ngành dệt may và tiến tới đáp ứng 10 - 15% nhu cầu nguyên liệu trong nước.
Hiện Vinatex đã đầu tư trồng bông với 3 trang trại, diện tích 50 ha/trang trại, thành lập Cty cổ phần bông để trồng 2.500 ha bông. Tập đoàn cũng lên kế hoạch hợp tác với Campuchia để trồng bông. Ngoài ra, Vinatex cũng đang nghiên cứu phát triển dự án sản xuất tơ nhân tạo vitco giá trị cao và phát triển trồng rừng tại Lào. Bên cạnh đó, một số dự án sản xuất lớn của Vinatex cũng đang tích cực triển khai như: nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp tại Ninh Thuận và Đình Vũ (Hải Phòng), nâng cấp các nhà máy dệt thoi như dệt Vĩnh Phúc, Nam Định...
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=471927