"Từ nay đến đầu năm 2012 không lo thiếu gạo"

30/08/2011

Đó là khẳng định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa những tháng cuối năm 2011. Ông Phong cho biết:

Trong những ngày đầu tháng 8, diễn biến tăng giá lương thực tại thị trường nội địa đã đẩy giá gạo của Việt Nam lên quá cao so với mặt bằng chung, khiến giá gạo xuất khẩu cao hơn giá gạo Thái Lan, gây trở ngại cho việc đàm phán một số hợp đồng. Điển hình nhất là 300.000 tấn gạo mà Indonesia dự kiến mua của Việt Nam đã không được thực hiện, họ chuyển sang mua gạo Thái Lan với giá thấp hơn.
Tin đồn này xuất phát từ yếu tố tâm lý, sau khi Chính phủ mới của Thái Lan ra quyết định nâng giá hỗ trợ mua lúa cho nông dân từ 11.000 bath lên 15.000 bath/tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước này cũng giữ hàng, hạn chế xuất khẩu.
Nhưng quan trọng nhất là một số đối tượng đầu cơ đã mua số lượng lớn để trữ lại, sau đó tung ra, đẩy giá lên cao. Chưa kể, một số nhà máy đã mua lúa về nhưng không xay, chờ giá lên mới xay để bán, rồi những doanh nhân nước ngoài đã mua gạo của Việt Nam nhân cơ hội này đẩy giá lên, tình trạng hỗn loạn càng thêm nóng...
Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta sẽ không để hiện tượng sốt giá như năm 2008 tái diễn. Vì hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã bán giá thấp hơn thị trường 10% theo chương trình bình ổn giá. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã xuất gần 5 triệu tấn gạo và hiện đang trữ kho khoảng 1,3 triệu tấn. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tồn kho 500.000 tấn, trong đó 200.000 tấn chưa có hợp đồng. Chúng tôi sẽ xác minh và xử lý nghiêm những đối tượng gây tin đồn thất thiệt.
ông Trương Thanh Phong
Thưa ông, tất cả những thông tin đó đều cho rằng lượng gạo trong nước không đủ nguồn cung. Ông khẳng định thế nào về vấn đề này?
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, dự kiến tổng sản lượng lúa năm 2011 đạt 41,601 triệu tấn, tăng 1,522 triệu tấn so với năm 2010. Sau khi trừ đi lượng tiêu dùng nội địa khoảng 27,52 triệu tấn, nếu không có đột biến về sâu bệnh và thời tiết thì năm 2011, lượng lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu khoảng 14,08 triệu tấn, tương đương 8 triệu tấn gạo, chưa kể lượng tồn kho khoảng 0,8 triệu tấn năm 2010 chuyển sang, đủ để cân đối cho nhu cầu xuất khẩu những tháng còn lại năm 2011 và đầu 2012.
Ngoài ra, khảo sát của Cục Trồng trọt cho thấy, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang còn một lượng lớn lúa hè thu vừa thu hoạch, sắp tới lại có lúa thu đông, lúa mùa, đông xuân sớm...Các doanh nghiệp xuất khẩu sẵn sàng cung ứng gạo trữ kho để bổ sung lượng gạo bình ổn nội địa khi cần thiết. Tôi khẳng định, thị trường không thiếu gạo cho tiêu dùng nội địa từ nay đến đầu năm 2012.
Trong những tháng cuối năm 2011, theo ông chúng ta cần có giải pháp gì để đảm bảo xuất khẩu và nhu cầu thị trường nội địa?
Từ nay đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, tình hình cung - cầu lương thực thế giới còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường do động thái chính sách và tình hình mùa vụ của các nước xuất khẩu gạo lớn. Do đó, theo tôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với các điạ phương tiếp tục chỉ đạo sản xuất đúng tiến độ để đảm bảo nguồn cung lúa gạo cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và chủ động đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt cần đẩy mạnh trồng lúa vụ đông xuân để đảm bảo nguồn cung xuất khẩu những tháng đầu năm 2012. Các bộ, ngành địa phương cũng cần thống nhất giữ giá lúa tốt theo hướng có lợi cho người trồng lúa; thường xuyên cung cấp thông tin và diễn biến thị trường trong và ngoài nước, khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng khi có chân hàng, tăng cường kiểm tra chân hàng trước khi ký hợp đồng, tránh tình trạng đầu cơ tăng giá, điều tiết tiến độ ký hợp đồng và giao hàng để tránh hiện tượng sốt giá ảo.
Xin cảm ơn ông!
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG NGUYỄN THÀNH BIÊN:
Không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp
Nếu sản lượng lương thực cả nước năm 2011 đạt 41,6 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2010, thì nhu cầu sử dụng trong nước, kể cả yếu tố tăng dân số cũng không thể tiêu thụ hết lượng lúa phát sinh này. Dự kiến sản lượng xuất khẩu 7 triệu tấn vẫn nằm trong điều kiện cho phép. Điều hành xuất khẩu gạo sẽ không để giá trong nước cũng như giá xuất khẩu tăng cao đột biến, nhưng cũng không để ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã ký 61 giấy phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cộng với 4 doanh nghiệp nước ngoài khác cùng tham gia thì 65 doanh nghiệp này đã chiếm tới 80% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/8/29935.html


Tin khác