Đề án đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về vai trò của dạy nghề trong phát triển nguồn nhân lực nông thôn, tạo ra một “cuộc đua” giữa các cơ sở đào tạo nghề, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dạy và người học. Thực tế cho thấy việc thực hiện Đề án đào tạo nghề đã góp phần hình thành hệ thống dạy nghề chính quy với ba cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) và dạy nghề thường xuyên (không chính quy), thay thế dạy nghề ngắn hạn và dài hạn, đồng thời chuyển dần sang dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển nhanh, rộng khắp với 51 cơ sở dạy nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề năm 2010 lên mức 28%.
Năm 2010, thời điểm đề án dạy nghề cho lao động nông thôn bắt đầu được triển khai, nhưng chưa nhiềucơ sở dạy nghề trên địa bàn tham gia. Bước vào năm 2011, đã có sự gia tăng đột biến số lượng các cơ sở dạy nghề đăng ký mở lớp cho lao động nông thôn. Đến thời điểm này, đã có hơn 30 cơ sở dạy nghề nhập cuộc. Dạy nghề cho lao động nông thôn không chỉ thu hút sự quan tâm của các cơ sở dạy nghề, mà nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào lĩnh vực này. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 3000 doanh nghiệp. Gần 70% trong số đó có các ngành nghề phù hợp với lao động nông thôn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ ở huyện Yên Khánh chia sẻ: Khi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Và quan trọng là sau khi được đào tạo, chất lượng nguồn lao động được nâng cao sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của công ty.
Về kinh phí dành cho công tác dạy nghề ở tỉnh ta đã được cấp trực tiếp cho các cơ sở đào tạo nghề. Điều đó đã tạo được sự chủ động trong việc lập kế hoạch đào tạo nghề ở mỗi đơn vị. Mặt khác, tham gia vào Đề án dạy nghề lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề được hưởng lợi khá nhiều như: về kinh phí đào tạo, nâng cao chất lượng lao động… Ông Hà Đức Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nho Quan cho biết: Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn thực sự trở thành cơ hội phát triển không chỉ về chuyên môn đào tạo mà còn ở nguồn thu cho các trường dạy nghề. Do vậy, tôi tin không một cơ sở dạy nghề nào có thể bỏ qua cơ hội dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhất là khi cơ hội ấy ngày càng mang tính bền vững...
Cùng với việc đăng ký mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp rất tích cực nâng cấp cơ sở nhà xưởng, trang thiết bị dạy và học, bổ sung đội ngũ giáo viên, giáo trình... đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kể cả các nghề mang tính đặc thù nông nghiệp. Mặt khác, điều này đã góp phần buộc các cơ sở dạy nghề phải chủ động vào “cuộc đua” tìm kiếm, thu hút người học. “Cuộc đua” này đang ngày càng quyết liệt hơn, khi rất nhiều cơ sở dạy nghề có chung một ngành nghề đào tạo. Theo đó, để nhận được các hợp đồng dạy nghề với địa phương, các cơ sở dạy nghề phải khẩn trương triển khai các hoạt động tiếp cận, biết cách quảng bá năng lực...
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Ninh Bình, cho biết: Trung tâm từ trước đến nay vẫn tham gia đào tạo một số nghề, trong đó có những nghề Trung tâm đào tạo rất có uy tín, ví dụ như nghề may. Thế nhưng ngay sau khi có kế hoạch phân bổ kinh phí, Trung tâm vẫn phải nhanh chóng cho cán bộ đến các huyện, thị liên hệ, nắm bắt nhu cầu dạy nghề phù hợp với chiến lược phát triển của từng địa phương, nhu cầu học nghề của lao động bản địa và cam kết với họ về một cơ chế phối hợp hợp lý và hiệu quả.
Khi đã vào cuộc cạnh tranh thì các đơn vị dạy nghề của địa phương hoặc các đơn vị đóng tại địa phương chưa chắc đã chiếm ưu thế trong công tác dạy nghề cho địa phương ấy. Nhiều huyện, thị mặc dù trên địa bàn có cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, song vẫn ký các hợp đồng dạy nghề với các cơ sở bên ngoài, như huyện Gia Viễn, đối với nghề mây tre đan thì có thể nói nơi đây chính là cái nôi, là trung tâm với nhiều cơ sở có đủ năng lực tổ chức đào tạo. Tuy nhiên, huyện vẫn duy trì hợp tác dạy nghề này với đầu mối cũ là Hội Nông dân Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội). Tương tự như các lớp nghề đính hạt cườm, đan se cói trên cũi sắt, huyện cũng giao cho Doanh nghiệp Thành Hóa thực hiện…
Thực tế này chính là lực đẩy quan trọng nhất để các cơ sở dạy nghề tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn. Quan trọng hơn, những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu mỗi năm tuyển sinh đào tạo cho khoảng 17.000 lượt người, đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 55%. Đồng thời đảm bảo giai đoạn 2011-2015 có 70-80% và giai đoạn 2015-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm./.
Theo Báo Ninh Bình
Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30361&cn_id=474264