Chiềng Ban vui mùa càphê

15/09/2011

Với cơ chế và chính sách đầu tư đúng đắn, Sơn La đang trở thành "vùng đất hứa" cho cây càphê phát triển. Tại Chiềng Ban, nơi được coi là "thủ phủ" càphê của huyện Mai Sơn, loại cây này đang giúp nhiều nông dân đổi đời.

"Thủ phủ" càphê
Chúng tôi có mặt tại Chiềng Ban vào những ngày đầu thu, dưới ánh nắng hanh vàng là những đồi càphê xanh ngút ngàn. Năm nay thời tiết thuận lợi nên trồng cây gì cũng hiệu quả, đặc biệt, càphê ở Chiềng Ban còn sai quả hơn mọi năm, hứa hẹn một mùa thắng lợi.
Ông Lò Văn Phiếu, Giám đốc Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn cho biết: "Cây càphê được trồng ở Chiềng Ban từ năm 1997, lúc đó xã có chưa đến 100ha, do trình độ thâm canh còn hạn chế, giá cả bấp bênh nên bà con chưa mặn mà với loại cây này. Sau khi có chính sách của tỉnh, huyện đã chọn Chiềng Ban là vùng trọng điểm đưa càphê trở thành cây trồng mũi nhọn. Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ về giống, vốn…, đến nay Chiềng Ban đã được coi là "thủ phủ" càphê của huyện Mai Sơn".
Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, ông Phạm Văn Khánh cho biết: "Chiềng Ban có 26 bản, 1.433 hộ với trên 1.500ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích càphê là 950ha. Qua kinh nghiệm trồng lâu năm, qua các lớp tập huấn, bà con nơi đây đã có những thay đổi về cách nghĩ, cách làm trong chăm sóc càphê. Xã cũng đã liên hệ với nhiều công ty, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2010, xã đã thu hái được trên 100 tấn quả tươi, lợi nhuận nhiều tỷ đồng".
Tại HTX II Hoàng Văn Thụ, một trong những nơi trồng càphê có hiệu quả nhất xã, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thị Huế. Gia đình chị trồng 2,7ha càphê. Qua học hỏi tại các lớp tập huấn, chị đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng và chăm sóc càphê như: thâm canh, tỉa cành, tăng cường phân bón, vì thế, trong 4 - 5 năm gần đây, gia đình chị có thu 400 triệu đồng/năm.
Cà phê Sơn La với chất lượng ngon không kém cà phê của Brazil.
Ông Trần Văn Kiểm, Chủ nhiệm HTX II Hoàng Văn Thụ thông tin, từ ngày đưa cây càphê vào trồng, đời sống của bà con thay đổi hẳn. Hiện, HTX có 78 hộ trồng càphê, trong đó có 18 hộ giàu, nhiều gia đình có kinh tế khá và chỉ còn 9 hộ nghèo.
Sơn La được đánh giá là nơi có điều kiện khí hậu phù hợp với cây càphê Arabica, có thể sánh ngang với vùng càphê nổi tiếng Brazil.
 
Cần có định hướng phát triển bền vững
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Sơn La có vùng nguyên liệu càphê khá tập trung, thuận lợi cho việc thu mua, chế biến sau thu hoạch. Nhưng so với mục tiêu đặt ra, Sơn La mới đi được gần nửa chặng đường, bởi cây càphê tại đây đang phát triển tự phát là chính, sản phẩm làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực trồng, chăm sóc, chế biến thủ công của nông dân. Không theo tiêu chuẩn, chất lượng của các nương càphê không đồng bộ, hạt càphê không đều, năng suất, sản lượng giữa các nương càphê có độ chênh lệch lớn.
Vì vậy, dù vị càphê Arabica của Sơn La rất được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ nhưng kim ngạch xuất khẩu càphê của tỉnh vẫn thấp, phần lớn được tiêu thụ dưới dạng thô.
Để nâng cao chất lượng càphê Sơn La trên thị trường, đồng thời đem lại thu nhập cao cho nông dân, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà co n thu hái đúng kỹ thuật. Mặt khác, cần xây dựng quy hoạch, bổ sung vùng trồng càphê trên địa bàn tỉnh, tập huấn cho nông dân về phát triển càphê bền vững. Việc bao tiêu sản phẩm cũng phải được thực hiện nghiêm túc. Theo ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, muốn phát triển bền vững, nhất định phải đảm bảo bằng được đầu ra cho càphê và nhiều cây trồng chủ lực khác.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác