Ông Trần Quốc Thành, Bí thư Huyện uỷ huyện Quế Phong (Nghệ An) dẫn chúng tôi từ thị trấn Kim Sơn vượt thêm trên 30 km lên xã vùng cao Tri Lễ để "khoe" mô hình trồng cây chanh leo đang được 20 hộ dân thuộc các bản Yên Sơn, bản Đ1 và bản Xan trồng thí điểm.
Ông Trần Quốc Thành phấn khởi thông báo: Năm nay huyện cho làm thí điểm 2 ha, sắp tới sẽ mở rộng thêm 3 ha nữa. Ngoài ra nhà máy nước dứa cô đặc vừa cam kết sẽ đầu tư làm thêm mô hình 1 ha. Khi chúng tôi báo cáo về những triển vọng tốt đẹp của mô hình tại xã Tri Lễ với lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý sẽ trích ngân sách tỉnh cho Quế Phong mở rộng mô hình thêm 5 ha nữa nên anh em chúng tôi rất phấn khởi.
Chị Lô Thị Liên, 36 tuổi, trú tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ dẫn chúng tôi xem vườn chanh leo của gia đình đã vui mừng cho biết: Nhà em trồng chỉ được 1 sào (500 m2), tiếc quá. Lứa này cây mới ra quả bói mà nhiều quả thế đấy, các hộ không được làm mô hình đến xem ai cũng tấm tắc khen và xin mấy quả về ăn thử cho biết. Quả to gấp rưỡi quả trứng vịt nên chỉ cần hái khoảng 6 - 7 quả là được 1 kg. Giá bán cho nhà máy về tận bản thu mua 10.000 đồng/kg. Gia đình em mới bán được khoảng 500.000 đồng. Trong bản nhiều nhà đã bán được từ 1,5 đến 2 triệu đồng rồi đấy.
Chị Lộc Thị Thương, 42 tuổi, trú tại bản Yên Sơn cho biết: Nhà em trồng được 70 gốc (khoảng 1,5 sào) cũng đã bán được 1,5 triệu đồng. Ông Vi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ nói với chúng tôi: khi đưa mô hình trồng chanh leo về đây, vận động bà con làm cũng khó lắm. Họ không tin là cây chanh leo lại có thể mang lại thu nhập lớn cho gia đình mình nên ngay trong một nhà thì chồng đã ưng cái bụng nhưng bà vợ lại lắc đầu…
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo xã và huyện nên cuối cùng đã chọn được 20 hộ tham gia. Trong đó có 16 hộ đồng bào Thái - Thanh, 2 hộ đồng bào Khơ Mú và 2 hộ đồng bào Mông. Các hộ được tập huấn kỹ từ cách chăm bón, đóng cọc, làm dàn và mật độ trồng. Sau khi được nhận cọc, thép làm dàn bà con bắt đầu triển khai, đến đầu tháng 10/2010 thì tiến hành trồng xong 2 ha. Cây chanh leo tại mô hình chưa kịp bén rễ thì gặp rét liên tục nên cây giống không phát triển được. Cán bộ từ huyện đến xã ai cũng lo mô hình thất bại.
Bí thư Huyện uỷ Quế Phong: Một ha cây chanh leo, phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng, bao gồm tiền giống, cọc bê tông, thép làm dàn và phân bón. Bù lại cây chanh leo lưu gốc được khoảng 5 năm mới phải trồng lại nên hiệu quả của nó chắc chắn sẽ cao hơn nhiều loại cây công nghiệp hiện đang gieo trồng tại Nghệ An.
|
Sang tháng 2/2011 thì cây chanh leo bắt đầu phát triển xanh tốt, đến đầu tháng 8/2011 cây bắt đầu ra quả bói. Đến thời điểm này thì gốc nào gốc ấy đều trĩu quả. Dù mới chín bói chưa được nhiều, mỗi ngày chỉ gom được 2-3 kg/hộ nhưng từ cuối tháng 8/2011 đến nay, tất cả 20 hộ đã nhập cho Nhà máy SX nước dứa cô đặc tại Quỳnh Lưu được gần 1,2 tấn. Tổng số tiền thu được đã xấp xỉ 12 triệu đồng. Bà con phấn khởi lắm!
"Chúng tôi đã ký hợp đồng với Nhà máy nước dứa cô đặc tại Nghệ An, có bao nhiêu sản phẩm họ tiêu thụ hết bấy nhiêu. Chúng tôi đang đề xuất với lãnh đạo nhà máy nếu diện tích cây chanh leo được mở rộng ra hàng trăm ha thì nhà máy phải tổ chức sơ chế tại địa phương để đỡ công vận chuyển về xuôi", ông Vi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết.
Ngồi trên xe, ông Trần Quốc Thành, Bí thư Huyện uỷ Quế Phong phấn khởi: Tôi đi xem mô hình trồng chanh leo tại một số tỉnh, có nhiều nơi đầu tư khá giống nhau nhưng mỗi năm chanh leo chỉ ra được một lứa lại thưa quả nên năng suất thấp. Ở Tri Lễ có lẽ khí hậu mát mẻ lại không hề bị ảnh hưởng của gió Lào nên phù hợp với giống cây này. Quan sát trên từng cành cho thấy ngay cả khi quả ra lứa đầu chín, trên cành vẫn đơm hoa, kết trái nên sẽ hứa hẹn cho năng suất cao bất ngờ (17-18 tấn/ha). Sản phẩm quả chanh leo để được lâu tới hàng chục ngày, lại rất dễ tiêu thụ.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/83729/Default.aspx