Bulog vừa quyết định nhập khẩu 700 ngàn tấn gạo từ Việt Nam và lượng gạo này sẽ được giao vào đầu năm 2012. Với lượng gạo mới nhập khẩu bổ sung này, tổng lượng gạo mà Indonesia đặt hàng từ Việt Nam trong năm nay đã lên tới 1,2 triệu tấn. Các nhà chức trách Indonesia cho biết Việt Nam đã chào hàng 300 ngàn tấn gạo, giao trong tháng 3 – 4/2012 nhưng hiện nước này chưa quyết định về lượng gạo này. Hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn giao 500 tấn gạo đã thỏa thuận giao dịch từ trước. Ban đầu, lượng 500 ngàn tấn gạo này dự kiến sẽ hoàn thành giao hàng vào tháng 10 nhưng đến nay, Indonesia – Việt Nam thông báo thời hạn giao hàng sẽ được nới rộng đến tháng 11 – 12/2011.
Indonesia, sau khi bị chính phủ đương nhiệm Thái đơn phương hủy hợp đồng giao 300 ngàn tấn gạo mà chính phủ tiền nhiệm nước này thỏa thuận, đã loại các nhà cung cấp Thái khỏi danh sách đàm phán lần này. Hiện Indonesia cũng đang chú ý đến nguồn cung gạo từ Ấn Độ.
Quay trở lại với diễn biến tại thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất châu Á, sớm nay, một nhà chức trách Philippines vừa công bố con số lúa bị thiệt hại bởi hai cỡn bão mạnh vừa qua tăng gấp hai lần so với ước tính ban đầu. Ban đầu, các nhà chức trách nước này công bố con số thiệt hại là 450 ngàn tấn lúa; nay con số đã lên đến 760 ngàn tấn. Một nhà chức trách khác cho biết nước này vẫn đủ lượng gạo dự trữ và có thể đợi đến tháng 1/2012 mới nhập khẩu gạo trở lại.
Theo thông tin từ các nhà chức trách, Philippines có lượng gạo dự trữ đủ cho tiêu dùng trong vòng 2 tháng và vẫn kỳ vọng có thể thu hoạch lúa từ các vùng trồng khác để bổ sung vào kho dự trữ lúa gạo quốc gia.
Trước những thiệt hại đáng kể gây ra bởi hai cơn bão mạnh, chính phủ Philippines đang khuyến khích nông dân nước này gieo trồng lúa trở lại nhanh chóng. Nếu hoạt động gieo trồng mới được đẩy mạnh thì diện tích trồng lúa bị thiệt hại bởi hai cơn bão có thể khôi phục vào tuần thứ 2 của tháng 10 và có thể thu hoạch vào cuối tháng 2/2012.
Trong khi các nhà cung cấp Việt Nam bận rộn với đơn hàng từ Indonesia, các chính trị gia Thái Lan vẫn đang tranh cãi về chương trình thu mua gạo của chính phủ nước này với giá 480 USD/tấn, bắt đầu từ ngày mai.
Theo một khảo sát tiến hành với 67 nhà kinh tế hàng đầu tại Thái Lan do đại học Bangkok thực hiện, 82% số nhà kinh tế được hỏi cho biết toàn bộ chương trình này là một dạng tham nhũng và 86% cho rằng chính các nhà xay xát và doanh nghiệp trữ gạo, thay vì nông dân, mới là thành phần hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này. Khoảng 57% nhà kinh tế cho rằng giá gạo toàn cầu sẽ giảm xuống thấp hơn mức giá mà chính phủ nước này dự định sẽ chi trả cho nông dân.
Trong những diễn biến giá mới nhất, cả Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan đều giữ nguyên giá chào; trong khi đó, Việt Nam tăng giá chào với gạo Việt 5% lên mức khoảng 580 USD/tấn (FOB), thu hẹp chênh lệch giá với gạo Thái xuống còn khoảng 10 USD/tấn.
Kim Dung - AGROINFO
Theo Oryza