Dọc trên các con đường của huyện Con Cuông (Nghệ An), nhiều hộ dân chất từng đống chè búp tươi bên đường, mòn mỏi chờ người đến thu mua. Người trồng chè đang đứng trước tình trạng được mùa, nhưng méo mặt, tình cảnh hết sức khó khăn.
|
Người dân Con Cuông bên đống chè vừa thu hái đợi chờ tư thương
|
Anh Nguyễn Văn Biểu ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông than thở: “Gia đình chúng tôi trồng gần 2ha chè, nhưng hiện nay họ chỉ thu mua được 1/3 số lượng chè đã hái, thậm chí nhiều ngày liền xí nghiệp chè ngừng thu mua dẫn đến không biết bán cho ai. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hái 4 lứa, được gần 6 tấn chè búp tươi. Giá đầu năm 3.000 đồng/kg (chè loại C), hiện tại tư thương mua giá chỉ 2.500 đồng/kg, có khi còn bị ép thấp hơn, nhưng đành chấp nhận”.
Nhiều hộ trồng chè nơi đây còn bức xúc trước việc xí nghiệp nợ tiền mua búp chè lâu khiến dân gặp nhiều khó khăn trong việc tái sản xuất. Trước tình trạng bị bỏ rơi, hàng trăm hộ dân trồng chè huyện Con Cuông chỉ còn cách phải bán rẻ cho tư thương số lượng chè còn lại. Trong khi đó, huyện đang vận động bà con mở rộng diện tích trồng chè, nhằm đưa cây chè của huyện trở thành cây thế mạnh, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp bà con nông dân làm giàu.
Là địa phương có diện tích chè khá lớn nhưng do xí nghiệp chè không thu mua hết sản phẩm, nên người trồng chè chán nản, ít quan tâm đầu tư, cũng như mở rộng diện tích. Hiện đang là thời điểm thu hoạch đại trà chè búp tươi, song nông dân vùng chè Con Cuông vẫn phải bán cho tư thương là chủ yếu. Điều đó khó tránh khỏi việc tư thương ép giá nông dân, nhất là lúc thu hoạch rộ.
Theo tìm hiểu thì hiện tại ở các thôn, bản trồng nhiều chè, Xí nghiệp chè Con Cuông chỉ thu mua được 1/3 số lượng chè đã hái, thậm chí nhiều ngày liền Xí nghiệp chè Con Cuông ngừng thu mua. Đứng trước tình trạng đó, nông dân chỉ còn cách phải bán rẻ cho tư thương, với giá chỉ 2.400 đồng/kg, có khi bị ép giá xuống 1.800đồng/kg (chè loại C), còn nếu được Xí nghiệp mua thì giá tới 3.100đồng/kg (chè loại C).
Là một xí nghiệp nhỏ, lại vừa mới tách ra từ Xí nghiệp chè Nông trường Bãi Phủ (từ tháng 4/2011), theo đó Xí nghiệp chè Con Cuông chịu trách nhiệm thu mua trên diện tích 300ha chè ở 13 thôn bản đóng trên địa bàn huyện Con Cuông. Cứ từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, viêc mua chè búp tươi ở đây thường bị ứ đọng. Bởi thời điểm này, lượng chè búp tươi của dân thu hoạch rất nhiều, mà năng lực mọi mặt của xi nghiệp lại có hạn.
|
Không chỉ người trồng chè Con Cuông đang bí đầu ra mà ở vùng chè huyện Anh Sơn (Nghệ An) cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Sở dĩ có tình trạng trên, theo ông Nguyễn Cảnh Tuấn – Phó giám đốc Xí nghiệp chè Con Cuông, xí nghiệp và dân chưa đồng lòng trong việc tiêu thụ chè búp tươi. Bởi xí nghiệp không thể đi trực tiếp đến tận từng nhà dân để thu mua chè búp tươi mà đề nghị dân chở đến nơi nhập. Vì đường sá đi lại để nhập chè quá xa nên dân chán nản, trong khi đó xí nghiệp lại chưa có đầy đủ phương tiện ô tô đi thu mua. Hơn thế nữa, khi mua chè, xí nghiệp không trả tiền ngay mà sau 1 tháng mới thanh toán nên dân càng chán nản.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/84754/Che-Nghe-An-bi-dau-ra.aspx