Duy trì thói quen ăn cơm đồng nghĩa với giữ gìn văn hoá dân tộc, theo đó, đất lúa không thể mất đi cùng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thói quen ăn uống đang dần thay đổi
Anh Nguyễn Hà Dũng ở khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cứ mỗi cuối tuần anh lại đưa vợ con đi thưởng thức các món ăn nhanh. Trẻ con thì ăn gà rán, người lớn ăn các món Tây. Anh Dũng cho rằng: “Ăn cơm mãi cũng chán, nên thay đổi món ăn cho “có không khí”.
Có thể nhận thấy, các món ẩm thực “ngoại”, nhất là từ các nước phương Tây, đang du nhập vào nước ra rất mạnh mẽ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Các gia đình người Việt cũng dần thay đổi thói quen ăn uống, thay vì dùng “bữa cơm gia đình”, họ đôi khi chuyển sang dùng đồ ăn nhanh.
|
Thức ăn nhanh làm thay đổi thói quen ăn uống của người dân đô thị
|
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà kinh tế nông nghiệp châu Á (ASAE), ông Choe Yangboo, cho biết: “Người tiêu dùng châu Á đang có xu hướng chuộng các món ăn phong cách phương Tây, với nhu cầu lớn về thịt, do đó nhiều quốc gia châu Á sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn các thực phẩm khác để thay thế cho gạo. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro đối với nền nông nghiệp châu Á, cũng như sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, trong khi gạo được xem là một nông sản chính yếu, đảm bảo an ninh lương thực. Bởi gạo không những là nhu yếu phẩm mà còn thể hiện văn hóa, phong cách của nhiều quốc gia trong khu vực”. Hầu hết người Việt đều công nhận rằng, các bữa ăn gia đình thường mang lại rất nhiều lợi ích về tài chính, sức khỏe, thể chất và tinh thần cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lượng calo từ gạo chỉ chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu năng lượng của con người. Hiện chỉ có ở Việt Nam và Bangladesh, gạo còn giữ được vị trí quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Chính sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng này đã làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp của nhiều nước châu Á và sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp tại châu lục này.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đóng góp của nông nghiệp vào GDP toàn cầu đang giảm nhanh và vai trò của lúa gạo cũng đã thay đổi. Hiện lúa gạo chỉ chiếm 0,2% GDP toàn cầu, và thậm chí ngay cả ở các nước châu Á, nơi được coi là “vựa lúa” của thế giới, thì tỷ trọng GDP của lúa gạo cũng giảm rất mạnh, như ở Đông Nam Á, GDP của lúa gạo rơi từ 14,5% năm 1961 xuống chỉ còn 3,8% năm 2007.
Những mối đe doạ với cây lúa
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính trong 3 năm qua, tại nước ta, tổng diện tích đất chuyên dùng đã tăng lên 104.422ha, dẫn đến một lượng lớn đất nông nghiệp, trong đó có không ít đất trồng lúa đã được chuyển đổi mục đích. Trong đó, không ít đất trồng lúa, trồng hoa màu đã bị lấy để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc phát triển khu đô thị.
Ông Choe Yangboo cảnh báo, những năm gần đây, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ ở châu Á, theo đó, diện tích lớn đất trồng lúa ngày càng giảm do phải “nhường chỗ” cho phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng và đô thị hóa. Xu thế này cũng kéo theo trình trạng lao động trẻ không “mặn mà” với nghề nông. Đa số thanh niên nông thôn đều bỏ cây lúa lên thành phố kiếm tiền, bởi sẽ kiếm tiền dễ hơn. Đây cũng là vấn đề của rất nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nước và an ninh lương thực ngày càng liên quan chặt chẽ với nhau. Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất trên thế giới, trong đó Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thiên tai triền miên khiến người dân mất mùa quanh năm, cùng với đó là lượng lớn đất nông nghiệp bị mất do nước biển dâng. Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB), khi mực nước biển tăng 100cm, 5% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập, làm 11% dân số bị ảnh hưởng và GDP có thể giảm 10%. Điều này có thể chứng mình bằng việc lũ lụt đang hoành hành tại các nước tiểu vùng sông Mekong, trong đó có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, Myamar, Lào… Trong khi Thái Lan và Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.
Cần phát triển thế mạnh cây lúa
Theo các chuyên gia, Việt Nam với tư cách là một nền nông nghiệp đa dạng, có nhiều cơ hội từ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vì lúa gạo chỉ là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Vấn đề là phải hoạch định theo hướng dịch chuyển của nông nghiệp thế giới.
|
Cây lúa đóng vai trò quan trong trong nền nông nghiệp nước ta
|
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng: Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó phải đi theo tín hiệu của nhu cầu. Nền nông nghiệp Việt Nam cũng phải chuyển đổi, hợp với quy luật. Điều quan trọng là phải tạo thu nhập tốt cho người lao động, nhất là nông dân, chứ không phải chỉ sản xuất lúa”.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc phát triển các dự án đào tạo nghề cho nông dân, khi họ phải nhường đất nông nghiệp cho công cuộc công nghiệp hoá. Điều này sẽ duy trì nguồn thu nhập bền vững cho nông nhân, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, cũng như giải quyết những bất ổn khác trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Là đất nước có lợi thế so sánh về nông nghiệp, cùng với sức lao động và tài nguyên, Việt Nam cần chuẩn bị cho một chiến lược mới về nông nghiệp trong bối cảnh dịch chuyển của thị trường nông sản thế giới. Đất lúa bị thu hẹp đồng nghĩa với việc phải đẩy mạnh sản lượng và chất lượng sản sẩm nông nghiệp.
Các chuyên gia cũng khẳng định, an ninh lương thực phải xét trên hai khía cạnh: Đảm bảo đủ lương thực và đảm bảo cho người dân có đủ tiền để mua lương thực. Vì vậy, ở khía cạnh mới, an ninh lương thực là còn phải đảm bảo thu nhập cho người nghèo.
Theo ông Choe Yangboo, văn hoá lúa nước là đặc trưng chỉ có ở các quốc gia châu Á. Tăng trưởng, bên cạnh việc chuyển đổi, vẫn phải duy trì văn hoá “ăn cơm” của mỗi gia đình. Người dân ở các đô thị lớn thực sự phải coi trọng lúa gạo; còn với bà con nông dân, phải tạo cho họ công ăn việc làm, thu nhập mang tính bền vững, đi cùng những chính sách hợp lý đối với nông nghiệp./.
Theo VOVonline