Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế

11/01/2012

Những năm qua, Chính phủ đã tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn thấp do đây là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro…. Giải pháp để đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp đang là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp hiện nay.

Đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng
Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2011 của ngành Nông nghiệp mới đây, theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, hiện nay, đầu tư cho nông nghiệp của nước ta vẫn còn rất thấp. Tỉ lệ đầu tư cho nông nghiệp trong tổng vốn đầu tư xã hội những năm qua còn ít. Cụ thể, vào năm 2000, cách đây hơn 10 năm đầu tư cho nông nghiệp là 13,85%, đến năm 2005 thì tỉ trọng này là 7,50%năm, năm 2008 tỉ trọng này là hạ xuống còn 6,45% và 2009, đầu tư cho nông nghiệp chỉ còn 6,26% tổng đầu tư cho xã hội. Trong năm 2011, tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Đầu tư cho nông nghiệp cứ giảm dần, giảm dần theo từng năm trong khi đó, đóng góp cho GDP hàng năm của ngành này luôn ở mức khoảng 20%.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua cũng ở mức thấp, cụ thể trong vòng 10 năm (2000 - 2010) đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,3% FDI cả nước. Đây là mức quá thấp so với tiềm năng của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, năm vừa qua, đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 3% FDI cả nước. Dự kiến, năm 2012, vốn đầu tư cho nông nghiệp có tăng nhưng cũng chỉ đáp ứng 50 - 60% nhu cầu.
Nguyên nhân của thực trạng này, cũng theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng là do nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực rủi ro nhiều và phụ thuộc nhiều vào đất đai trong khi quỹ đất còn ít.
Không chỉ vốn đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn mà ngay cả việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn rất khó khăn vì khu vực này yếu về cơ sở hạ tầng, về dịch vụ, thiếu lao động có tay nghề cao, quản lý tốt... Tỉ trọng đầu tư vào nông nghiệp thấp, trong khi ngành này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng năm bình quân từ 3-4%/năm. Như vậy, nghĩa là đầu tư vào nông nghiệp đang giảm sút khiến chất lượng hạ tầng ngành nông nghiệp đi xuống… Nếu muốn thu hút đầu tư, tạo biến chuyển lớn trong đầu tư về nông nghiệp, nông thôn cần phải có chính sách đột phá nhiều hơn nữa.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam chính là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, cần phải khắc phục nhược điểm này, để làm sao có thể tập trung đất nông nghiệp thành một diện tích lớn và thời gian có quyền sử dụng đất dài hơn khoảng trên 50-100 năm… Cùng với đó, cần tạo các chính sách phù hợp giúp ngành nông nghiệp gia tăng giá trị xuất khẩu, có như vậy, mới thúc đẩy thu hút được đầu tư vào lĩnh vực này nhiều hơn.
Tăng cường các giải pháp để thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia, triển khai đầu tư cho nông nghiệp đang đứng trước cơ hội mới. Rất nhiều nước đang phát triển tăng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp trong nước và đầu tư phát triển nông nghiệp bên ngoài quốc gia.
Theo TS Đặng Kim Sơn, dự báo trong vòng 30 - 50 năm nữa, giá nông sản thế giới tiếp tục tăng. Điều đó khiến nông nghiệp trở thành lĩnh vực đầu tư có thể rất hiệu quả trong tương lai. Đây là hiện tượng 300 năm qua không hề có. Hiện nay, rất nhiều tổ chức xuyên quốc gia bắt đầu coi nông nghiệp là một ngành đầu tư có lợi, đang tính đến việc mua đất, thuê đất, hợp tác quốc tế… để đầu tư phát triển nông nghiệp bên ngoài quốc gia.
TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng: Việt Nam được đánh giá là một nước có lợi thế đặc biệt để phát triển nông nghiệp, nếu chúng ta nắm được cơ hội này, thay đổi cơ chế chính sách kịp thời, tiến hành nghiên cứu và có chính sách vận động đầu tư hợp lý, thì sẽ có thể thay đổi được tình hình phát triển nông nghiệp, tiến tới thay đổi kết cấu kinh tế của nước ta. TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, nông nghiệp có thể sẽ là hướng mới để đất nước chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiến vào công nghiệp hóa một cách vững bền.
Lịch sử cho thấy ngành nông nghiệp có đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước. Mỗi khi đất nước khó khăn, nông nghiệp luôn là đòn bẩy, là cứu hộ cho toàn bộ nền kinh tế về xuất khẩu, giảm nhập siêu, tạo việc làm… Vì vậy, việc tăng cường đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. 
Theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển lâu dài ngành nông nghiệp phải khuyến khích đầu tư, tạo nên nguồn lực lớn vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để làm được điều này cần triển khai các biện pháp đồng bộ như: Vay vốn để đầu tư cho nông nghiệp được hưởng lãi suất thấp hơn, thủ tục cởi mở hơn, học hỏi những kinh nghiệm, những mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, vinh danh những nông dân chân chính đã làm giàu trên chính quê hương họ, mảnh đất họ đã đầu tư…
Cùng với đó, đầu tư vào nông nghiệp trong tình hình hiện nay là phải đầu tư theo hướng đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm; tích cực đầu tư và sản xuất các sản phẩm sạch, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế... có như vậy, mới tạo được sự bền vững trong phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, cần có sự kết hợp mạnh mẽ giữa đầu tư của Nhà nước với công tác vận động, kêu gọi đầu tư để nâng tổng mức đầu tư xã hội vào lĩnh vực này để góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=500464


Tin khác