Đưa cánh đồng mẫu lớn ra miền Bắc: Dễ hay khó?

06/02/2012

Được phát động từ tháng 3/2011 tại TP.Cần Thơ, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã nhanh chóng trở thành phong trào rầm rộ khắp miền Nam. Năm nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) dự kiến đưa mô hình này triển khai thí điểm tại 4 tỉnh miền Bắc với tổng diện tích 1.500ha.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn có thành công ở miền Bắc?
Miền Nam thành công rực rỡ
Chưa đầy 1 năm triển khai, đến nay mô hình cánh đồng mẫu lớn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nông dân tại các tỉnh, thành phía Nam bởi hiệu quả của nó. Nếu như vụ hè thu 2011, diện tích thực hiện cánh đồng mẫu lớn tại 12/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Ninh đạt 7.803/8.370ha, bằng 93,22% kế hoạch, với 6.400 hộ nông dân tham gia thì đến vụ đông xuân 2011-2012, mô hình đã lan ra 8/8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, đưa tổng diện tích lên tới gần 19.000ha.
Theo đánh giá của nông dân, hiệu quả mà mô hình này mang lại cực kỳ lớn, từ việc giảm giá thành, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cho đến tăng lợi nhuận. Cụ thể, tại Trà Vinh, địa phương có số diện tích cũng như nông dân tham gia mô hình đông nhất, thấy năng suất vụ hè thu đạt 7,23 tấn/ha, lợi nhuận 26-27 triệu đồng/ha, tăng 7-7,5 triệu đồng so với bình thường; giá thành sản xuất giảm từ 500-600 đồng/kg và đặc biệt số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,5-2 lần/vụ...
Từ đây, mô hình đã hình thành những mối liên kết giữa nông dân với nông dân hay giữa nông dân với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau, từ cung ứng giống lúa (Trung tâm Giống tỉnh Tây Ninh, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang), cung ứng phân bón (Công ty Phân bón Bình Điền) hoặc thuốc bảo vệ thực vật (Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Bayer), thu mua lúa của Công ty cổ phần GenTraco đến liên kết khép kín với doanh nghiệp từ cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào đến thu mua lúa gạo đầu ra (Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang)...
Việc triển khai mô hình này thành công dễ dàng là bởi đặc điểm đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi, nông dân sớm tiếp thu và hình thành tư duy sản xuất hàng hóa và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất. Nhất là lại có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nên đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nông dân.
Miền Bắc có dễ thực hiện?
Trong năm nay, Cục Trồng trọt sẽ thí điểm thực hiện cánh đồng mẫu lớn tại 4 tỉnh, thành phía Bắc là Hà Nội, Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa trên 2 vụ đông xuân và mùa với tổng diện tích lên tới 1.500ha. Theo đó, quy mô diện tích tối thiểu phải đạt 50ha, có hệ thống giao thông, thủy lợi thuận lợi; nông dân tự nguyện tham gia và được bảo đảm quyền lợi, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như gieo cấy 1-2 giống, 100% diện tích phải sử dụng giống cấp xác nhận, nguyên chủng; gieo cấy cùng trà đồng loạt trong khung thời vụ phù hợp; khuyến khích tối đa gieo thẳng; bón phân cân đối; cơ giới hóa 100% khâu làm đất, tuốt lúa; có sự tham gia của doanh nghiệp trong cung ứng vật tư và tiêu thụ.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo sở ngành ở miền Bắc đều cho rằng, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ không dễ dàng như miền Nam. Lý do đầu tiên phải kể đến là đồng ruộng ở miền Bắc vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, mặc dù việc dồn điền đổi thửa đã được tiến hành từ nhiều năm nay nhưng kết quả đạt được rất thấp, do đó chưa áp dụng được quy trình sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn GAP. Việc ghi chép nhật ký sản xuất là một yêu cầu quan trọng nhưng chưa được nông dân quan tâm đúng mức; trong khi đó, thị trường lúa gạo phía Bắc chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước hoặc xuất khẩu tiểu ngạch; vai trò của doanh nghiệp kinh doanh lương thực trên thị trường lúa gạo còn hạn chế.
Ông Ngọc cho rằng, mặc dù có khó khăn song cũng nên nhìn nhận những mặt tích cực của việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại miền Bắc, đó là miền Bắc được kế thừa nhiều kinh nghiệm về tổ chức, triển khai tại phía Nam, trong khi chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; nhiều nơi, các HTX nông nghiệp hoạt động tốt, cung cấp nhiều dịch vụ có hiệu quả cho nông dân. Hệ thống giao thông, thủy lợi đã được đầu tư tương đối tốt; nhiều nơi phong trào dồn điền đổi thửa đang được đẩy mạnh. Nông dân cần cù, có kinh nghiệm thâm canh, luôn muốn áp dụng cái mới vào sản xuất...
Để đạt được kết quả cao nhất, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đồng thời có hướng dẫn thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên lúa và một số cây trồng khác ở các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, yêu cầu mỗi doanh nghiệp đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn ở miền Nam chịu trách nhiệm phối hợp với các tỉnh phía Bắc xây dựng mỗi tỉnh 1- 2 mô hình trong vụ xuân 2012.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/2/32493.html


Tin khác