Theo dự tính, vụ đông xuân sẽ dôi ra khoảng 3,5 triệu tấn gạo hàng hoá cần được tiêu thụ, nhưng theo ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tiêu thụ hết lúa gạo trong vụ này là rất khó. Ngay từ bây giờ VFA đã tính đến phương án mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giúp nông dân bán hết lúa, giữ cho giá không giảm.
Sáu tháng đầu năm, ông Trương Thanh Phong cho rằng chắc chắn gạo Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Xuất khẩu trở lại từ tháng 10 năm ngoái, cho tới nay, Ấn Độ đã xuất 7 triệu tấn gạo, gồm gạo thơm, gạo đồ và gạo trắng. Con số bán ra cao hơn 2 triệu tấn so với thông tin Ấn Độ công bố dịp cuối năm vừa rồi. Xuất số lượng lớn, giá gạo của Ấn Độ lại ở mức thấp, khiến gạo Việt Nam và Thái Lan bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam không vào được thị trường gạo châu Phi và Bangladesh khi các quốc gia này chọn mua gạo cấp thấp từ Ấn Độ hoặc Pakistan, với giá khoảng 340 USD/tấn.
|
Các giống lúa cho gạo chất lượng cao phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu có nhiều cơ hội tiêu thụ hơn các giống lúa cho gạo phẩm cấp thấp.
|
Thưa ông, việc mất thị trường châu Phi hay Trung Đông có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thụ lúa đông xuân của bà con nông dân?
Chúng ta có thể mất thị trường gạo cấp thấp ở châu Phi, Bangladesh nhưng sẽ tăng lượng gạo cấp cao và cấp trung bình vào châu Á và các thị trường khác.
Theo ông, khả năng xuất khẩu của vụ đông xuân thế nào?
Hiện nay, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo giao tháng 1.2012 là 280.000 tấn, giảm 42% về lượng và 37% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hợp đồng còn lại khoảng 1 triệu tấn. Nếu không tính tồn kho của năm ngoái chuyển qua thì chúng ta có 1,2 triệu tấn gạo xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm. Trong khi đó, theo đánh giá tình hình sản xuất lúa vụ đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi nhận thấy năm nay nông dân sản xuất vượt kế hoạch diện tích, nên có thể dư ra khoảng 3 – 3,5 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Vừa qua, hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng dự kiến và báo cáo với các bộ ngành và Chính phủ là năm 2012 Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,5 – 7 triệu tấn gạo, trong đó điều hành sáu tháng đầu năm ở mức 3,5 triệu tấn. Với diễn biến tình hình hiện nay, tôi cho rằng việc xuất hết 2,3 triệu tấn chưa có hợp đồng của vụ đông xuân này là rất khó.
Vậy VFA đã có phương án như thế nào để tiêu thụ hết lúa đông xuân cho bà con nông dân?
Trọng điểm thu hoạch lúa đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 15.3 đến hết tháng với sản lượng khoảng hơn 1 triệu tấn gạo hàng hoá. Nhu cầu bán lúa ngay để trang trải chi phí của bà con nông dân là rất lớn. Ngay từ bây giờ phải tính đến phương án mua dự trữ lại. Hướng xử lý hiện nay là VFA sẽ dựa trên giá thành sản xuất lúa đã được bộ Tài chính công bố để mua bảo hiểm giá lúa khô tại kho ở mức tối thiểu 5.000 đồng/kg cho bà con nông dân. Mức giá này đã được hiệp hội tính toán đầy đủ mức lãi 30%, cộng với chi phí trượt giá và phí vận chuyển đến kho. Qua kiểm tra, giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang dao động từ 5.500 – 5.700 đồng/kg, nếu đến ngày 15.3 tới đây mà tình hình thị trường xuất khẩu bị chậm, ảnh hưởng đến giá lúa trong nước thì VFA sẽ cho triển khai các doanh nghiệp mua 1 triệu tấn gạo để trữ trong thời hạn ba tháng. VFA cam kết không để giá lúa rớt xuống dưới 5.000 đồng/kg.
Ông có thể cho biết triển vọng sáu tháng cuối năm?
Theo tôi, từ tháng 6 trở đi, thị trường nhập khẩu sẽ sôi động trở lại do Indonesia, Malaysia sẽ mua gạo. Năm nay về cơ bản Indonesia chưa tự cung đủ lương thực nên việc họ sẽ mua lại là điều chắc chắn. Riêng Philippines, theo nhiều nguồn tin thì họ cũng nhập số lượng lớn chứ không phải chỉ có 500.000 tấn như đã công bố. Ngoài ra, đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta đã thành lập đoàn xúc tiến thương mại và thành lập câu lạc bộ các nhà doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Việt Nam và Trung Quốc. Mấy năm trước, Trung Quốc nhập khẩu gạo với khối lượng rất lớn, nhưng chỉ mua gạo cấp cao từ Thái Lan và Mỹ. Trước đây, gạo cấp cao của Việt Nam còn ít, nhưng vài năm gần đây sản lượng đã tăng đáng kể, chất lượng và giá tốt hơn nên họ quay sang mua của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là những tín hiệu thuận lợi cho xuất khẩu gạo các tháng cuối năm.
|
Ông Trương Thanh Phong |
Lúa chất lượng cao sẽ được mua toàn bộ ngay khi thu hoạch
Theo ông Trương Thanh Phong: năm nay bà con nông dân cấy giống lúa cấp thấp (IR 50404) quá nhiều, khoảng 50 – 60% diện tích, có tỉnh lên đến 70%. Do không thể cạnh tranh được với gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan nên chắc chắn, việc tiêu thụ lúa cấp thấp sẽ diễn ra chậm. Đối với lúa chất lượng cao (sản xuất gạo thơm, 5%, 10% và 15% tấm) doanh nghiệp sẽ triển khai mua toàn bộ ngay khi thu hoạch.
|
Theo Sài Gòn tiếp thị