Để thắng trong XK gạo: Hướng tới phẩm cấp cao

13/03/2012

Từ nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, Việt Nam bị tụt hạng xuống thứ tư (sau Thái Lan, Ấn Độ và Myanmar). Điều này cho thấy xuất khẩu gạo của nước ta đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Trao đổi với Kinh tế nông thôn xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích (ảnh) cho rằng:

Chuyên gia lúa gạo Nguyễn Đình Bích (Ảnh: AGROINFO)
Dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo trong năm 2012 sẽ giảm do thế giới được mùa, trong khi lượng gạo dự trữ từ năm 2011 của các nước nhập khẩu còn tương đối nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc giá gạo trên thế giới sẽ có biến động và tác động rất lớn tới tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Hiện, Ấn Độ đã vượt qua Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Niên vụ này, Ấn Độ dự báo tiếp tục được mùa trong khi lượng gạo tồn kho cao kỷ lục nên tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn. Thời gian gần đây, Việt Nam bị đẩy xuống vị trí thứ tư. Thực tế này đang đặt ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn.
Vậy có dấu hiệu khả quan nào cho xuất khẩu gạo của Việt Nam không, thưa ông?
Vấn đề sẽ được cải thiện trong thời gian tới bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, tiến độ xuất khẩu của ta sang châu Phi rất khả quan; thứ hai, Philippines, bạn hàng nhập khẩu lớn của ta sắp trở lại thị trường bởi mùa mưa bão đang đến gần, khi ấy rõ ràng gạo phẩm cấp thấp (25% tấm) của chúng ta sẽ có thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Điều đáng nói là, trong khi Philippines tuyên bố trong năm 2012 chỉ nhập khẩu 500.000 tấn thì Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ lại dự báo, Philippines phải nhập tới 1,5 triệu tấn, còn FAO đưa ra con số 1,2 triệu tấn. Như vậy có thể thấy, việc đưa ra mức nhập khẩu 500.000 tấn chỉ là chiến thuật của Philippines nhằm đạt được giá mua mềm nhất. Năm 2011, họ đã thành công với cách làm này.
Xuất khẩu gạo đang bị tụt hạng, liệu chúng ta có thể cạnh tranh được với gạo của Ấn Độ và Myanmar không, thưa ông?
Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cạnh tranh được bởi 3 lý do. Thứ nhất, nếu giá xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Ấn Độ hoặc Myanmar thì đương nhiên, doanh nghiệp của ta sẽ cạnh tranh được do giảm chi phí vận tải; thứ hai, chúng ta có uy tín trong xuất khẩu gạo; thứ ba, chúng ta là bạn hàng truyền thống, trong điều kiện khó khăn chắc chắn họ sẽ không thể bỏ được.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng hoạt động xuất khẩu gạo phẩm cấp cao của Việt Nam thời gian tới?
Thực tế những năm qua thấy xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Phải nhìn nhận rằng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Dự báo trong năm 2012, nhiều nước nhập khẩu lớn gia tăng đầu tư để phát triển sản xuất lúa nhằm giảm khối lượng nhập khẩu. Nếu điều này thành hiện thực thì đương nhiên cơ cấu gạo xuất khẩu sẽ phải thay đổi theo hướng tăng gạo phẩm cấp cao. Chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bám sát nhu cầu này.
Nếu chúng ta hướng tới loại gạo phẩm cấp cao thì liệu có cạnh tranh được với Thái Lan, thưa ông?
Mỗi nước có 1 bạn hàng riêng, ví dụ gạo thơm của Việt Nam và Thái Lan đều xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc), mặc dù chất lượng gạo của ta thấp hơn nhưng bù lại giá cả cạnh tranh tốt. Vì thế, chúng ta không nên lo ngại về chất lượng mà có thể cạnh tranh về giá cả. Hiện, thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp cao rất đa dạng ở cả châu Phi, châu Á và châu Âu. Cùng một mặt hàng nhưng sẽ có những nhóm tiêu dùng khác nhau, còn tùy thuộc vào thu nhập của từng tầng lớp dân cư, song dù gì vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để có thể cạnh tranh có nhiều việc phải làm, trước hết doanh nghiệp phải liên kết với nông dân; nông dân phải sản xuất gạo theo quy trình canh tác kỹ thuật an toàn, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có xuất xứ, giá cả cạnh tranh... Chỉ như vậy gạo Việt Nam mới có thể thâm nhập vào bất cứ thị trường nào trên thế giới.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, sai lầm của Việt Nam trong xuất khẩu gạo chính là theo đuổi giá của Thái Lan. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Tôi đồng tình với nhận định đó bởi thời gian qua, giá gạo Việt Nam đã đẩy tới mức đỉnh điểm tháng 11/2011, song từ tháng 12 lại bị kéo xuống, thậm chí những ngày qua, giá gạo được chào bán ở mức thấp kỷ lục cùng với đó khối lượng xuất khẩu cũng giảm. Rõ ràng ở đây có tác động về giá cả, giá tăng đương nhiên các bạn hàng chuyển sang thị trường khác khiến tiến độ xuất khẩu của chúng ta giảm, đồng nghĩa với việc lượng tồn kho tăng lên. Trong bối cảnh năm 2012 được dự báo là giá gạo giảm, khi xuất khẩu một khối lượng lớn thì thua thiệt về giá cũng sẽ tăng lên.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác