Theo Bộ NN&PTNT, khủng hoảng kinh tế ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt tình trạng nợ công châu Âu sẽ gây rất nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong năm 2012. Bên cạnh một số mặt hàng có dự báo khả quan về tốc độ tăng trưởng như thủy sản, lâm sản thì không ít mặt hàng chủ lực như gạo, cao su, hồ tiêu được nhận định có khả năng sụt giảm mạnh về giá trị kim ngạch.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 3 ước đạt 2,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu quý I lên gần 5,9 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính đạt 3,2 tỷ USD, giảm 14%; thuỷ sản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9,1%; lâm sản đạt 922 triệu USD, tăng 5,9% so với quý I năm 2011.
Gạo là mặt hàng nông sản chủ lực, chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao, nhưng trong 3 tháng đầu năm ước đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 681 triệu USD, giảm 32,1% về lượng và 29,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ước tháng 3 xuất khẩu gạo đạt 600 ngàn tấn, kim ngạch đạt 315 triệu USD. Mặc dù áp lực cạnh tranh từ nhà xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan đã giảm nhờ vào chính sách đảm bảo giá mua cao cho nông dân của nước này, tuy nhiên, gạo Việt Nam vẫn còn các đối thủ xuất khẩu gạo chất lượng trung bình khác là Ấn Độ, Mianma và Pakixtan, giá gạo của Việt Nam đang cao hơn của các nước này. Giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ (2,8%) so với cùng kỳ năm 2011, giá xuất khẩu bình quân 2 tháng đạt 520 USD/tấn. Tuy có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng Inđônêxia vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất, chiếm 1/3 lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng khối lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ bằng 2/3 cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng đáng chú ý trong xuất khẩu gạo năm nay là nhóm thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan. Gạo thơm của Việt Nam đã dần chiếm lĩnh được lòng tin của nhóm thị trường này, với tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng cà phê giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Ước xuất khẩu tháng 3 đạt 190 ngàn tấn với trị giá 387 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu quý I/2012 lên 504 ngàn tấn và giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng và 14,3% về giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung euro có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu thụ cà phê bị sụt giảm. Mặc dù vậy, theo đà tăng giá của các mặt hàng nông sản khác, giá cà phê xuất khẩu cũng tăng nhẹ (2,3% so với cùng kỳ năm trước). Giá xuất khẩu bình quân 2 tháng đang ở mức 2.039 USD/tấn. Bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường châu Âu, cà phê lại được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới, tăng trưởng vượt bậc được ghi nhận ở Inđônêxia (gấp 9 lần), Angiêri và Mêhicô (gấp gần 4 lần).
Sản phẩm cao su Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, tuy có tăng về lượng nhưng lại giảm mạnh về giá trị. Xuất khẩu cao su đang lâm vào tình trạng ảm đạm do khủng hoảng kinh tế khiến giá cao su sụt giảm mạnh, hơn nữa thị trường chính tiêu thụ cao su của Việt Nam là Trung Quốc đang có một lượng tồn kho lớn. Giá cao su bình quân 2 tháng chỉ bằng 62,9% giá cùng kỳ năm 2011. Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 3 ước đạt 70 ngàn tấn và thu về 196 triệu USD. Quý I/2012, xuất khẩu cao su ước đạt 228 ngàn tấn về lượng với trị giá 640 triệu USD; tăng 40,6% về lượng nhưng giá trị lại giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Trái với một số mặt hàng nông sản chính, mặt hàng chè là một trong các mặt hàng được đánh giá có tình hình tiêu thụ tương đối ổn định. Ước xuất khẩu chè tháng 3 đạt 9 ngàn tấn với kim ngạch đạt 13 triệu USD, đưa tổng lượng chè xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 29 ngàn tấn, kim ngạch đạt 41 triệu USD, tăng cả về lượng (14,5%) và giá trị (16,9%) so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù Pakixtan vẫn là bạn hàng lớn của Việt Nam nhưng xuất khẩu chè sang nước này có sự sụt giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường có sự tăng trưởng đáng ghi nhận là Inđônêxia (gấp 3 lần), Arập Xêút (gấp gần 2,5 lần), Ba Lan (tăng hơn 40%), Hoa Kỳ (tăng 30%). Nhìn chung, tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam 2012 vẫn khả quan, giá xuất khẩu bình quân 2 tháng đạt 1.425 USD/tấn, giảm nhẹ với cùng kỳ năm 2011.
Sản phẩm điều của Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định, tuy nhiên có sự sụt giảm đáng kể ở hầu hết các thị trường lớn, ngoại trừ Trung Quốc, Các Tiểu Vương Quốc Arập thống nhất và Thái Lan. Tháng 3, xuất khẩu điều ước đạt 10 ngàn tấn với giá trị 72 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu quý I/2012 ở mức 31 ngàn tấn với trị giá 222 triệu USD, tăng cả về lượng (6,6%) và về kim ngạch (8,5%) so với cùng kỳ năm 2011. Giá xuất khẩu tăng nhẹ (1,9%) so với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu trung bình 2 tháng đạt 7.179 USD/tấn.
Đối với sản phẩm tiêu, xuất khẩu tháng 3 ước đạt 12 ngàn tấn, kim ngạch đạt 82 triệu USD, đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 3 tháng lên 24 ngàn tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu 164 triệu USD, giảm 7,5% về lượng nhưng vẫn tăng 29,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh, giá bình quân 2 tháng đầu năm đạt 6.816 USD/tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi, tăng trưởng ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ Hoa Kỳ (giảm 36,3% về lượng và 0,7% về giá trị) và Nhật Bản (giảm 9,14% về lượng nhưng giá trị vẫn tăng 50,6%).
Bên cạnh số mặt hàng có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm 2011, cũng trong tháng quý I năm 2012, bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn có những gam màu sáng. Điển hình là hai lĩnh vực lâm sản và thủy sản xuất khẩu tiếp tục được ghi nhận có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, tháng 3, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ ước đạt 280 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 922 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 866 triệu USD, tăng 6%; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 50 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 ước đạt 460 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vấp phải những khó khăn trên thị trường EU, nhưng xuất khẩu thuỷ sản vẫn tăng trưởng khá so với các mặt hàng nông sản khác. Bên cạnh sự suy giảm của các thị trường EU như Đức (giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2011), thì thuỷ sản Việt Nam vẫn tiêu thụ khá tốt ở các thị trường Nhật Bản (tăng 22,9%), Hàn Quốc (tăng 23,8%), Mêhicô (tăng 65,9%). Tuy nhiên, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn là một trong những vấn đề đáng quan tâm hơn cả của các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà thuỷ sản Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh.
Như các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2012, nền kinh tế trong nước vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng được dự báo gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là kết quả xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực trong quý I năm 2012, và sự sụt giảm đáng kể sức tiêu thụ tại một số thị trường chính. Bên cạnh đó, trong năm 2012, những biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông, lâm, ngư nghiệp gần như được bãi bỏ hết, hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và đây cũng là thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu các mặt hàng này.
Để xuất khẩu nông sản bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nên đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo các quy định trong khâu sản xuất và chế biến nông, thủy sản... nhằm làm cho sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn, vượt qua các rào cản ngặt nghèo khi vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Hiện, Bộ NN&PTNT đang rà soát và lập quy hoạch mới các vùng nuôi trồng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn VietGap đối với các cơ sở sản xuất với khối lượng xuất lớn. Bộ cũng sẽ thực hiện chương trình giúp các doanh nghiệp củng cố và mở rộng các thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=514327