Thí điểm chi trả phí dịch vụ môi trường rừng: Nông dân, chủ nợ bất đắc dĩ

11/04/2012

Trồng rừng, giữ rừng là trách nhiệm lớn lao của mỗi người để bảo vệ nguồn nước và môi trường sống, đó cũng là mục đích hướng tới của dự án bảo vệ rừng mang tên “Chi trả dịch vụ phí môi trường rừng” (PES) đang được thực hiện thí điểm tại Lâm Đồng và Sơn La. Số tiền chi trả đã giúp người dân làm được nhiều việc ý nghĩa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nhưng để dự án này thành công cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Người trồng rừng vẫn chưa nhận được phí dịch vụ môi trường rừng.
Xây nhà văn hóa từ rừng
Là một trong những địa phương được chọn thực hiện thí điểm mô hình chi trả dịch vụ phí môi trường rừng tại Sơn La, người dân bản Ót Nọi, xã Chiềng Cọ (TP. Sơn La) đã thực sự được hưởng nguồn kinh phí ý nghĩa trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Cả bản có 246,16ha rừng đủ điều kiện chi trả phí dịch vụ môi trường, trong đó có rừng cộng đồng và 52 hộ gia đình được giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng. Nhờ vậy, năm 2009, bản đã được Quỹ bảo vệ phát triển rừng Sơn La chi trả số tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 34 triệu đồng. Sau khi nhận được số tiền này, cả bản đã thống nhất dành tiền để xây dựng một nhà văn hóa khang trang, giúp dân bản có nơi sinh hoạt cộng đồng và trao đổi kinh nghiệm làm ăn.
Ông Quàng Văn An, Trưởng thôn Ót Nọi hồ hởi cho biết: “Trước đây, do chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa của rừng nên vẫn còn nhiều người lén lút vào rừng chặt phá. Nay bảo vệ rừng được trả công nên bà con rất vui, năm 2009 mới được nhận tiền đợt đầu, sắp tới được nhận tiếp 2 đợt của năm 2010 và 2011, chúng tôi sẽ dành để xây trường mầm non, xây kênh mương cho bà con đón nước lên ruộng. Cả bản ai cũng biết ơn rừng, mọi người bảo nhau rằng mình đã nhận tiền từ rừng rồi mà còn chặt phá là có tội nên nhiều năm nay trong bản không còn xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy”.
Không những có tiền xây dựng các công trình công cộng, các hộ dân được giao chăm sóc, bảo vệ rừng còn được Quỹ bảo vệ rừng tỉnh trả riêng số tiền “phí dịch vụ môi trường” là 136.000 đồng/ha/năm, gọi là công “bảo vệ rừng”. Số tiền tuy không lớn nhưng đã góp phần khích lệ bà con bảo vệ rừng để giữ nước cho sông suối, ruộng đồng, một phần phục vụ chính cuộc sống hàng ngày của dân bản, phần khác cung cấp nguồn nước sạch, ổn định cho các nhà máy nước, nhà máy thủy điện trên địa bàn. Bà Cà Thị Chính, người dân bản Ót Nọi cho biết: “Nhà mình nhận giao khoán, bảo vệ 2ha rừng, mình cũng đã nhận được tiền phí chi trả dịch vụ môi trường rừng nên rất vui. Chương trình này không những tạo điều kiện cho bản có tiền để xây dựng các công trình, mà còn có tiền dành làm quỹ trả công cho những người đi tuần tra, bảo vệ rừng. Ở đây ai cũng bảo vệ rừng, không còn phá rừng như trước nữa”.
Ông Quàng Văn Lẻ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ cho biết: “Đối với từng hộ dân thì số tiền thực sự không lớn vì mỗi hộ chỉ nhận được 300.000-400.000 đồng/năm, nhưng đổi lại, do diện tích lớn nên số tiền chi trả cho rừng cộng đồng trong bản khá cao, hàng năm các bản đều có khoản tiền nhất định để xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn. Năm 2009, chúng tôi đã triển khai, quán triệt và nhận được sự đồng thuận cao của bà con trong việc dành “tiền rừng” xây dựng hạ tầng. Trong các đợt nhận tiền tiếp theo, chúng tôi sẽ định hướng các bản dùng tiền đóng góp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai trên địa bàn, góp phần nhân đôi ý nghĩa của nguồn tiền hỗ trợ”. Được biết, năm 2009, các chủ rừng ở Chiềng Cọ đã được nhận306 triệu đồng.
Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, khi tham gia chương trình này, ý thức bảo vệ rừng của người dân cũng không ngừng được nâng lên. Anh Bùi Xuân Mạnh, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm TP. Sơn La, phụ trách địa bàn xã Chiềng Cọ cho biết: “Từ khi thực hiện thí điểm chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức bảo vệ rừng của bà con đã được cải thiện. Họ mạnh dạn hơn trong việc tố giác sai phạm, góp phần cùng lực lượng kiểm lâm kịp thời nắm bắt tình hình và ngăn chặn các hành vi chặt phá, xâm hại đến rừng. Điều quan trọng hơn là họ đã được nhận và sử dụng những đồng tiền từ công bảo vệ rừng nên cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn, không còn ai có tư tưởng phá rừng nữa, vậy nên công tác bảo vệ rừng nhiều năm gần đây đã có chuyển biến tích cực”.
Nhờ bảo vệ rừng, đời sống người dân bản Ót Nọi đang đổi thay từng ngày.
Cần đồng bộ, kịp thời hơn
Tuy đem lại nhiều thành công nhưng việc thực hiện dự án cũng tồn tại nhiều bất cập khi một số cơ quan, đơn vị tỏ ra chây ỳ, chậm nộp tiền, khiến số tiền chi trả còn chậm.
Sơn La là một trong những tỉnh có nhiều thế mạnh về rừng với tổng diện tích đất lâm nghiệp 934.039ha (chiếm 66% diện tích tự nhiên của tỉnh). Trong đó, đất có rừng 708.722ha, tỷ lệ che phủ 50%, rừng phòng hộ 44,9%, rừng đặc dụng 6,7%, rừng sản xuất 48,4%. Lẽ ra với tiềm năng vốn có của mình, Sơn La sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cho người dân. Thế nhưng, trên thực tế, đến nay người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa nhận được số tiền từ chương trình trên. Ông Lẻ cho biết: “Mặc dù đã hoàn thiện hồ sơ gửi lên các cấp, nhưng đến nay chúng tôi mới chỉ nhận được số tiền chi trả của năm 2009, còn từ năm 2010 đến nay thì chưa có tiền chi trả cho người dân theo đúng kế hoạch. Mỗi lần tiếp xúc cử tri và họp Hội đồng nhân dân xã, bà con cũng chất vấn và hỏi chúng tôi về số tiền này. Đây không những là chương trình ý nghĩa mà còn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với bà con nên ai cũng quan tâm, đón nhận nhưng việc trả tiền chậm cũng khiến chương trình mất đi nhiều ý nghĩa”.
Ông Tòng Văn Pùa, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Păm (Mường La – Sơn La) cho biết: “Nậm Păm cũng được chọn là một trong những xã thực hiện thí điểm chi trả phí dịch vụ môi trường rừng của tỉnh, nhưng đến nay chúng tôi mới nhận được 60% số tiền của năm 2009 là 282.831.312 đồng, còn hai năm 2010 và 2011 thì chưa thấy đâu. Hiện, hồ sơ đã được chúng tôi hoàn tất chuyển lên các cấp, chúng tôi sẽ chi trả cho người dân sau khi nhận được tiền của chương trình”. 
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Lương Thái Hùng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết: “Đến tháng 12/2011 tỉnh mới nhận được nguồn tiền từ ngân sách Trung ương rót về cho công tác rà soát rừng. Đến thời điểm này, Công ty Trường Thành, chủ đầu tư thủy điện Suối Sập vẫn còn nợ quỹ 2,2 tỉ đồng từ chương trình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 380 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác triển khai thu tiền trong các năm 2011 và 2012 gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị chậm nộp tiền theo quy định, nhưng chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động họ có ý thức trả nợ, vậy nên khi họ chậm nộp tiền thì cũng đồng nghĩa với việc quỹ chậm chi trả cho người dân”.
Chương trình thí điểm PES tại Lâm Đồng đã nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan và hiện nay các nhà máy thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh đang chi trả khoảng 55 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 hộ dân bảo vệ rừng được hưởng thu nhập bình quân từ 8,1 - 8,7 triệu đồng/năm, cao gấp ba lần so với thu nhập nhận khoán trước đây để bảo vệ hơn 203.000ha rừng. Nhiều hộ dân làm đơn xin được nhận khoán thêm diện tích rừng để bảo vệ, phát triển. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã giảm đáng kể. Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, đến nay Quỹ đã ký hợp đồng với 768 hộ gia đình với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng để bảo vệ 35.000ha rừng.
Cũng theo ông Hùng, dự kiến trong các năm 2011 và năm 2012 quỹ sẽ thu phí dịch vụ môi trường tại 25 cơ sở sản xuất trên địa bàn (trong đó năm 2011 là 16 cơ sở, với tổng sản lượng điện phát ra 384 triệu kWh; năm 2012 dự kiến hoàn thành phát điện thêm 9 cơ sở với tổng lượng điện phát ra cả năm là 800 triệu kWh). Số cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 1 cơ sở, sản lượng nước 18,12 triệu mét khối (trong đó năm 2011 là 9,02 triệu mét khối, năm 2012 là 9,1 triệu mét khối). Do vậy, tổng số tiền các cơ sở sản xuất điện, sản xuất và cung cấp nước sạch dự kiến chi trả dịch vụ môi trường rừng hai năm 2011và 2012 là trên 285 tỷ đồng. Thế nhưng, việc vận động các đơn vị thực hiện nộp tiền đúng hạn đang gặp nhiều khó khăn, đến nay, chỉ có Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La luôn đóng kịp thời các loại phí dịch vụ trên, còn hầu hết các đơn vị khác đều chậm chi trả, thường là năm sau mới hoàn thành các khoản phí của năm trước.
Chính việc chậm nộp khoản phí trên đã biến người dân trở thành chủ nợ bất đắc dĩ, trong đó con nợ lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hồng Lượng, Phó giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết, đến nay EVN vẫn còn nợ gần 550 tỉ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2011. Điều đáng nói, số tiền này các đơn vị sản xuất của EVN đã thu của người sử dụng điện và được tính vào giá thành với mức 20 đồng/kWh. Họ chỉ thu hộ rồi đóng vào quỹ theo ủy thác của chủ rừng nên phải có nghĩa vụ nộp số tiền này.
Thế nhưng EVN lại luôn đưa ra điệp khúc “phí dịch vụ môi trường rừng chưa được tính vào giá điện” nhằm trì hoãn thanh toán. Vậy 20 đồng/kWh điện mà người dùng điện cả nước đã đóng góp sòng phẳng cho EVN trong năm 2011 đã đi đâu? Phải chăng EVN đang áp dụng chính sách trì hoãn nhằm chiếm dụng vốn của người dân nghèo sống phụ thuộc vào rừng?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch thu chi của Quỹ Bảo vệ và Phát triển môi trường rừng năm 2012. Theo đó, tổng số tiền thực thu của quỹ gần 501 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng; trong đó nguồn thu từ các công trình thuỷ điện là hơn 484 tỷ đồng, từ các cơ sở sản xuất nước sạch gần 13 tỷ đồng. Số tiền chi cho các địa phương là 99,5%, tương đương 499,4 tỷ đồng; quỹ trung ương giữ 0,5%. Số tiền chuyển cho các địa phương sẽ được tiến hành chi trả cho các chủ rừng.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2012/4/33473.html


Tin khác