Nông dân lãi hay không: Lụy thương lái!

19/04/2012

Nghịch lý: Nói dân có lãi nhưng dân than lỗ, doanh nghiệp thì được lợi phần lãi suất vay 0% còn thương lái thì tự định đoạt giá cả.

Trước thông tin nông dân vẫn bán lúa ở mức dưới 5.000 đồng/kg, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nói: “Theo khảo sát của VFA, đến nay doanh nghiệp (DN) đã thu mua tạm trữ gần 700.000 tấn gạo với mức giá trên 5.000 đồng/kg. Còn khoảng 300.000 tấn gạo nữa dự kiến sẽ mua hết với giá thậm chí cao hơn vì hiện nay tình hình thị trường đã nhập khẩu trở lại, giá xuất tăng và nhiều hợp đồng đã và sắp ký. Yêu cầu đặt ra là DN phải thu mua tạm trữ tại kho của DN đó, để Hiệp hội, Ủy ban giám sát chương trình có thể quản lý DN có mua, có tạm trữ thật sự không, giá đúng không và để kiểm soát được trữ lượng gạo chính xác. Vì vậy, tôi chắc chắn không có chuyện DN mua lúa nông dân dưới mức giá 5.000 đồng/kg”.
Giá mua 5.000 đồng/kg lúa là đã đảm bảo có lãi
Thưa ông, hiện nông dân đều bán lúa qua thương lái phải chịu bán thấp dưới mức giá sàn thì làm sao họ lãi 30% như dự tính được?
Ông Phạm Văn Bảy: Theo chương trình, giá trên 5.000 đồng/kg là giá mua tại kho DN, DN tự đề xuất mua mức giá này. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất vụ lúa đông xuân năm nay ở mức 3.357 đồng/kg, cộng với việc bảo đảm nông dân có lãi trên 30% như Chính phủ quy định, mức giá bán ra sẽ là 4.323 đồng/kg. Tuy nhiên, để trừ hao thêm, VFA quyết định mua từ 5.000 đồng/kg trở lên nhằm góp phần giữ ổn định giá thị trường và đảm bảo người trồng lúa thực sự có lãi trên 30%. Ý đồ VFA đề xuất mức giá 5.000 đồng/kg là cũng đề phòng việc thương lái thu mua giá thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó, thương lái có mua cũng chỉ thấp 200-300 đồng là cùng. (Trong khi nông dân và địa phương phản ánh ngoài chi phí sản xuất thông thường, nông dân phải chịu nhiều áp lực giá công cắt, rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh… - NV)
DN mua mức này sẽ kéo được giá nội địa lên, có lợi cho nông dân. Nếu mà giá thị trường tăng lên 6.000 đồng/kg thì DN cũng mua mức 6.000 đồng/kg. Hiện nay giá lúa đang ở mức 5.200 đồng/kg thì thương lái cũng chỉ “ăn” lợi nhuận quanh mức 200 đồng/kg mà thôi. Thực tế vẫn có nông dân đem gạo đến bán tại kho cho DN với mức giá trên 5.000 đồng/kg nhưng không nhiều, còn phần lớn nông dân bán qua thương lái. Nếu nông dân có bán mức giá quá thấp có thể do lý do thời tiết mưa nhiều, chất lượng gạo giảm nên mới bán chỉ được giá như vậy.
Anh Huỳnh Văn Đởm, ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, Hậu Giang: “hai tấn lúa IR50404 của tui không biết có đầu ra hay không”.
Thương lái lộng hành
Nhưng thưa ông, hiện nhiều nông dân bán lúa giá thấp, huề vốn hoặc lỗ nặng, khi ấy nông dân phải chịu sao? Trách nhiệm thu mua của DN ở đâu?
+ Cái này không thể trách DN được, vì DN không thể xuống ruộng thu mua trực tiếp lúa, gạo từ nông dân, cũng không thể có phương tiện đến mua gom lúa. Bà con mình thì không mặn mà việc chuyển lúa đến bán cho DN. Họ thường bán qua thương lái theo cách đã có từ lâu đời nay. DN chỉ mua gạo từ thương lái chứ không thể bắt thương lái mua giá này, giá kia theo đúng chương trình thu mua tạm trữ để nông dân có lãi được. Việc bà con bán cho thương lái, thương lái vận chuyển, bốc xếp, kiếm lợi nhuận như thế nào thì chỉ thương lái tính toán. Thương lái có mua thấp để bán với giá hời cho DN nhằm thu lãi cao thì DN cũng không thể biết được. Tôi không nghĩ nông dân bị ép giá trong thời điểm này. Bởi DN vẫn có nhu cầu nhập vào nhiều, hợp đồng cũng đã nhiều, cầu tốt thì cung cũng tốt.
Vậy còn chuyện thương lái chỉ mua lúa ướt không mua lúa khô, nông dân bán không được gạo cấp thấp vì thương lái chỉ mua gạo cấp cao, VFA có biết chuyện này không?
+ Biết chứ! Nhưng giờ nhu cầu thị trường cần loại đó thì làm sao yêu cầu thương lái mua loại này, không mua loại kia được. DN không có quyền lực nào để “quản lý” bảo thương lái làm cái này, cái kia cho mình được. Thương lái thì họ thấy nhu cầu nào cao, cái nào có lợi thì họ mua, họ làm thôi.
Nhưng thương lái bán cho DN, nghĩa là DN chỉ cần nhu cầu mua lúa ướt, gạo cao cấp, gạo thơm chứ không mua lúa khô, gạo cấp thấp như mục đích của chương trình?
Thương lái họ thu mua nhiều nơi, bán không chỉ cho DN mà phân phối thị trường trong nước, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, bán lại cho thương lái nước ngoài nên khó mà kiểm soát. VFA đã chỉ đạo DN thu mua tạm trữ đủ các loại gạo chứ không hề có chuyện nhập nhiều loại này loại kia. Gạo cấp cao, gạo thơm quả là đang có sức hút từ các thị trường lớn nhưng nhu cầu gạo cấp thấp vẫn nhiều, DN vẫn nhập lượng lớn.
DN bất lực trong thu mua?
Chương trình thu mua tạm trữ “trả công” quyền lợi cho DN với lãi suất vay vốn 0%, vậy tại sao DN lại không cho người trực tiếp thu mua mà phải qua thương lái? Hay DN chiết khấu bao nhiêu phần trăm hoa hồng cho thương lái đi thu mua?
+ DN không có trích phần trăm hoa hồng nào cả và chiết khấu phần trămđể thương lái thu mua hộ thì càng không. Thương lái bán tại kho, DN mua theo giá thị trường vậy thôi. Còn việc DN cho người trực tiếp thu mua “thay chân” thương lái là không thể được. DN không có đủ nhân công đâu mà đảm nhận việc thu mua. Giả sử DN có tổ chức bộ phận này cũng phải lên đến hàng chục ngàn người, hết mùa vụ thì bộ phận này làm gì? Thương lái thì có cả triệu người trên cả nước, nếu cho đội ngũ này vô công ty làm việc thu mua thì nguyên tiền đóng bảo hiểm cũng chịu chẳng thấu…
Như vậy việc thu mua, tạm trữ qua DN đâu phát huy hiệu quả, sao không hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân?
+ Việc này, Chính phủ cũng đã bàn nhưng không có lối ra. Không thể xé nhỏ vốn cho từng hộ nông dân, rồi tính lãi suất. Chính phủ không làm được mới giao cho DN. Chính phủ hỗ trợ việc thu mua tạm trữ thì DN mới không “nhát tay” khi thu mua tạm trữ, DN mạnh dạn mua, trữ nhiều kéo được giá lúa lên cao, khi đó có bán qua thương lái, người nông dân cũng đảm bảo có lãi.
Sắp tới, VFA có đề xuất thu mua tạm trữ tiếp không?
+ Vừa rồi, Bộ NN&PTNT cũng nhắc VFA tiếp tục đề xuất tạm trữ khoảng 1,5 triệu tấn gạo sau đợt 1 này nhưng VFA quyết định sẽ không thu mua tạm trữ nữa. Nhiều người nghĩ VFA đang có “món hời” sao không nhận để thu mua tạm trữ tiếp. DN xuất khẩu hiện nay đều có thể tự vay vốn, trả lãi suất bình thường, vay USD lãi có 5% và hiện nay tình hình thị trường đang chuyển biến tốt, nhiều hợp đồng đã ký, lượng gạo cần cho xuất khẩu quý II tăng mạnh. Vì vậy, VFA sẽ thu mua theo thị trường, chắc chắn giá lúa sẽ lên chứ không có chuyện giảm. Còn gạo cấp thấp, DN sẽ tiêu thụ, mua hết cho nông dân, tốc độ sẽ chậm hơn gạo cấp cao nhưng bà con yên tâm, không sợ bán không được.
Xin cảm ơn ông.
TS VÕ HÙNG DŨNG, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ:
“Chủ trương mua tạm trữ là đúng đắn. Nhưng khi thực hiện, thực tế cho thấy giá lúa gạo có tăng nhưng chỉ theo thời điểm nhất định. Cần hiểu và thực hiện đúng khái niệm tạm trữ chứ không khéo đây chỉ là tạm trữ kiểu hình thức, cũng không nên hiểu việc thu mua tạm trữ là một kiểu ban ơn.
Chính phủ nên tăng lượng mua tạm trữ có thể lên 2 triệu tấn gạo và thời gian tạm trữ kéo dài hơn, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thu mua, quá trình tạm trữ và đảm bảo sử dụng vốn vay có ưu đãi đúng mục đích.”
Ông NGUYỄN THÀNH BIÊN, Thứ trưởng Bộ Công Thương:
“Việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mua tạm trữ như vậy là tốt cho người dân. Tuy nhiên, do có nhiều thông tin khác nhau nên tôi chưa nói gì được, có thể phải bàn thêm với VFA để xem tình hình thế nào.”
 
Theo Phapluattp      

Tin khác