Tên đề tài: Nghiên cứu thực trạng kinh tế xã hội, đề xuất cơ chế chính sách liên kết hợp tác sản xuất – kinh doanh trong điều kiện đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế (trường hợp huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh)
CNĐT: TS. Tạ Quốc Tuấn
1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát:
Đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết hợp tác sản xuất – kinh doanh hàng nông sản vùng nông thôn ven đô trong điều kiện đô thị hóa và hội nhập kinh tế thế giới.
Mục tiêu cụ thể:
- Đánh giá hiện trạng các chính sách, cơ chế liên kết hợp tác sản xuất – kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh;
- Đánh giá thực trạng liên kết hợp tác sản xuất-kinh doanh giữa các nông hộ và giữa nông hộ với các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông sản và chính quyền địa phương ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện đô thị hóa và hội nhập kinh tế thế giới;
- Đề xuất các giải pháp chính sách thúc đẩy liên kết hợp tác sản xuất – kinh doanh phù hợp với xu thế đô thị hóa, phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ven đô và xu thế hội nhập kinh tế thế giới.
2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: thu thập các tài liệu, số liệu sẵn có liên quan nội dung nghiên cứu của đề tài
- Phương pháp phỏng vấn:
- Phương pháp chuyên gia
- Phương pháp xử lý số liệu: SPSS, Excel.
- Phương pháp phân tích: phương pháp thống kê mô tả và phân tích định tính.
3. Nội dung nghiên cứu
- Tổng hợp và đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Củ Chi, xác định những khó khăn, trở ngại và những lợi thế của địa phương trong quá trình đô thị hóa;
- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc sử dụng nguồn lực trong nông hộ (đất đai, lao động, vốn, trang thiết bị, phương tiện) và những yếu tố ảnh hưởng tới việc ra quyết định của hộ;
- Xác định và phân tích, đánh giá các mối liên kết của hộ nông dân trong tiến trình đô thị hóa, bao gồm liên kết hộ với hộ và liên kết hộ với thành thị;
- Phân tích, đánh giá một số mô hình điển hình về liên kết của hộ nông dân và xem xét các mối liên kết đó với thành thị trong quá trình đô thị hóa.
- Phân tích, đánh giá vai trò các tổ chức của nông dân (các HTX, tổ hợp tác/ tổ sản xuất, hội nông dân, hội phụ nữ, ...) trong việc thúc đẩy các mối liên kết;
- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các mối liên kết của hộ nông dân phù hợp với xu thế đô thị hóa.
4. Kết quả nghiên cứu
Về tình hình thực hiện chủ trương chuyển đổi
- Nhìn chung, sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang dịch chuyển phù hợp với chủ trương chung của địa phương. Nhưng sự chuyển đổi theo hướng tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa có sự hướng dẫn và chưa có một kế hoạch đồng bộ cho việc chuyển đổi nên hiệu quả chuyển đổi chưa cao.
- Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ việc chuyển đổi còn rất hạn chế nên chưa có được động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Về thực trạng nông hộ
- Số nhân khẩu bình quân là 5, số người trong độ tuổi lao động 3,1/ hộ. Tuổi trung bình của chủ hộ khá cao và trình độ văn hóa của chủ hộ thấp, trung bình lớp 6.
- Quy mô diện tích đất canh tác không lớn, trung bình gần 4.600 m2/ hộ, tỷ lệ hộ có từ hai mảnh cao, làm đất đai manh mún. Số hộ không có đất canh tác nhiều (chiếm 27%). Tình trạng mua bán đất, thuê và cho thuê đất đất diễn ra khá phổ biến. Thanh niên nông thôn có xu hướng thoát ly nông nghiệp, lao động nông nghiệp ngày càng thiếu và có xu hướng già hóa.
- Cơ cấu hộ có sự thay đổi rõ rệt, hộ nông nghiệp giảm đáng kể, hộ phi nông và hộ tổng hợp tăng, chiếm trên 80%. Số nhân khẩu trong các hộ nông nghiệp có xu hướng giảm so với hộ phi nông nghiệp và hộ tổng hợp. Tiềm năng thu nhập của hộ lớn nhất là hộ tổng hợp trên 400 triệu/ hộ/ năm, kế đến là hộ phi nông nghiệp, hộ thuần nông có thu nhập thấp nhất.
Đối với các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm
- Tùy loại sản phẩm mà nảy sinh nhiều hình thức liên kết khác nhau (liên kết ngang hộ - hộ trong việc thuê và cho thuê đất trồng rau; liên kết dọc; liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh và phát triển vường kiểng) trong các hoạt động sản xuất và tiêu thụ. Nhìn chung, các liên kết ngang giữa hộ - hộ trong sản xuất hầu như còn rất yếu, phần lớn các liên kết này hình thành dưới tác động và hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền các cấp thông qua các hình thức tổ chức của nông dân, đơn giản nhất là Tổ hợp tác và cao hơn là HTX.
Đề nghị
- Do tiến độ chuyển đổi chậm so với kế hoạch, đặc biệt trên đất lúa kém hiệu quả. Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch và tiến độ chuyển đổi một cách đồng bộ và hiệu quả.
- Hỗ trợ việc xây dựng các mô hình liên kết điển hình, theo hướng sản xuất cây con có giá trị cao phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi.