Tên đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm chè của Việt Nam”
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phùng Giang Hải
1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu chính: Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm chè của Việt Nam
Mục tiêu cụ thể:
- Xác định những chuỗi giá trị chính trong phân phối chè của Việt Nam;
- Xác định giá trị gia tăng của từng khâu trong các chuỗi giá trị chủ yếu;
- Xác định những hạn chế trong từng khâu hạn chế việc tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm chè của Việt Nam;
- Đề xuất các giải pháp chính sách nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm chè chủ yếu của Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu đặt ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tổng quan các chính sách liên quan đến việc nâng cao GTGT cho sản phẩm chè của Việt Nam, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế liên quan đến nâng cao GTGT cho nông sản nói chung và sản phẩm chè nói riêng của các nước sản xuất chè lớn trên thế giới như Ấn Độ, Kenya, Đài Loan, Trung Quốc… để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong phạm vi giới hạn của Đề tài, Nhóm nghiên cứu đã chọn 3 tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và Lâm Đồng để tiến hành các khảo sát thực địa các nhóm người trồng chè, doanh nghiệp chế biến, người thu gom, bán buôn, bán lẻ, người tiêu dùng chè và phỏng vấn, trao đổi, toạ đàm với các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh.
3. Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm của các nước về tăng GTGT cho sản phẩm nông nghiệp
Nghiên cứu tổng quan ngành hàng chè Việt Nam và thế giới
Nghiên cứu thực trạng về GTGT của các chuỗi chính trong ngành hàng chè của Việt Nam
Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao GTGT cho ngành hàng chè của Việt Nam
4. Kết quả đạt được
Phân tích về cơ sở lý luận cho thấy: GTGT là kết quả của doanh thu trừ đi chi phí trung gian của sản phẩm. Do đó để nâng cao GTGT cho sản phẩm chè có 2 kiểu đó là dựa trên loại hình tối thiểu hóa chi phí hay tối đa hóa doanh thu. Tùy vào từng trường hợp cụ thể của quá trình sản xuất và chế biến chè, tùy theo từng giai đoạn sản xuất hay tình hình thị trường mà người sản xuất sẽ quyết định lựa chọn hình thức nào cho phù hợp.
Ngành chè Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng kể gia tăng vượt bậc về sản lượng và cải thiện không ngừng về chất lượng cũng như mẫu mã, thương hiệu sản phẩm, góp phần củng cố sinh kế cho trên dưới 6 triệu nông dân tại các vùng trồng chè trong cả nước. Cây chè đã ngày càng khẳng định vị thế của một cây trồng quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp
Trong xu thế phát triển mới, ngành chè Việt Nam cũng đã đẩy mạnh công tác đầu tư từ cây giống đến kĩ thuật sản xuất và công nghệ chế biến nhằm gia tăng năng suất, chất lượng chè và qua đó tăng giá trị sản phẩm chè cả trong nước và quốc tế. Các vùng trồng chè tập trung tối thiểu cũng đã có khoảng 30% diện tích được thay thế bằng các giống chè mới (nhiều nơi tỷ lệ này đạt tới 60%) và bắt đầu cung ứng những loại chè có chất lượng cao.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ nhưng hiện tại ngành chè vẫn còn đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn và bất lợi.Việc năng suất chè của Việt Nam hiện đã vượt lên ngang với nhóm các nước dẫn đầu về sản xuất chè trên thế giới nhưng giá trị khi bán sản phẩm lại mới chỉ bằng khoảng 2/3 giá chè của các nước này cho thấy chất lượng chè Việt Nam vẫn cần phải cải thiện nhiều, đặc biệt là về vấn đề VSATTP cũng như các khâu marketing cho sản phẩm.
Đề xuất giải pháp:
- Tái cơ cấu hệ thống đầu mối xuất khẩu
- Kiểm soát thị trường các yếu tố sản xuất
- Hỗ trợ các cơ sở, các nhà máy chế biến chè theo tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn hóa hệ thống cơ sở chế biến
- Tổ chức sản xuất chè
- Quy hoạch vùng nguyên liệu chè ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu chè có chất lượng cao, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
- Giải pháp chính sách tăng GTGT chuỗi sản phẩm chè đen
- Giải pháp chính sách tăng GTGT chuỗi sản phẩm chè xanh
- Giải pháp chính sách tăng GTGT chuỗi sản phẩm chè Ô Long