Bình Định tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía

28/08/2012

Theo Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO), bắt đầu từ vụ ép 2012-2013, đơn vị sẽ nâng công suất từ 3.500 tấn lên 5.000 tấn nguyên liệu mía/ngày. Thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực phát triển vùng nguyên liệu nhưng do nhiều nguyên nhân, công tác này gặp khá nhiều khó khăn…

Nông dân xã Bình Thành (Tây Sơn) chăm sóc mía.
Khó cạnh tranh
Theo ông Phan Lâm Tường, Phó giám đốc BISUCO, thời gian gần đây, việc phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt của các loại cây trồng khác. Hiện, diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đạt 8.500ha; trong đó, gần 6.000ha ở Gia Lai; gần 2.700ha ở Bình Định (thấp hơn kế hoạch khoảng 300ha).
UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quyết định cho phép BISUCO nâng công suất ép từ 3.500 tấn lên 5.000 tấn nguyên liệu/ngày. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, từ nay đến năm 2020, kế hoạch của BISUCO là phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh Bình Định lên 6.000ha, riêng trong năm nay phấn đấu đạt 3.000ha. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là nhiều địa phương trước đây có diện tích mía khá lớn nay có nguy cơ thu hẹp dần như: Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, thị xã An Nhơn.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định cho biết: "Một trong những nguyên nhân khiến việc mở rộng vùng nguyên liệu mía gặp nhiều khó khăn là do chính sách khuyến khích người trồng và giá thu mua nguyên liệu của BISUCO tuy đã có điều chỉnh nhưng vẫn chưa thu hút được nông dân tham gia. Hiệu quả đầu tư và lợi nhuận của cây mía trên một đơn vị diện tích không thể cạnh tranh được với những cây trồng khác như đậu phộng (lạc), mì (sắn), bắp (ngô) lai… Đa số diện tích trồng mía của tỉnh ở địa bàn đất gò, đồi nên chưa có điều kiện thâm canh cao, lại manh mún, không thuận lợi cho việc cơ giới hóa, dẫn đến năng suất, sản lượng mía còn thấp…".
Ông Trần Văn Ba ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) cho biết: "Trồng mía khá vất vả, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thu nhập thấp và không ổn định. Vụ mía vừa rồi tôi làm 1,2ha, thu được 40 tấn, trừ chi phí, chỉ lãi 15 triệu đồng, năm nay tôi cho thuê đất trồng dưa hấu".
Theo tính toán của nông dân, trồng 1ha mì chi phí đầu tư không quá 10 triệu đồng, năng suất bình quân 30 tấn củ, với giá bán 1.600-1.800 đồng/kg, thu 48-55 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng. Trong khi trồng mía, chi phí đầu tư trên 25 triệu đồng/ha nhưng thu nhập cũng chỉ đạt 45-50 triệu đồng/ha, lãi 10-15 triệu đồng. Với giá xăng dầu, phân bón, công lao động tăng cao như hiện nay, thu nhập từ cây mía thua xa các loại cây trồng cạn khác. Vì vậy, nông dân không còn mặn mà với cây mía.
Vực dậy vùng nguyên liệu mía
Ông Tường cho biết: "BISUCO quyết định nâng vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lên 80 tỷ đồng, nhằm mở rộng diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh lên 3.000ha trong năm nay và tiếp tục mở rộng lên 6.000ha đến năm 2020".
Đối với người trồng mía, BISUCO sẽ tăng định mức đầu tư và chăm sóc mía gốc. Theo đó, đối với diện tích mía trồng mới, nếu nông dân cam kết sản xuất đạt năng suất từ 55 tấn/ha trở lên, đơn vị đầu tư 20 triệu đồng/ha không tính lãi suất và khi bà con cung cấp đủ sản lượng theo hợp đồng thì được thưởng trực tiếp 2 triệu đồng bằng cách khấu trừ vào tiền đầu tư đã nhận. Đối với diện tích mía chăm sóc, nếu đạt năng suất 50 tấn/ha, đơn vị đầu tư 10 triệu đồng/ha không tính lãi suất và khi cung cấp đủ sản lượng theo hợp đồng thì được thưởng 1 triệu đồng.
Trong vụ ép tới, Công ty cũng sẽ nâng mức giá bảo hiểm thu mua mía nguyên liệu lên 750.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, BISUCO đang tăng cường nhập các giống mía mới của Ấn Độ, Thái Lan, Mêhicô… để thay thế giống mía cũ đã thoái hóa, năng suất thấp. Các giống mía mới đã được trồng khảo nghiệm tại các vùng nguyên liệu mía trong tỉnh, có tiềm năng năng suất cao, có thể đạt 120-150 tấn/ha như R579, R570, K88-65, K88-92… BISUCO cũng đã đầu tư kinh phí để mua thêm phương tiện cơ giới hóa khâu làm đất; đồng thời cải tiến kỹ thuật trồng mía, thâm canh để tăng thu nhập cho nông dân.
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo BISUCO về phát triển vùng nguyên liệu mía thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã yêu cầu lãnh đạo Công ty phải tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu mía. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập Ban chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu mía tại các địa phương trong tỉnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tập trung mở rộng diện tích mía. Bên cạnh đó, BISUCO cần tập trung đầu tư du nhập, khảo nghiệm các giống mía mới; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, nâng cao năng suất mía… UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để giúp doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động trong thời gian tới.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác