Thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp: Nông dân chưa mặn mà

29/08/2012

“Thủ tục, quy trình còn rườm rà, nhiều nội dung chưa sát thực tế, mức phí bảo hiểm cao khiến cho nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp...”.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn Nông dân quốc gia với chủ đề “Nông dân với bảo hiểm nông nghiệp”. Diễn đàn do T.Ư Hội NDVN và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức ngày 27.8 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nguyễn Duy Lượng.
Bảo hiểm né “rủi ro”?
Thí điểm bảo hiểm (BH) nông nghiệp tại 20 tỉnh, thành theo Quyết định số 315/2011 của Thủ tướng Chính phủ mới chính thức thực hiện 8 tháng nay trên cây lúa, vật nuôi và thuỷ sản. Tuy nhiên, cả 3 loại đối tượng BH này đều xuất hiện những bất hợp lý.
Với nhiều người nuôi lợn, mức phí bảo hiểm 300.000 đồng/con là quá cao.
 
Theo Thông tư 47 của Bộ NNPTNT, trong chăn nuôi chỉ BH khi bị dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm, bệnh tai xanh; đối với cây lúa thì BH bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen... “Phạm vi rủi ro được BH quá đơn điệu khiến nông dân (ND) không mặn mà tham gia. Phạm vi rủi ro này đã được Bộ NNPTNT kịp thời điều chỉnh bằng Thông tư 43 ra đời cách đây vài hôm...” - ông Đỗ Viết Trí (Sở NNPTNT Nghệ An) chia sẻ.
Liên quan đến BH với cây lúa, ông Đậu Xuân Quỳnh- Chủ tịch Hội ND xã Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bày tỏ: “Theo quy định, diện tích lúa được BH phải tập trung ít nhất là 5ha và chỉ chi trả khi bị thiệt hại hơn 20% tính trên năng suất bình quân của địa phương. Bà con không đồng ý với cách tính chi trả bình quân chung. Ví dụ, 3 hộ cùng tham gia BH, trong đó có 1 hộ mất trắng, 1 hộ mất 1/2, 1 hộ mất 1/3 nhưng khi nhận BH lại cùng 1 mức chi trả...”. Tại diễn đàn, có đại biểu đã thổ lộ: “Bà con bảo, lúa nhà mình mất rồi chỉ mong lúa nhà hàng xóm cũng mất theo thì mới nhận được BH”.
Phí bảo hiểm quá cao
Theo nhiều đại biểu, bên cạnh thủ tục thực hiện BH nông nghiệp còn rườm rà, thì với nhiều hộ ND, mức phí BH cũng khá cao. Ông Trần Văn Khoa - Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “1 con trâu, bò mức phí khoảng 600.000 đồng/năm, lợn thịt khoảng 300.000 đồng/con.
Hiện nay, người nuôi lợn đang lỗ nặng thì ít ai dám mua BH với mức phí cao như vậy...”. Với cây lúa, ông Hoàng Xuân Sảng - Chủ tịch Hội ND xã Nguyên Xá (Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ: “Trồng lúa tính chặt chẽ ra thì không có lãi. Ấy thế mà phí BH tới 90.000 đồng/sào. Nghe chủ trương về BH nông nghiệp thì ND hào hứng, còn khi thực hiện họ lại thờ ơ”.
Cũng chính vì mức phí BH quá cao so với lợi nhuận trong nông nghiệp, nên khi thực hiện thí điểm đối tượng tham gia chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, bởi 2 đối tượng này được nhà nước hỗ trợ 80-100% phí. Theo lời của đại biểu đến từ Sở NNPTNT Vĩnh Phúc, địa phương vào cuộc quyết liệt lắm cũng chỉ mới có 5 hộ ND khá tham gia BH chăn nuôi trong năm 2012, còn sang năm 2013 thì chưa chắc họ có tham gia nữa hay không?
“Những kiến nghị, đề xuất của đại biểu tại diễn đàn sẽ được T.Ư Hội NDVN, IPAD tập hợp và chuyển cho Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính để làm căn cứ điều chỉnh, bổ sung chính sách BH nông nghiệp...”.- Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng
Ở góc độ khác, ông Triệu Văn Thống- Chủ tịch Hội ND xã Tân Hùng (Tiểu Cần, Trà Vinh) cho rằng: “BH trong thuỷ sản chỉ có hộ khá giàu mới tham gia được. Hộ nghèo lấy đâu ra vài trăm triệu đồng để đầu tư nuôi cá tra, tôm sú. Mức phí BH tới 47 triệu đồng/1.000m2 ao nuôi nên vận động hoài mà chỉ có 2 hộ khá giàu tham gia BH nuôi cá tra...”. Còn theo ông Sảng thì ở xã ông, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo từ chối tham gia BH, với lý do không thiết thực. ?
Khẳng định chủ trương BH trong nông nghiệp là đúng, các đại biểu đều chung kiến nghị: Nhà nước phải sửa đổi, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế sản xuất. Cụ thể, cần mở rộng đối tượng, phạm vi tham gia BH, giảm mức phí BH hợp lý...
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/101935p1c34/thi-diem-bao-hiem-nong-nghiep-nong-dan-chua-man-ma.htm


Tin khác