Cánh đồng mẫu lớn góp phần xây dựng nông thôn mới

20/09/2012

“Chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là chủ trương lớn của Chính phủ cũng như của tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hàng hóa lớn, tập trung. Làm được như vậy thì mới có thể xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo của Việt Nam, khẳng định thế mạnh trên thị trường thế giới và thu nhập của người nông dân mới được nâng cao...” - ông Dương Nghĩa Quốc - GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp khẳng định.

Ông Quốc cho rằng: “Thực hiện được điều này cũng chính là góp phần cho các địa phương hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Vì theo chủ trương của xây dựng nông thôn mới thì mỗi xã phải có ít nhất một mô hình kinh tế hàng hóa lớn. Và để nâng cao đời sống của người dân thì không có cách nào khác là phải xây dựng và phát triển các CĐML có sự liên kết đầu tư và tiêu thụ với doanh nghiệp”.
Trong vụ Đông Xuân 2011-2012, Đồng Tháp có 4.749ha thực hiện mô hình CĐML (sản xuất theo hướng hiện đại), vụ Hè Thu là 6.600ha, còn vụ Thu đông có trên 5.700ha được thực hiện ở 3 huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Lấp Vò. Bên cạnh việc nâng cao sản xuất các địa phương đã tích cực thực hiện việc liên kết giữa DN – HTX – nông dân về tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp. Trong vụ Hè thu đã liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa cho nông dân với 3 đơn vị doanh nghiệp được trên 15.000 tấn lúa hàng hóa. Còn ở vụ Thu đông, hiện đã có 2 HTX ký hợp đồng liên kết tiêu thụ trên 800ha lúa với công ty Võ Thị Thu Hà, Công ty thuốc BVTV An Giang. Và công ty Lương thực Đồng Tháp cũng đã có kế hoạch đăng ký liên kết tiêu thụ 500ha (lúa khô) cho nông dân.
Diện tích lúa tham gia mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn đã ngày càng tăng lên và hiệu quả kinh tế cũng thay đổi rõ rệt, qua đó cho thấy đây là chủ trương đúng đắn, mang lại lợi ích cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia còn khiêm tốn so với quy mô diện tích lúa của tỉnh nhưng đây cũng là tín hiệu vui của sự khởi đầu thay đổi tập quán sản xuất và từng bước thực hiện quy trình: liên kết tiêu thụ rồi mới đến sản xuất.
Để tìm được tiếng nói chung giữa DN và nông dân, giúp việc liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa gạo ngày càng khởi sắc hơn, nhiều HTX cho rằng doanh nghiệp cần phải đầu tư hệ thống kho, bãi, lò sấy tại vùng nguyên liệu. như vậy mới khắc phục được tình trạng thu mua chậm do mất thời gian vận chuyển từ ruộng của nông dân đến nhà máy của doanh nghiệp, lúa được thu hoạch đồng loạt với số lượng lớn nên doanh nghiệp phải tăng cường lực lượng thu mua mới đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Và doanh nghiệp cũng cần phải đặt hàng trước với HTX, nông dân là sẽ thu mua loại lúa nào, số lượng bao nhiêu để định hướng cho nông dân sản xuất và cung ứng theo yêu cầu của thị trường.
Nguyên nhân dẫn đến việc liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa không thuận lợi còn do doanh nghiệp và nông dân chưa thống nhất về giá cả. Hai bên chưa có sự hài hòa, chia sẻ lợi ích và rủi ro nên khó khăn của hai bên trở thành rào cản cho sự liên kết.
Ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng: “Để CĐML thực sự phát huy hiệu quả thì sản xuất phải gắn với liên kết đầu tư và tiêu thụ. Nông dân làm ra sản phẩm phải chắc chắn được doanh nghiệp thu mua và giá cả phải cao hơn, có như vậy họ mới yên tâm và làm theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Trong mối liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa gạo luôn cần có vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn đầu tư vào. Trong thời gian sắp tới sẽ có các doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Dasco, Cẩm Nguyên,… cùng đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh nên CĐML sẽ được nhân rộng thêm.
Có thể nói rằng thực hiện các CĐML cũng có nghĩa là ngành nông nghiệp đã chuẩn bị sẵn “bàn ăn” cho doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch. Lãnh đạo Sở luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để mối liên kết ngày càng bền vững và có hiệu quả”.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/xaydungnongthonmoi/2012/9/36247.html


Tin khác