Nhiều vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp thủy sản

22/11/2012

Theo báo cáo của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), cho vay trong lĩnh vực nuôi cá tra và thủy sản 9 tháng đầu năm 2012 tại vùng ĐBSCL đã tăng 11,22% so với cả năm 2011, đạt 33.762 tỉ đồng. Thế nhưng không hiểu sao, lượng tín dụng tăng trưởng lớn như vậy mà ngành thủy sản vẫn kêu khan hiếm vốn cho nuôi trồng và xuất khẩu. Liệu các khoản vay có được đầu tư đúng mục đích?

Tín dụng cho thủy sản đi đâu?
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ xung quanh vấn đề "tín dụng cho lĩnh vực thủy sản" vừa được tổ chức tại TP.Cần Thơ, ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nêu câu hỏi: Tại sao tín dụng tăng trưởng lớn như vậy mà ngành thủy sản ĐBSCL vẫn kêu khan hiếm? Vậy nguồn vốn đó đi đâu?
Ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết: "Tính đến ngày 30/9, dư nợ cho vay nuôi cá tra và thủy sản tại ĐBSCL đạt 33.762 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng 11,22% so với năm 2011. Nếu tính đến hiện nay, tổng doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đã đạt trên 59.933 tỉ đồng, điều này chứng tỏ dòng vốn đã dần được đưa vào sản xuất".
Ông Đoàn cho biết, việc đầu tư "ngoài luồng" của các DN thủy sản chính là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tình trạng khan hiếm vốn, dù mục đích đi vay cho lĩnh vực này có tăng. "Tôi thấy có một số DN hoạt động trên lĩnh vực thủy sản, khi họ đi vay là vay cho mục đích này (sản xuất, xuất khẩu - PV), nhưng thực tế lại đầu tư cho mục đích khác, chẳng hạn cho bất động sản, chứng khoán", ông Đoàn nói.
Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu tham dự cuộc họp đều yêu cầu phải có một biện pháp "căn cơ" hơn để cứu ngành thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, trong đó, đại diện lãnh đạo tỉnh An Giang đặt vấn đề: "Bây giờ Chính phủ nói hỗ trợ vốn cho DN, nhưng có ai dám bảo đảm hỗ trợ vốn rồi DN sẽ được vực dậy không?".
"Tôi đề nghị cần phải nhìn thẳng và nói thật vào vấn đề, cần phải giám định lại từng DN, cần thiết khoanh nợ cũ và cho họ tiếp tục vay. Tuy nhiên, họ phải sản xuất đúng ngành nghề, có sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng, chứ không để cho địa phương giám sát vì thực tế, lâu nay địa phương không thể giám sát được DN", ông Đoàn cho biết.
Năm 2013 thủy sản vẫn khó
Dù đã có nhiều giải pháp được đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản nhưng dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản năm 2013 sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Dự kiến, năm 2013, lượng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ sản xuất của Việt Nam tăng 30% so với năm 2012, kim ngạch đạt trung bình 65 -70 triệu USD/tháng.
"Dự báo kim ngạch xuất khẩu sang EU, một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm khoảng 12-15% so với năm 2012. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung sẽ giảm 1,5-2% so với năm 2012 do gặp khó khăn trong vấn đề chất Ethoxyquin", báo cáo nêu rõ.
Trong khi ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP than phiền không tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp từ phía ngân hàng thì ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho biết, nguồn vốn của ngân hàng phục vụ cho vay lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ không thiếu. "Nếu DN có phương án kinh doanh khả quan, chúng tôi sẵn sàng xét duyệt cho vay hết. Hiện, không chỉ DN cần vốn mà chính ngân hàng chúng tôi cũng rất cần người đến vay, nhưng quan trọng là phải đáp ứng được các điều kiện", ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam cho biết.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác