Miền Trung - Tây Nguyên đối mặt hạn hán khốc liệt: Cắt giảm lúa, trồng cây ưa cạn

27/02/2013

Đây là khuyến cáo được đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2012- 2013, triển khai kế hoạch vụ hè thu 2013 các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên, do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 26.2.

Suối khô, hồ cạn
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích lúa hè thu 2013 các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gieo trồng khoảng gần 398.000ha, năng suất phấn đấu đạt 52,7 tạ/ha, sản lượng thóc ước đạt gần 2,1 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ (BTB) gieo trồng hơn 169.000ha, duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) gần 222.000ha và Tây Nguyên (TN) 6.388ha. Theo ông Hòa, hè thu là vụ sản xuất chính vùng DHNTB kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, là mùa nắng nóng liên tục suốt vụ, các tỉnh đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất.
Vét nước ao, hồ tưới cho cây trồng ở huyện Đăk Min, Đăk Nông.
 
Theo ông Nguyễn Đức Hòa- Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa- hạn dài (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư), lượng mưa các tháng đầu mùa khô năm 2013 (từ tháng 3 đến tháng 5) khu vực DHNTB và TN có khả năng ít hơn trung bình nhiều năm, mưa trái mùa xảy ra ít hơn, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm.
Hiện nay, mực nước trong nhiều hồ đập ở các tỉnh DHNTB ở mức thấp, nhiều công trình thủy lợi nhỏ đang khô kiệt như hồ Tân Giang (Ninh Thuận) chỉ còn 20% dung tích thiết kế và nguy cơ vụ hè thu có khoảng 4.000- 5.000ha ở Ninh Thuận không gieo sạ được; 4 trạm bơm thượng nguồn sông Ba Hạ (Phú Yên) cạn dòng chảy, có nguy cơ không đủ nước để bơm tưới; các hồ chứa ở Bình Định lượng nước chỉ còn 20-30% dung tích thiết kế; các trạm bơm hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam) nếu nắng hạn mặn xâm lấn, độ mặn tăng cao phải ngừng hoạt động.
Ông Đặng Duy Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho rằng, các tỉnh miền Trung và TN đang phải đối mặt với nguy cơ một mùa vụ hạn hán gay gắt, thậm chí khốc liệt. Vì thế, các địa phương cần chủ động xây dựng các phương án phòng chống để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
“Hiện nay, Tổng cục Thủy lợi đã nhận được báo cáo về tình hình hạn hán của 10/19 tỉnh miền Trung- TN. Trong tháng 3, chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo với lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ kịp thời công tác phòng chống hạn”- ông Hiển cho biết.
Chuyển đổi cây trồng, hạn chế mất trắng
Theo ông Nguyễn Hữu Vui - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, trong số 159 hồ chứa thủy lợi trong tỉnh đã có hơn 100 hồ cạn kiệt, dòng chảy các suối xuống thấp kỷ lục. “Để ứng phó với tình trạng hạn hán, chúng tôi chỉ đạo các địa phương kiên quyết chuyển sang cây ưa cạn”- ông Vui nhấn mạnh. Theo dự báo, vụ hè thu 2013 hạn hán ở Bình Định rất khốc liệt, diện tích lúa gieo trồng chỉ đảm bảo đủ tưới cho khoảng 65% gieo trồng cần tưới.
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khuyến cáo, tại TN chuyển những vùng trồng lúa nước tưới bấp bênh sang cây trồng khác có nhu cầu nước thấp hơn như ngô lai, đậu tương; tại Bắc Trung Bộ chuyển sang trồng đậu đỗ, vừng... Đối với cà phê, hồ tiêu cần che ủ gốc để giữ ẩm, theo dõi chặt chẽ độ ẩm đất và hiện trạng cây trồng để tưới nước hợp lý, tiết kiệm; tránh tưới sớm, không tưới quá nhiều gây lãng phí nước...
Còn ông Trang Quang Thành - Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk cho biết, hầu hết các hồ đập trong tỉnh đã cạn, chỉ đạt 60% dung tích thiết kế. “Vụ đông xuân năm nay, chúng tôi đã chủ động giảm 5.000ha so với vụ đông xuân trước nhưng đến nay đã có 7.500ha lúa bị hạn; 20- 30% diện tích cà phê không tưới được. Một số nơi bà con nông dân khoan giếng cũng không có nước; những giếng cũ chỉ tưới được 10- 15 phút là hết nước trong khi đó các hồ đập lại đang xuống cấp nghiêm trọng”- ông Thành nhấn mạnh.
Trước tình hình hạn hán xảy ra trên diện rộng, ngay từ đầu vụ đông xuân, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương chủ động đề ra phương án sản xuất phù hợp, cắt giảm diện tích trồng lúa và chuyển dịch khoảng 4.500ha ở những vùng có khả năng thiếu nước sang trồng các loại cây ưa cạn như ngô, đậu các loại, lạc, sắn...
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, mặc dù các địa phương đã quyết liệt thực hiện các phương án chống hạn ngay từ đầu vụ nhưng vẫn để xảy ra tình trạng lúa bị mất trắng do xa nguồn nước tưới, trong đó nặng nhất là Quảng Ngãi với khoảng 5.000ha.
“Các địa phương phải theo dõi, nắm chắc tình trạng hạn hán, kịp thời khuyến cáo nông dân để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý trong vụ hè thu, vụ mùa. Đối với những địa phương bị thiệt hại, nhất là với diện tích bị mất trắng cần thống kê ngay thiệt hại, áp dụng các chính sách hiện hành của Chính phủ và của từng địa phương để kịp thời hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo bị thiệt hại” -Thứ trưởng Bổng nhấn mạnh.
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/125848p1c34/cat-giam-lua-trong-cay-ua-can.htm


Tin khác