Tín dụng cho cây cà phê

03/05/2013

Sau lúa gạo và thuỷ sản, có lẽ cà phê là ngành hàng được Chính phủ dành cho nhiều chính sách ưu đãi nhất về vốn vay để phát triển sản xuất - kinh doanh - xuất khẩu. Tuy nhiên, để những đồng vốn cho cây cà phê thực sự đến được với người nông dân thì cần có sự phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan liên ngành, tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Vì thiếu vốn và khó vay được ở các TCTD nên hầu hết người nông dân đang bị cột chặt vào những đại lý thu mua như một lựa chọn duy nhất nếu muốn trồng loại cây công nghiệp này.
Cái khó bó cái khôn
Để đầu tư 1 ha cà phê, chưa tính khấu hao vườn cây, thuốc trừ sâu, khấu hao máy móc thiết bị, công quản lý… người nông dân hiện phải bỏ chi phí khoảng 42-50 triệu đồng.
Trong đó, phân bón khoảng 15 triệu (bình quân 2,5 tấn/ha), dầu để bơm nước tưới 7,5 triệu đồng (bình quân 150 lít/lần x 3,5 lần/vụ), công làm cành 2,5 triệu đồng (hai lần/năm), nhân công chăm sóc 15 triệu đồng, công hái và chế biến 5 triệu đồng. Với mức đầu tư đó, đến vụ thu hoạch người dân sẽ thu được khoảng 3 tấn cà phê.
Trong điều kiện giá bán ở mức 25.000 đồng/kg thì lợi nhuận sau một năm trồng cà phê chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/ha. Nếu nông hộ không có đất, nhận trồng khoán cho nông trường hoặc DN mức lợi nhuận còn thấp hơn. Do đó việc thiếu vốn để tái đầu tư đối với nông hộ trồng cà phê từ 1-3 ha là chuyện dễ hiểu.
Đại lý thu mua cà phê vỡ nợ, bỏ trốn khiến cả DN và người dân lao đao
 
Ghi nhận ở một số địa phương trồng cà phê tại tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông cho thấy hiện nay đa số các nông hộ trồng cà phê ngoài mảnh vườn, lô rẫy thì chỉ có một phần nhỏ nguồn vốn để đầu tư chăm sóc.
Hầu hết nông dân trồng cà phê thường không quen với các định chế tài chính, giấy tờ và không nắm được đầy đủ các thủ tục cũng như thông tin để vay vốn tín dụng ưu đãi. Vì thế sau khi làm thủ tục xin vay vốn người dân thường mời cán bộ ngân hàng đến thẩm định vườn cây, tài sản thế chấp và làm hộ hồ sơ với một mức “trả phí” nhất định.
Những hộ có người thân, quen biết làm việc tại các ngân hàng thì có điều kiện làm hồ sơ vay còn những hộ khác không quen biết thì khó có thể nào vay được.
Thêm vào đó, do phải tính toán chi phí sao cho thấp nhất, đồng thời hạn chế rủi ro nên các NH thường “ngại” cho nông hộ vay vì để quản lý nguồn vốn vay sẽ phải tăng các nhân sự khảo sát, lập thủ tục và đôn đốc thu nợ. Cùng số vốn 1 tỷ đồng nếu cho DN vay thì NH chỉ phải lập một hồ sơ, trong khi cho 100 hộ nông dân vay họ phải làm 100 bộ, làm tăng nhiều chi phí cho nhân sự quản lý.
Không vay được vốn từ các NH, phần lớn các hộ dân trồng cà phê hiện nay tìm đến các đại lý thu mua. Tại các đại lý thu mua cà phê đóng trên địa bàn xã, huyện bà con nông dân có thể tạm ứng mọi thứ từ phân bón, thuốc trừ sâu, dầu tưới, thậm chí cả gạo ăn. Đến vụ thu hoạch thì trừ nợ bằng cà phê.
“Điều quan trọng là đại lý luôn làm việc nhanh gọn, đáp ứng kịp thời vụ mà không cần phải các thủ tục rườm rà, nhiêu khê như các TCTD. Khi cần vốn bà con nông dân chỉ cần đến ký vào sổ tay tạm ứng, hoặc đôi khi chỉ cần thoả thuận miệng với đại lý là có thể mang tiền về chăm sóc vườn cây”, một nông dân trồng cà phê bộc bạch.
Mặc dù những năm gần đây ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xảy ra nhiều trường hợp đại lý thu mua và DN quy mô nhỏ phá sản, quỵt nợ… Nhưng vì tính tiện lợi trong giao dịch mua bán và quan trọng hơn là nhu cầu vốn để tái đầu tư nên bà con nông dân hầu hết vẫn phải dựa vào các đại lý như một “bà đỡ” để duy trì sản xuất. Còn kết quả thế nào thì đành phó mặc cho hai chữ “hên xui”.
“Nếu không ký gửi cà phê cho các đại lý, người dân chả biết gửi cà phê đi đâu. Ai cũng bảo rằng nên chọn những DN lớn, uy tín mà gửi, nhưng mà các anh cũng thấy rồi đấy, ở Lâm Đồng những DN tầm cỡ như Tập đoàn Công Chính, Công ty Phú Cường, tại Đăk Lăk những công ty nổi tiếng như Simexco, Imexim cũng đều dính vào những vụ lùm xùm liên quan đến chiếm dụng cà phê của nông dân ký gửi.
Nhiều người cũng bảo mang cà phê lên Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột gửi thì an toàn nhất. Nhưng nông dân toàn ở vùng sâu vùng xa, ai mà chở cà phê từ huyện lên tỉnh để gửi, chi phí chịu sao thấu. Mà gửi rồi ai dám chắc sẽ bán được giá cao” - anh Phan Ngọc Dương, một hộ trồng cà phê tại xã Hiệp Hoà, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk bày tỏ.
Đại lý chụp giật, đổ dây chuyền
Phải nói cho công bằng, ban đầu về bản chất hầu hết các đại lý thu mua cà phê ở Tây Nguyên mở ra tại các vùng dân cư đều muốn bảo vệ uy tín để phát triển. Tuy nhiên, vì lợi nhuận và phương thức làm ăn không chuyên nghiệp khiến nhiều cơ sở sau khi tự ý chiếm dụng vốn của người nông dân đã kinh doanh thua lỗ, đổ bể, không còn khả năng trả nợ.
Quan sát ở các địa phương trồng cà phê ở Tây Nguyên cho thấy hiện nay các cơ sở thu mua cà phê mọc lên như nấm bởi đây là hình thức kinh doanh quá dễ kiếm lời. Một cơ sở tư nhân chỉ cần bỏ ra một số vốn nhất định cho dân tạm ứng là có thể bắt đầu dựng bảng hiệu mua trữ cà phê với số lượng lớn để bán lại cho các DN kinh doanh, XK.
Không phủ nhận là trên thực tế cũng có nhiều đại lý hình thành bằng chính khả năng kinh doanh và năng lực tài chính của mình. Nhưng số lượng các đại lý thu mua cà phê tư nhân hình thành bằng tay không, sau khi “gút” vài chục tấn lấy tiền sửa chữa, xây kho, dựng bảng hiệu hoành tráng rồi lấy tiền của DN sau, mua hàng cho DN mua trước cũng không phải là con số nhỏ.
Theo phân tích của anh Đậu Quang Hiếu, chủ một DN kinh doanh cà phê nhỏ tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông, hiện nay việc mua bán cà phê giữa DN kinh doanh XK với các đại lý thu mua (kể cả đại lý thuộc DN lẫn đại lý tư nhân) quá dễ dàng và không được quản lý chặt chẽ.
Các đại lý khi bắt đầu mở ra chỉ cần đầu tư một số vốn, sau đó dựa vào quan hệ để tìm kiếm các DN có nhu cầu mua cà phê. Khi có DN đặt hàng, họ chỉ thoả thuận “gút” bán qua điện thoại là đã có thể “ôm” tiền từ DN về mua gom hàng hoá.
Nhiều đại lý khi trong kho chỉ còn vài chục tấn cà phê nhưng họ đã cầm tiền trước của các DN lên tới vài chục tỷ đồng. Với số tiền lớn này một mặt họ “gối đầu” lấy tiền của người trước mua hàng cho người sau, mặt khác nghe ngóng thông tin giá cả để đầu cơ trên lượng hàng nông dân ký gửi.
Thực tế cho thấy, đa số các đại lý làm ăn thua lỗ, chiếm dụng cà phê ký gửi của người dân rồi phá sản, bỏ trốn là do cách thức kinh doanh chụp giật và thiếu chuyên nghiệp.
Chẳng hạn, khi giá cà phê được dự báo sẽ giảm trong tương lai, các đại lý sẽ tranh thủ bán hết cà phê của dân ký gửi trong kho, chờ đến mùa thì lại mua giá thấp bù lại để kiếm lời. Nhưng không như dự báo, giá cà phê lại quay đầu tăng mạnh, khi đó đại lý không thể nào mua lại đủ số lượng hàng mà mình đã bán, dẫn đến thiếu nợ, không còn khả năng gượng dậy.
Khi các đại lý vỡ nợ thì hầu hết những DN có làm ăn với đại lý đó đều “chết” theo vì trước đó hầu hết họ đã đầu tư vốn cho đại lý “mua non” bằng cách ký chốt giá và ứng trước tiền mặt, phân bón, máy móc… Nợ cũ không lấy được trong khi không còn tiền để mua hàng mới khiến nhiều DN lâm vào tình trạng bế tắc chỉ còn cách treo vốn chờ thời. Trong lúc đó, về phía người nông dân vì đã ký gửi cả gia sản vào đại lý nên chỉ còn biết kêu trời do nợ nần và không còn gì để tiếp tục tái đầu tư vườn cây.
Theo Thời báo Ngân hàng

 


Tin khác