Giảm tổn thất sau thu hoạch thủy sản: Chậm vào cuộc sống

07/05/2013

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho vay đầu tư trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông-thủy sản, đến nay, mới chỉ có 15% đối tượng được vay vốn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám đã lý giải xung quanh vấn đề này. Ông Tám cho biết:

Sản lượng đánh bắt thủy, hải sản đạt bình quân 2,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tổn thất sau đánh bắt lên tới 20-25%, tức là thất thoát hơn 400.000 tấn, tương ứng khoảng 8.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của những tổn thất này là do tàu khai thác trên biển chủ yếu có công suất nhỏ, thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác. Hầu hết các tàu đều áp dụng phương pháp bảo quản bằng nước đá xay, thậm chí có nhiều tàu hiện vẫn giữ phương pháp bảo quản truyền thống bằng cách ướp muối, chỉ những tàu có công suất lớn mới bố trí các hầm chứa cách nhiệt, thực hiện phân loại bảo quản với sản phẩm phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Còn lại hầu hết các tàu nhỏ thường thiếu mặt bằng để phân loại sản phẩm, nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản. Do vậy, đã làm giảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. 
Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá còn hạn chế. Theo số liệu của 24 tỉnh, thành phố ven biển, đến cuối năm 2012, có 2.073 tàu hoạt động dịch vụ hậu cần, trong đó có 1.216 tàu hoạt động dịch vụ thu gom thủy sản trên biển. Một số cảng cá, bến cá xuống cấp, không có khu tiếp nhận, phân loại hải sản, khoảng cách từ cầu cảng đến khu tiếp nhận xa nên sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng làm giảm chất lượng. 
Trong 3 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 và Quyết định 65 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch với nông - thủy sản. Ông nhận định thế nào về kết quả triển khai các chính sách này?
Tính đến hết quý 1/2013, cả nước đã có gần 7.000 đối tượng là các hộ gia đình, doanh nghiệp được vay vốn theo chương trình giảm tổn thất sau thu hoạch, với tổng dư nợ cho vay 1.265,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực thủy sản dư nợ cho vay là 206,9 tỷ đồng, người vay chủ yếu đầu tư mua thiết bị cấp đông và hầm bảo quản. Chủ trương chính sách của Chính phủ đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của bà con ngư dân. 
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, những loại hải sản có giá trị kinh tế cao đã được ngư dân quan tâm bảo quản bằng khay nhựa, ướp đá. Tuy nhiên, chất lượng hầm bảo quản làm bằng xốp tấm ghép vẫn chưa đảm bảo, xử lý sơ chế không đúng cách và thời gian bảo quản trên biển dài ngày là yếu tố cơ bản làm giảm chất lượng, gây tổn thất. Đối với sản phẩm có giá trị kinh tế thấp, nhất là sản phẩm của các tàu lưới kéo, hầu như không được quan tâm khâu bảo quản. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân và ngư dân đang có nhu cầu trang bị hầm bảo quản bằng xốp thổi PU để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hầm bảo quản bằng công nghệ xốp thổi (PU) của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Việt Đức (TP.Hồ Chí Minh) đã được nhiều tàu trang bị và cải tiến. 
Mặc dù vậy, phải thẳng thắn nói rằng cơ chế chính sách về giảm tổn thất sau thu hoạch vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa tạo bước chuyển biến nhảy vọt. Thực tế, ngành thủy sản mới có 15% số đối tượng tiếp cận được chính sách này. Việc vay vốn gặp nhiều khó khăn do đa số ngư dân có trình độ văn hóa thấp và không có khả năng lập thủ tục cho vay, trong khi thủ tục của các ngân hàng thì rườm rà. 
Tổng cục Thủy sản đã và sẽ triển khai những giải pháp nào để giảm tổn thất sau đánh bắt thủy sản, thưa ông?
Nhằm mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản từ 25% xuống 15% vào năm 2015 và xuống 10% vào năm 2020, Tổng cục Thủy sản và các địa phương đã và đang tập trung giải quyết những nhóm giải pháp tổng hợp. Đó là xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo quản, sơ chế sản phẩm thủy sản trên các tàu cá. Về mặt khoa học và công nghệ, sẽ nỗ lực để sớm loại bỏ những thiết bị, công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả, để thay thế bằng những thiết bị, công nghệ tiên tiến, phù hợp cho quá trình sau khai thác. Đầu tư xây dựng mới các khu dịch vụ hậu cần nghề cá với hệ thống kho lạnh bảo đảm tiếp nhận xử lý, lưu giữ sản phẩm dài ngày. Đồng thời, nhân rộng mô hình “tổ đội đoàn kết trên biển” để hỗ trợ nhau trong vận chuyển sản phẩm, cung cấp nguyên, nhiên liệu…, bảo đảm thời gian cho tàu cá bám biển dài ngày, nhưng lại rút ngắn thời gian lưu giữ sản phẩm trên tàu.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/5/40826.html


Tin khác