Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ở Hà Nội: Nhiều nội dung chậm vào thực tiễn

07/05/2013

Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội quy định về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố giai đoạn 2012-2016 chính thức triển khai từ tháng 7/2012, nhưng sau gần một năm thực hiện, nhiều nội dung trong Quyết định vẫn chưa đi vào thực tiễn.

Tích cực triển khai
Sau gần 1 năm thực hiện Quyết định số 16, đến nay, đại bộ phận người dân Thủ đô đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xem đây là tiền đề, cơ sở để triển khai các nội dung tiếp theo trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), do đó công tác DĐĐT đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Phần lớn các huyện đã thể hiện sự quyết tâm bằng việc thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Kết quả là đến nay, toàn thành phố đã DĐĐT được 35.346,96ha (kế hoạch là 19.444,9ha, đạt 181,78%), trong đó có một số huyện thực hiện tốt như Chương Mỹ 7.947,09ha; Mỹ Đức 6.149,89ha; Sóc Sơn 5.618,12ha; Phú Xuyên 5.526,33ha; Mê Linh 1.832ha…
 
Song song với việc chỉ đạo hoàn thành công tác DĐĐT, các huyện, thị xã trên địa bàn cũng tổ chức phát động phong trào toàn dân xây dựng đường làng ngõ xóm, góp phần đẩy nhanh công cuộc XDNTM. Điển hình như tại Hoài Đức, chính quyền và nhân dân địa phương đã thực hiện được 185km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư 349 tỷ đồng; Đan Phượng đã hoàn thành xong 100% đường giao thông thôn, xóm với 1.849 tuyến, tổng chiều dài 131,214km, tổng kinh phí đầu tư 184,328 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vật liệu 58,084 tỷ đồng, nhân dân đóng góp ngày công trị giá 61 tỷ đồng và các hộ hiến 1.469m2 đất để mở rộng đường làng, nối thông ngõ xóm.
Ngoài ra, một số địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt chuẩn NTM, bước đầu đạt một số kết quả nhất định như Phú Xuyên đã bê-tông hóa 27,3km đường trục xã; 63,4km đường thôn, xóm và 21km đường nội đồng; Từ Liêm đã thực hiện xây dựng đường giao thông thôn, xóm với tổng kinh phí 73,2km; Phúc Thọ 67km, thị xã Sơn Tây 23,13km…
Đáng nói là, tại một số địa phương, dù chưa có kinh phí hỗ trợ của thành phố nhưng chính quyền cơ sở đã năng động trong tổ chức triển khai thực hiện, chủ động xây dựng và ban hành chính sách trong khuôn khổ quy định của Nhà nước; tích cực vận động, tuyên truyền doanh nghiệp và người dân cùng đóng góp.
Việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất cũng được các địa phương tích cực triển khai. Đến nay, thành phố đã có 8.490 máy móc các loại để thực hiện cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt (chủ yếu trên 4 loại cây trồng là lúa, rau, hoa, cây ăn quả), với diện tích cơ giới hóa đạt 107.378ha, trong đó có 4.700 máy làm đất, 390 máy gặt đập liên hợp, 3.400 máy tuốt và 1.655 máy thái cỏ và vắt sữa cho chăn nuôi bò sữa.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Nhiều lãnh đạo thành phố thừa nhận, kết quả triển khai thực hiện Quyết định 16 không có sự đồng đều giữa các địa phương. Trong khi một số huyện thiếu tiền để giải ngân thì tại một số địa phương, đến hết tháng 1/2013 vẫn không có hoặc có rất ít khối lượng để giải ngân, thậm chí đến nay chưa giải ngân hết số tiền đã được cấp trong 500 tỷ đồng như Thanh Oai, Ba Vì, Thường Tín, Phúc Thọ…
Đặc biệt, kết quả thực hiện tại cơ sở đối với các điều 5, 6, 7, 8 tại Quyết định 16 chưa nhiều, thậm chí ba điều 5, 6, 7 (chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung) còn chưa đi vào thực tiễn.
Lý giải tại sao công tác cơ giới hóa sản xuất, DĐĐT tại một số địa phương còn chậm, nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc rất khó thực hiện, do đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân và phải tiến hành một khối lượng công việc lớn, từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai đến tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp…, do đó một bộ phận cán bộ còn e ngại, không muốn làm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn hạn chế, thậm chí một số ít cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hiện DĐĐT, vi phạm quy định, trình tự hướng dẫn, thiếu tôn trọng quy chế dân chủ trong gắp thăm chia ruộng cho nhân dân, gây bức xúc trong dân, dẫn đến triển khai chậm tiến độ.
Một số địa phương cũng cho rằng, các điều 5, 6, 7, 8 có nhiều thủ tục khó thực hiện, nhất là vấn đề vay vốn tín dụng để nhân dân cũng như doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trong khi văn bản hướng dẫn thực hiện những nội dung này lại chậm nên ảnh hưởng đến công tác triển khai.
Nhiều địa phương đã đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn trên, hỗ trợ kịp thời nông dân, để chính sách đi vào cuộc sống.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/xaydungnongthonmoi/NongnghiepThudo/2013/5/40771.html


Tin khác