Thái Lan xả hàng và giảm mạnh giá gạo: Lúa gạo Việt chao đảo

04/09/2013

Thái Lan “xả” kho lúa gạo và giảm mạnh giá bán đã khiến thị trường lúa gạo Việt Nam chao đảo. Nông dân lo lắng vì giá tiếp tục giảm, DN đứng ngồi không yên vì không ký được hợp đồng xuất khẩu mới.

Giá lúa gạo tiếp tục giảm
Bước qua tuần mới, giá lúa gạo trong nước tiếp tục giảm thêm 200 – 300 đồng/kg so với một tuần trước đó. Sáng 3.9, bà Trần Thị Bông - thương lái chuyên mua lúa gạo ở Thoại Sơn, An Giang cho biết, giá lúa tươi IR50404 còn có 4.100 – 4.200 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg so với trước lễ 2.9 và giảm 200 – 300 đồng/kg so với 1 tuần trước đó. Tương ứng, giá gạo doanh nghiệp (DN) thu mua cũng giảm còn có 6.400 đồng/kg, gạo nguyên liệu IR50404, giảm 300 đồng/kg so với tuần trước. 
Lúa gạo giảm giá, thương lái ngừng mua hàng khiến nông dân ĐBSCL đang hết sức lo lắng
 
Nông dân Nguyễn Văn Tiễn ở Hồng Ngự, Đồng Tháp, cũng đứng ngồi không yên trước tình hình lúa gạo rớt giá từng ngày. “Sáng nay thương lái đã gọi điện thoại tới hủy đặt cọc ký 10 ngày trước đó với chúng tôi, chấp nhận mất tiền vì lúa gạo rớt giá quá. Chúng tôi đã năn nỉ quá trời, kể cả việc đồng ý hạ giá bán từ 4.300 đồng xuống còn 4.100 đồng/kg lúa tươi IR50404 nhưng họ nói DN đã ngừng ăn hàng nên họ cũng không dám mạo hiểm mua nữa” – anh lo lắng.
Theo các thương lái và DN, nguyên nhân giá lúa gạo trong nước giảm sâu là do có thông tin Thái Lan xả hàng, giảm giá lúa gạo còn có 380 USD/tấn gạo 100B (tốt hơn gạo 5% tấm của Việt Nam). Ngay lập tức thông tin này đã khiến cho thị trường lúa gạo Việt Nam “đứng hình”, hầu như không còn giao dịch gì.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) bần thần: “Tình hình xuất khẩu gạo trước khi Thái Lan giảm giá đã khó khăn, DN bị hủy hợp đồng nhiều, nay càng khó khăn hơn. Các nhà nhập khẩu phần lớn đã gần như ngừng mọi giao dịch để theo dõi diễn biến tiếp tục như thế nào. Số ít còn lại thì đang ép chúng ta hạ giá và hăm he đòi hủy hợp đồng. Doanh nghiệp của tôi cả tháng nay chưa ký được hợp đồng mới nào cả, không biết tình hình sắp tới sẽ sao đây?”.
Theo các chuyên gia, các DN thuộc VFA không thể cứ tiếp tục chiến lược bán gạo với giá rẻ để cạnh tranh với các nước, rồi dựa vào giải pháp tạm trữ để giữ giá lúa gạo nội địa. Bởi diễn biến thị trường năm nay cho thấy chiến lược này đang phá sản khi mà các nhà nhập khẩu cứ liên tục ép được giá với DN VN. Đã đến lúc VN cần xây dựng một chiến lược phát triển ngành toàn diện hơn và tạo ra hướng đi riêng cho mình. 
Xuất khẩu khó khăn
Ông Trần Thanh Văn - Phó Giám đốc Công ty CP Gentraco (Cần Thơ) cho biết, mấy ngày gần đây nhiều khách mua gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Phi, châu Á… đều đã tạm ngừng mua bán để nghe ngóng thị trường.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc - một trong những khách hàng lớn cũng đã có những động thái bất lợi cho thị trường lúa gạo Việt Nam thời điểm này khi Chính phủ nước họ thông báo rút hầu hết quota đã cấp trước đó cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước. 
Họ lấy lý do Trung Quốc sắp vào vụ thu hoạch và muốn các DN giảm nhập khẩu, tập trung tiêu thụ lúa gạo cho thị trường nội địa. “Và các nhà nhập khẩu gạo Trung Quốc đã lấy cớ này để tiếp tục ép giá gạo của ta và hủy hợp đồng” – ông Tuấn cho biết.
Theo các DN, trước áp lực Thái Lan giảm giá mạnh và các nhà nhập khẩu ép giá, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 3.9 đã giảm còn 360 USD/tấn loại 5% tấm và 340 USD/tấn loại 25% tấm, trong khi giá thành là 380 - 390 USD/tấn. 
“Với mức giá thu mua cao vụ hè thu vừa rồi, các DN đang phải bán lỗ từ 20 – 30 USD/tấn, trong khi chúng tôi còn đang “ôm” 700.000 - 800.000 tấn gạo tạm trữ chưa tiêu thụ được nên tình hình sắp tới sẽ rất khó khăn” – ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định.
Theo đánh giá của các DN, giá lúa gạo nội địa trong thời gian tới sẽ còn giảm đến mức dưới 4.000 đồng/kg lúa tươi IR50404. Bởi tương ứng với giá xuất khẩu 360USD/tấn gạo 5% tấm, các DN phải thu mua lúa với giá 4.000 đồng/kg mới không lỗ. 
Bên cạnh đó, cộng với áp lực sắp vào vụ thu đông, để giá lúa gạo trong nước không giảm sâu, VFA đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ gia hạn thêm lãi suất 1 tháng nữa cho DN thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ hè thu vừa qua. 
Mục đích nhằm tránh cho DN thoát khỏi tình trạng bán tháo gạo khi hết hạn. Đồng thời VFA cũng đề xuất mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo vụ hè thu và vụ thu đông để giữ giá cho thị trường nội địa. Thời gian tạm trữ từ ngày 15.9 đến 15.10 và Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong 2 tháng từ 15.9 đến 15.11.2013. 
“Không rõ về đề xuất của VFA”
Ông Phạm Đồng Quảng - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện tại, các tỉnh phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong vụ hè thu với năng suất trung bình khoảng hơn 50 tạ/ha, sản lượng tăng hơn cùng kỳ năm 2012 khoảng 270.000 tấn. Ông Quảng cũng cho biết: “Tôi cũng không rõ vì sao VFA lại đưa ra đề xuất tạm trữ 300.000 tấn vào thời điểm này, có thể còn do yếu tố thị trường, cần hỏi thêm Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và thủy sản được giao phụ trách về vấn đề này” - ông Quảng cho biết.
 
Theo Dân Việt

Tin khác