Trên 1 triệu nông dân được hưởng lợi từ ARD SPS

16/12/2013

Với mục tiêu: “Tăng trưởng bền vững phúc lợi hộ gia đình nông thôn vùng cao thông qua những cải tiến trong quản lý tài nguyên, sản xuất nông nghiệp và tiếp thị, tập trung vào những người nông dân nghèo vùng cao, đặc biệt là phụ nữ và dân tộc thiểu số”, Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (ARD SPS) được triển khai trong giai đoạn 2007-2013 nhằm hỗ trợ đẩy mạnh giảm nghèo tại các khu vực vùng cao của Việt Nam, đặc biệt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau một thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Tổng ngân sách cho chương trình là 42 triệu USD.

Chương trình gồm có hai hợp phần: Hợp phần cấp tỉnh tập trung hỗ trợ các kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tại 5 tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên gồm: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk và Đắk Nông. Hợp phần Trung ương hỗ trợ nghiên cứu về chiến lược sinh kế nông thôn tại 5 tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo. 
“Trên một triệu nông dân và gia đình của họ đã được hưởng lợi thông qua các hoạt động của chương trình tại 5 tỉnh, và trong tương lai người dân nông thôn sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng và các mô hình thí điểm đã được khởi xướng với sự tài trợ của chương trình”, ngài Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen khẳng định tại hội nghị tổng kết chương trình do Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngày 16/12/2013 tại Hà Nội.
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được hưởng lợi nhiều từ chương trình ARD SPS 2007 – 2013.
 
Là một trong hai đơn vị thực hiện hợp phần Trung ương, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) đã mạnh dạn xây dựng tầm nhìn đến năm 2020 (là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT làm được việc này) đồng thời xây dựng chiến lược cho các bộ phận, trên cơ sở đó sắp xếp lại tổ chức, cán bộ. 
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard, cái được lớn nhất khi tham gia ARD SPS là đội ngũ cán bộ của viện có cơ hội được tiếp cận với một phương thức làm việc mới, được thể hiện tính tự chủ, sáng tạo, mọi đánh giá dựa trên kết quả công việc. Theo đó, những năm qua, viện đã có nhiều nghiên cứu chính sách thiết thực, tạo nền tảng để ngành chức năng, các địa phương có các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Cập nhật dự báo cung càphê cho vùng sản xuất càphê chính ở Việt Nam; điều tra thị hiếu của người tiêu dùng càphê tại TP.Hồ Chí Minh; cơ sở khoa học đề xuất chính sách phân bổ đất rừng; chính sách về chương trình phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc; phát triển ngành hàng ca cao ở Đắk Lắk, Đắk Nông; giải pháp quản lý rừng dựa vào cộng đồng; khuyến khích đầu tư doanh nghiệp vào khu vực nông thôn. Viện đã có 5 báo cáo thường niên ngành nông nghiệp, càphê, chăn nuôi, thương mại; 19 chương trình truyền thông về các vấn đề nông nghiệp nông thôn vùng cao; 8 đầu sách nghiên cứu được in ấn, phát hành…
Hội nghị Tổng kết  ARD SPS (2007-2013).
Ảnh: Agroinfo
 
Trong tiểu hợp phần 2 thuộc Hợp phần Trung ương do Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thực hiện, đã có 16 đề tài được triển khai như: Chọn thuần và thâm canh một số giống lúa địa phương tại Lào Cai và Điện Biên; chọn giống và thâm canh ngô nếp tại Đắk Lắk, Đắk Nông; chọn giống và canh tác sắn bền vững tại Lào Cai; tuyển chọn và kỹ thuật trồng một số loài rau rừng tại Điện Biên, Lào Cai; kỹ thuật trồng tre lấy măng ở Lai Châu, Điện Biên; phát triển giống ong nội và ong lai ở Lai Châu, Điện Biên;… Nhờ có sự hỗ trợ của chương trình, năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi và thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, đơn cử, mô hình trồng lúa đặc sản đạt thu nhập 12 – 18 triệu đồng/ha/vụ; trồng ngô nếp 38,6 – 41,9 triệu đồng/ha/vụ; thậm chí thâm canh rau bò khai còn cho thu nhập tới 110 triệu đồng/ha/năm. Điều quan trọng là thông qua các mô hình này đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen khai thác tài nguyên thiên nhiên; tập quán sản xuất lạc hậu của người dân; hình thành một cách làm mới, vừa tạo việc làm, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện môi trường nông thôn.
Tại Lào Cai, tác động của ARD SPS đến ngành nông nghiệp cũng rất rõ rệt; giá trị sản xuất tăng từ 1.021,5 tỷ đồng (năm 2008) lên 4.320,9 tỷ đồng năm 2012 và ước đạt 4.600 tỷ đồng năm 2013. Thu nhập bình quân tăng từ 5,47 triệu đồng/người (năm 2008) lên 9,4 triệu đồng/người (năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43% năm 2008 xuống còn 27,69% năm 2012, năm 2013 còn khoảng 22,29%.
Theo đánh giá chung, trong 6 năm thực hiện chương trình, tỷ lệ nghèo ở 5 tỉnh tham gia chương trình đã giảm đáng kể, từ trên 25% năm 2007 còn khoảng 10 -12% trung bình hiện nay, điều này có được một phần là nhờ sự hỗ trợ của chương trình. 
“Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và các ngành công nghiệp, sản xuất và du lịch có tầm quan trọng ngày càng tăng, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế và thu nhập của phần lớn dân số Việt Nam”, ngài John Nielsen nhận xét về vai trò của ngành nông nghiệp. “Thông qua hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, chúng tôi muốn đảm bảo rằng những người nông dân nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ chính sách phát triển”, ngài Đại sứ chia sẻ. 
Theo Kinh tế nông thôn

 


Tin khác