Từ PCI: Nghĩ đến sức bật mới và giấc mơ khởi nghiệp

21/04/2015

Ngày 16/4 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014. Tin vui là Đồng Tháp tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu và thăng tiến ba bậc, xếp thứ 02 trong 63 tỉnh thành, chỉ sau thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, trong 10 chỉ số thành phần, Đồng Tháp là tỉnh duy nhất có 4 chỉ số đứng cao nhất cả nước gồm: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính năng động và thiết chế pháp lý.

Tự tin nhưng không hài lòng và phải thực hiện cải cách quyết liệt hơn nữa với phương châm “Chủ động đến với doanh nghiệp”. Đó là ý kiến của Bí Thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhằm đưa kinh tế Đồng Tháp phát triển ngày càng vững mạnh hơn. 

Xin giới thiệu toàn văn bài viết của ông Lê Minh Hoan- Bí Thư Tỉnh uỷ ĐT nhan đề: Từ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nghĩ đến sức bật mới và giấc mơ khởi nghiệp. 

Chúng ta đang xây dựng Đề án "Nâng cao hình ảnh địa phương" thì một tin vui đã đến: Đồng Tháp vươn lên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014. So với năm 2013, chúng ta tiến lên 4 bậc, góp phần giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu liên tục kể từ khi công bố bảng xếp hạng hàng năm. Một thông tin làm chúng ta tự tin hơn về mục tiêu đưa hình ảnh đất Sen Hồng lan toả, bay cao, vươn xa.

Chúng ta vui vì đây là "trái ngọt" thu được từ một quá trình kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống. Chúng ta mạnh dạn thay đổi từ nhận thức đến hành động - Từ ứng xử theo kiểu "xin - cho" thành "đồng hành cùng doanh nghiệp", từ "suy nghĩ cho doanh nghiệp" đến "suy nghĩ như doanh nghiệp", từ tư duy "quản lý, điều hành doanh nghiệp" trở thành "kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp". Đó là cả một hành trình thay đổi tư duy của hệ thống chính trị nói chung, cả bộ máy công quyền tỉnh nhà nói riêng. 
 
Chúng ta tự tin hơn vào kết quả từ những thay đổi đó, nhưng đồng thời không được tự hài lòng khi cho rằng chúng ta đã hoàn hảo. Khi chúng ta tự hài lòng, thậm chí tự huyễn hoặc mình là chính khi ấy chúng ta tự rơi vào cái bẫy tự mình giăng ra. Hãy luôn tự nhủ rằng, mình làm được thì người khác cũng làm được và có thể làm tốt gấp nhiều lần chúng ta. Cuộc cạnh tranh giữa các địa phương là một vòng xoáy vô cùng, không có nhiều không gian, thời gian cho sự dừng lại, thậm chí là dừng lại chỉ để nghỉ ngơi.
Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ với các đồng chí vài suy nghĩ
 
1- Tạo sức bật mới trong cải cách hành chính, cải tiến lối làm việc trong hệ thống
 
Đã có những tín hiệu tích cực từ kết quả PCI. Nhiều nhà đầu tư đã, đang và sẽ đến với chúng ta để tìm cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Minh Phú, Công ty TST, Công ty QMI, các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc..., chắc chắn sẽ mở ra những vận hội mới. Vấn đề là chúng ta phải "phản ứng nhanh". Trong thời gian qua, thẩm định nhiều dự án vẫn còn chậm ở ngành này ngành kia. Nên chăng, đã đến lúc chúng ta vừa chỉ đạo, điều hành đan xen theo kiểu "truyền thống, thứ bậc", có sự tham gia tuần tự của cấp dưới, cấp trên, với sự chỉ đạo tập trung, chủ động hơn từ Uỷ ban nhân dân Tỉnh thông qua phát huy vai trò Tổ giúp việc của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Chấn chỉnh chế độ thông tin, báo cáo (đẩy mạnh báo cáo qua hộp thư điện tử). Chúng ta khó có thể chấp nhận tình trạng vài tháng sau Uỷ ban nhân dân Tỉnh mới biết dự án đang "nằm chờ" ở sở này, ngành kia, địa phương nọ. Các ngành chức năng chỉ có ý kiến "đồng ý" hay "không đồng ý" trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Chỉ có Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh mới là người có quyền từ chối dự án, không chấp nhận giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sự "cẩn trọng" trước khi đi đến quyết định là cần thiết, nhưng sự "chần chừ" dẫn đến doanh nghiệp gặp khó, nhà đầu tư từ chối dự án là chúng ta đã tự đánh mất cơ hội cho sự phát triển.
 
Chúng ta hãy triển khai ngay các khẩu hiệu và cũng là thông điệp Đồng Tháp đưa ra với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư: "Chủ động đến với doanh nghiệp chứ không thụ động chờ doanh nghiệp đến", "Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhận khó khăn về chính quyền".
 
Chúng ta không thể tiến nhanh bằng đôi giày cũ kỹ, chật chội!
 
2- Khuyến khích, tạo điều kiên tốt nhất để các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp biến thành hiện thực
 
Một trong những điểm quan trọng của Đề án "Nâng cao hình ảnh địa phương" là định vị "Đồng Tháp như một địa phương biến ước mơ khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực Nông nghiêp và Du lịch trở thành sự thật. Các ý tưởng khởi nghiệp thành công sẽ được các doanh nghiệp lớn để mắt đến và sẽ là một cách thu hút gián tiếp các nhà đầu tư".
 
Nói đến điều này là vì hàng ngày tôi nhận được nhiều ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp từ các cộng sự, của các bạn trẻ, của những người nông dân, doanh nhân, trí thức... Có những ý tưởng rất bài bản, hoàn chỉnh, đầy tính khả thi. Có những hoài bão chỉ mới manh nha bước đầu, còn phải "gia công" nhiều hơn. Nhiều ý tưởng đang nhen nhóm đây đó: ý tưởng "Công ty Hoa thành phố Sa Đéc"; ý tưởng về Khu du lịch "Ngôi làng Nam bộ"; ý tưởng về "Khu du lịch Cá sấu"; ý tưởng về "Ứng dụng công nghệ vi sinh trong trồng nấm dược liệu, thực phẩm" của Công ty Dasco; ý tưởng về "Thu mua, đóng gói, làm thương hiệu cho các nông sản, sản phẩm" của Công ty Ramsa; ý tưởng xây dựng "Chuỗi giá trị lúa gạo" của Công ty Lương thực Đồng Tháp; ý tưởng "Nghiên cứu và phát triển các tinh chát chọn lọc từ sản phẩm nóng nghiệp công nghệ cao" của Công ty Cỏ May; ý tưởng về "Khu nuôi cá đồng kết hợp tái hiện sinh hoạt của người Đồng Tháp Mười" của Công ty Hùng Cá; ý tưởng xây dựng  "Trung tâm gia hoá, sản xuất giống cá rô phi và tóm càng xanh chất lượng cao" của Tập đoàn Minh Phú; những ý tưởng phát triển du lịch của Saycheese; những ý tưởng của Câu lạc bộ Du học sinh. Ngoài ra, còn nhiều mô hình, ý tưởng mới của các hợp tác xã, như: Tân Cường, Đức Huệ, Tân Bình, Bình Tiến, An Nhơn.. . Mỗi ý tưởng đó đều xứng đáng được kỳ vọng mang lại những giá trị mới, năng lượng mới cho kinh tế tỉnh nhà, tất nhiên còn có cả rủi ro, thách thức. Chúng ta hãy ngồi lại với những người đề xuất ý tưởng để cùng phân tích, chia sẻ, làm cho các ý tưởng trên trở thành hiện thực một cách sớm nhất, đó là cơ hội của doanh nghiệp và cũng là cơ hội của chính tỉnh nhà. Chúng ta cần tiếp cận, đồng hành ngay từ giai đoạn còn là ý tưởng, chứ không chờ đến khi xét duyệt dự án, quyết định chủ trương đầu tư.
 
Những ý tưởng đó ngoài mục đích vì lời nhuận của doanh nghiệp, hợp tác xã, tôi còn nhìn thấy ở đó là những tấm lòng, những khát vọng vì sự phát triển của quê hương xứ sở. Làm sao để những ý tưởng không bị mai một, lãng quên? Làm sao để bầu nhiệt huyết không bị nguội lạnh dần? Những quốc gia không giàu tài nguyên như Singapore, như Israel đều được thế giới khâm phục vì tinh thần "Quốc gia khởi nghiệp". Chính "tinh thần khởi nghiệp" đã kiích thích cả dân tộc họ luôn có những ý tưởng mới, hun đúc ý chí mạnh mẽ, làm bùng lên bầu nhiệt huyết làm giàu cho bản thân, cho xã hội, cho đất nước. Chúng ta có làm được không? Có quyết tâm làm không?
 
Khi nói về khởi nghiệp, chúng ta thường nghĩ rằng đó chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp. Thật ra, muốn có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải có sự khuyến khích, khơi gợi từ những người lãnh đạo. Nói cách khác, không chỉ "Doanh nghiệp Đồng Tháp khởi nghiệp" mà là "Đồng Tháp khởi nghiệp", lãnh đạo Tỉnh cũng phải luôn thôi thúc, hun đúc "tinh thần khởi nghiệp"; phải là người khởi xướng, lắng nghe, cổ vũ, chia sẻ với những ý tưởng khởi nghiệp đâu đó trong xã hội. "Cho đi rồi sẽ nhận lại" - Chúng ta có gieo thì mới gặt được!
 
Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại mục tiêu của chúng ta khi xây dựng Đề án "Nâng cao hình ảnh địa phương" - Đó là tạo ra sự "Thống nhất trong tầm nhìn, đồng thuận trong hành động, xây dựng hình ảnh địa phương, kiến tạo động lực phát triển mới". Một chỉ số xếp hạng PCI chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều điều muốn nói, nhiều việc muốn làm. Trên tinh thần "Thay đổi nhỏ - Kết quả lớn", chúng ta cùng "Mần"!
 
Theo Đài phát thanh truyền hình tỉnh Đồng Tháp

Tin khác